Đại sứ Anh tại Việt Nam,
ông Mark Kent, có lý khi ông cho rằng bản án đối với các ông Trần
Huỳnh
Duy Thức (16 năm tù), Nguyễn Tiến Trung (7 năm), Lê Công Định và Lê
Thăng Long (5 năm) tác hại đến "thanh danh của Việt Nam". Có lý không
phải vì ông là đại diện cho một Vương quốc lập hiến, càng không phải vì
Vương quốc "Sư tử già nua" ấy là mẫu mực toàn bích của dân quyền, dân
chủ và nhân quyền. Người Việt Nam không ai quên rằng, cách đây 65 năm,
quân đội Anh cặp bến Sài Gòn với nhiệm vụ giải giới phát xít Nhật ở
phía nam vĩ tuyến 16, đã mang theo dưới hầm tàu sư đoàn của tướng
Leclerc để lập lại chế độ thực dân Pháp ở Viêt Nam. Cả thế giới đều
biết rằng ở Hồng Kông, trong gần suốt 100 năm, dân chủ chưa hề là mối
quan tâm của chính quyền Anh. Cho gần đến ngày Anh phải trao trả
"nhượng địa" này cho Trung Quốc...
Bất luận thế nào, ngày nay, dưới lá
cờ đỏ 5 sao của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, người dân Hồng Kông có
trong tay và sử dụng những quyền dân chủ tối thiểu mà hơn một tỉ người
Hoa Lục chưa hề có, và họ không sẵn sàng để cho Bắc Kinh tước đoạt
những quyền cao quý ấy, cho dù ý đồ của nhà cầm quyền Anh cách đây 20
năm chẳng "trong sáng" chút nào, chẳng qua chỉ là một trò chơi khăm Bắc
Kinh. Nhưng lịch sử đôi khi cũng là thành quả của những trò chơi khăm.
Điều ấy, người Việt Nam, nhất là những người cộng sản Việt Nam -- ít
nhất những người biết học sử -- cũng biết rất rõ : nếu không có luật habea corpus và
những nhân tố pháp quyền của nền dân chủ Anh, cách đây 80 năm, một nhà
cách mạng Việt Nam ắt đã bị trao trả cho mật thám Pháp để bị thủ tiêu
trên Biển Đông hay xử tử hình. Nhà cách mạng ái quốc ấy, ngày
mồng 2 tháng 9 năm 1945, đã long trọng tuyên bố thành lập một nhà nước
dân chủ đa đảng ở Việt Nam.
Ông Kent có lý, vì một
chính quyền có "đồng thuận cao" ở Quốc hội của một nước hoàn toàn độc
lập từ 35 năm nay, hoà bình liên tục trong suốt 20 năm qua, có quan hệ
ngoại giao với hầu hết các quốc gia trên thế giới, tuyên bố làm bạn với
mọi người, không thể "vẹn toàn thanh danh" khi bắt giam, rồi kết án tù
mấy cá nhân đơn lẻ, dưới tội danh "âm mưu lật đổ chế độ" khi mà "vũ
khí" duy nhất của họ là bàn phím, và phương tiện tuyên truyền, tập hợp,
tổ chức duy nhất của họ là môt công cụ phi vật thể : mạng internet.
Người ta có thể tiếc rằng
tuổi trẻ của Nguyễn Tiến Trung khiến anh nông nổi đến mức ngây ngô khi
ca ngợi George W. Bush, người ta có thể ngạc nhiên trước quan niệm "đa
đảng" khá độc đáo của luật sư Lê Công Định (một mình muốn thành lập hai
ba đảng cùng một lúc), người ta có thể thất vọng khi thấy họ cả tin đối
với những bè nhóm ma giáo và ồn ào ở nước ngoài (trách họ sao được, khi
một nhân vật lão thành như ông Hoàng Minh Chính còn nhẹ dạ hơn họ ?),
nhưng tiên thiên, không ai có quyền phủ nhận lòng yêu nước và khát vọng
xây dựng một nước Việt Nam phát triển, dân chủ, cởi mở của họ. Càng
không thể chấp nhận chính sách đàn áp của chính quyền và bản án phi
nghĩa ngày 20.1.2010 vừa qua của Toà án Thành phố Hồ Chí Minh.
Đường lối thô bạo ấy, ngay
trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam cũng không được tán thành. Theo
những nguồn tin đáng tin cậy, việc bắt giam bốn bị cáo là một quyết
định của một thiểu số (4 người) trong Bộ chính trị ĐCS, mấy người trong
cơ quan này (trong đó có ông Nguyễn Minh Triết, chủ tịch nước) đã bỏ
phiếu chống, còn đa số không lựa chọn. Trong đời sống không mấy lành
mạnh từ mấy năm nay của lãnh đạo ĐCS, đã hơn một lần, người ta biến
thành nghị quyết của Bộ chính trị một lời nói lửng lơ vào cuối buổi
họp, không hề được thảo luận (thí dụ điển hình là việc ông Nông Đức
Mạnh, tổng bí thư, vì nghe thày phong thuỷ xúi bậy, muốn xây toà nhà
Quốc hội ở Khu hoàng thành Thăng Long). Nhưng đây là lần đầu tiên, ý
kiến của một thiểu số (4/15) đã bị biến thành một quyết định của Bộ
chính trị, không hề được thảo luận và biểu quyết trở lại. Chỉ một việc
này cũng nói lên tính nghiêm trọng của tình hình đất nước.
Nghiêm trọng vì tình hình
đất nước đang trải qua một cuộc khủng hoảng toàn diện về kinh tế, xã
hội, văn hoá và tinh thần. Nghiêm trọng hơn nữa là sự bất cập của đảng
cầm quyền và hành xử của nó trước tình hình ấy.
Cuộc xử án vừa qua chỉ là
một trong muôn vàn chỉ dấu, thậm chí không phải là chỉ dấu nghiêm trọng
nhất (nếu được phép xếp thứ tự cấp bậc nghiêm trọng khi bàn tới sinh
mạng chính trị của những thanh niên và trung niên dũng cảm). Hành xử
của chính quyền trong vụ bauxite Tây Nguyên biểu lộ khá toàn diện và
sâu xa tình huống ấy : cho Trung Quốc khai thác thô quặng bô-xít tại
một vùng chiến lược bằng những phương pháp lạc hậu, tác hại môi sinh,
đời sống và văn hoá của đồng bào Tây Nguyên. Thoạt tiên là một câu
"lãng xẹt" trong một tuyên bố chung năm 2001 (Nông Đức Mạnh - Giang
Trạch Dân). Rồi dưới sức ép vừa thô bạo vừa tinh vi (kinh tế, tài
chính, chính trị, và có lẽ cả sinh hoạt cá nhân) của Bắc Kinh, nó đã
biến thành một "chủ trương lớn", chỉ thị Quốc hội phải bỏ phiếu "đồng
thuận cao". Trong khi đó, từ đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thiếu tướng
công an tại chức Lê Văn Cương, từ đảng viên tới trí thức sinh viên, từ
những cơ quan đoàn thể chính thức (Liên hiệp các Hội khoa học kĩ thuật
- VUSTA) cho đến những viện nghiên cứu tư nhân độc lập (như IDS), đều
phản đối mạnh mẽ. Quan trọng hơn, như chính những người phụ trách công
tác tuyên giáo đã báo cáo với Bộ chính trị : những người phản biện đều
đưa ra luận chứng chính xác, đầy đủ, những người tán thành (đặc biệt là
tập đoàn TKV) thì không.
Thật đáng kinh ngạc là
những người cầm quyền đã đối phó như họ đã làm : cấm báo chí phản ánh,
cấm phản biện công khai (quyết định 97, dẫn tới việc IDS tự giải thể để
phản đối)... Chính sự cấm đoán này đã dẫn tới kết quả mà chính quyền
không thể ngờ : số độc giả của báo chí giảm sút, và hơn 17 triệu lượt
người vào mạng bauxite Việt Nam để tìm hiểu sự thực, trong vòng 7
tháng. Lại đối phó : trong khi toà án TP HCM "khẩn trương" xử và kết án
trong vòng một ngày thì ở Hà Nội, thì giáo sư Nguyễn Huệ Chi (chuyên
gia về văn học Lý Trần) phải "làm việc" từ sáng đến tối tại cục an ninh.
Mạng Bauxite Việt Nam do
Nguyễn Huệ Chi điều hành đã bị đánh sập từ cuối tháng 12.2009. Chưa
biết nhóm côn đồ internet này ở đâu (Việt Nam, Hồng Kông...), nhưng ở
tu viện Bát Nhã, rõ ràng côn đồ không xuất phát từ Hồng Kông... Tại
Đồng Chiêm, phá thánh giá dựng trên một điểm cao (chính quyền nói là
xây dựng trái phép, có thể) là cả một lực lượng cảnh sát hùng hậu (mang
khiên đề chữ to CSDC, rồi cả POLICE nữa, như trong tiểu thuyết Vũ Trọng
Phụng). Thật khó giải thích cách hành xử thô bạo và thất sách này, khi
người ta nhớ rằng trong vụ "Toà Khâm" ở 42 Nhà Chung, chính quyền đã
khôn ngoan biết chuyển bại (mưu đồ của quan chức thành phố Hà Nội biến
thửa đất này thành khách sạn, chia chác tiền phát mãi) thành vườn hoa
(nghĩa là thành "thắng" cho người dân, cả lương lẫn giáo).
Người ta có thể "nhân bản"
những thí dụ cho thấy sự bất cập của chính quyền trong thời gian vừa
qua để xử lý trăm công nghìn việc của đất nước (vụ bà Tư
Hường chiếm đất ở Nha Trang, các vụ biểu tình bảo vệ chủ quyền ở Hoàng
Sa -
Trường Sa, các vụ Trung Quốc hãm hại và làm tiền ngư dân, vụ
xi-căng-đan Huỳnh Ngọc Sĩ, các vụ việc lớn nhỏ về giáo dục, nhà đất,
tham nhũng, vụ Đào Duy Quát...). Với tình hình hiện nay (và với triển
vọng Đại hội XI của ĐCS họp đầu năm 2011), có thể tin chắc rằng các vụ
việc sẽ tiếp tục, ngày mỗi nhiều và nghiêm trọng hơn, báo chí tuy đã
được ép vào "lề phải" một cách nghiệt ngã sẽ không thể nào bịt kín.
Vấn đề là sự ứng phó và
khả năng của chính quyền.
Chính sách đàn áp, xiết
chặt báo chí, ngăn chặn internet... tiến hành từ mấy năm nay chứng tỏ
nhà cầm quyền thấy rõ triển vọng tình hình và hiểu rõ họ không còn uy
tín trong dư luận xã hội (kẻ cả trong đa số đảng viên).
Cách đây 20 năm, trước sự
đổ sụp của Liên Xô, trong lãnh đạo ĐCSVN đã có một xu hướng không lành
mạnh là dựa vào Trung Quốc (cuộc họp Thành Đô, giải pháp "Cam pu chia
đỏ"...), tuy không thành nhưng cũng đã để lại những bài học chua xót.
Song nhờ tiếp tục đổi mới về kinh tế, và nhờ sự thoả hiệp mặc nhiên với
xã hội dân sự (để cho người dân chủ động làm ăn, sản xuất), người dân
cũng như chính quyền (và các cường quốc) đều không muốn có sự đảo
lộn...,
Việt Nam đã chuyển từ một chế độ mệnh danh "xã hội chủ nghĩa" sang hình
thái tư bản chủ nghĩa hoang dại với chế độ độc đảng chuyên quyền, với
những thay đổi to lớn theo cả hai chiều hướng tích cực và tiêu cực.
Lịch sử 20 năm qua cho thấy chế độ cực quyền đứng vững và đạt được
những thành quả đáng kể vì song song với trấn áp, nó biết tạo ra và
nương dựa vào một sự đồng thuận nhất định của xã hội.
Sự đồng thuận ấy đang cạn
kiệt, trấn áp đơn thuần chỉ dẫn tới thất bại và hỗn loạn. Xã hội Việt
Nam có thể, và chỉ có thể vượt qua được cuộc khủng hoảng hiện
nay, đất nước Việt Nam chỉ có thể đứng vững trước hiểm hoạ "quyền lực
cứng và quyền lực mềm" của chủ nghĩa đại hán trên bộ, trên biển, trong
nội bộ và trên quốc tế, trên cơ sở một đồng thuận mới. Đó là sự đồng
thuận về quyền lợi của quốc gia, lợi ích lâu dài của các thế hệ, về sự
tồn tại và phát triển của xã hội dân sự và công dân.
Sự đồng thuận ấy tuỳ thuộc
vào nhận thức của toàn xã hội cũng như vào sự thức tỉnh từ chính quyền.
No comments:
Post a Comment