Thủ tướng Hun Sen hôm 7/9 nhắc lại cảnh báo mạnh mẽ rằng Campuchia có thể lại rơi vào nội chiến nếu tòa án xét xử Khmer Đỏ được LHQ hậu thuẫn xét xử thêm nhiều nghi phạm từ phong trào diệt chủng cuối những năm 1970.
Ông Hun Sen đã có bài phát biểu như vậy chưa đầy một tuần sau khi tòa án xét xử Khmer Đỏ tuyên bố sẽ mở các cuộc điều tra với những thành viên khác của chính quyền diệt chủng Khmer Đỏ. Thủ tướng Hun Sen (Ảnh AP)
"Nếu tòa án xử thêm nhiều nghi phạm mà không tính tới sự thống nhất quốc gia và hòa bình, nếu chiến tranh tái diễn, thêm 200.000 tới 300.000 người thiệt mạng thì ai sẽ chịu trách nhiệm?", Thủ tướng Hun Sen đặt ra câu hỏi.
"Tôi đã giành được hòa bình, tôi sẽ không để bất cứ ai hủy hoại nó...Giá trị của hòa bình là rất lớn", người đứng đầu chính phủ Hun Sen tuyên bố và nói thêm Campuchia đã từng chìm trong máu và nước mắt. "Vì vậy, bất cứ ai, xin đừng gây thêm nhiều rắc rối".
Trong bài phát biểu hồi tháng 3, Thủ tướng Hun Sen cũng đưa ra tuyên bố tương tự rằng việc xét xử thêm nhiều nghi phạm Khmer Đỏ có thể làm mất ổn định Campuchia. Và rằng, ông mong tòa án không xử thêm nhiều người khác.
Tuy nhiên, các nhà chỉ trích cho rằng giao tranh không có nguy cơ tái diễn kể từ khi nội chiến tại Campuchia kết thúc vào năm 1998. Những người này buộc tội chính quyền cố bảo vệ những thành viên cũ của Khmer Đỏ hiện đang làm việc trong chính phủ.
Tòa án xử Khmer Đỏ đươc thành lập năm 2006 để xét xử những thành viên hàng đầu của chính quyền Khmer Đỏ 1975-1979. Hiện thời, 5 cựu lãnh đạo của bộ máy diệt chủng đang bị giam với tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh.
Bị cáo đầu tiên hầu tòa là Duch, nhân vật này đã nhận trách nhiệm giám sát tử hình hơn 15.000 người tại nhà giam chính của Khmer Đỏ. Hiện, phiên tòa xử Duch vẫn chưa kết thúc.
Sau phiên xử Duch, tòa án định xử Noun Chea, Khieu Samphan, Ieng Sary và Ieng Thirith.
Dưới thời chính quyền Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo, 2 triệu người Campuchia đã chết đói, chết vì làm việc quá sức và bị tra tấn.
- Hoài Linh (Theo AFP)
No comments:
Post a Comment