Kiến nghị nhiều lần về tiền lương, khẩu phần ăn và các chế độ của người lao động nhưng không được công ty giải quyết, công nhân Công ty giày Rieker VN đình công đòi quyền lợi.
Hôm 5/4 hơn 1.000 công nhân (phần lớn thuộc phân xưởng gò và ráp) Công ty giày Rieker VN (100% vốn nước ngoài), tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Điện Bàn (Quảng Nam) đồng loạt đình công phản đối điều kiện làm việc, sinh hoạt và chế độ tiền lương bất hợp lý…
Theo phản ánh của các công nhân, với điều kiện vật giá tăng cao như hiện nay nhưng lương của họ vẫn không được điều chỉnh từ nhiều tháng qua. Hiện bình quân lương công nhân chỉ hơn một triệu đồng một tháng.
Công nhân Công ty giày Rieker đình công. Ảnh: Kiều Mi |
"Đã vậy, nếu ai ở xa hay gặp bất trắc gì, đi làm trễ một phút thì bị trừ một tiếng tiền lương, trễ 5 phút thì ngày đó không được chấm công dù vẫn phải làm việc", chị Mai, một công nhân tham gia đình công cho biết.
Nhiều công nhân cho rằng, họ đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhưng khi bị đau ốm trong lúc làm việc, chỉ được nghỉ 15 phút rồi trở lại làm tiếp, không được ra về, không được cấp thuốc để chữa bệnh. Khi công ty không có hàng để làm, người lao động phải nghỉ chờ việc nhưng không được trả lương thất nghiệp.
"Chúng tôi ăn trưa tại công ty với giá 7.000 đồng một suất, nhưng cơm thì bữa sống bữa chín, đồ ăn không thể nào nuốt nổi. Thời gian nghỉ để ăn trưa chỉ có 30 phút là quá ngắn", một nữ công nhân nói.
Phòng Lao động thương binh xã hội huyện Điện Bàn đã cử đại diện đến hiện trường để nắm tình hình và báo cáo Sở Lao động tỉnh. Đến trưa cùng ngày, đại diện lãnh đạo công ty hứa sẽ giải quyết song không nêu rõ thời gian. Tất cả công nhân đã bỏ ra về và cho biết sẽ tiếp tục đình công đến khi nào lãnh đạo công ty đáp ứng các yêu cầu của họ.
Đại diện Sở Lao động tỉnh Quảng Nam cho biết sẽ yêu cầu lãnh đạo Công ty giày Rieker VN tập hợp công nhân để lấy ý kiến, đi đến thỏa thuận, tránh đình công kéo dài.
5 ngày qua hàng nghìn công nhân Công ty Pouchen (Đồng Nai) cũng liên tiếp đình công, tràn xuống đường gây ách tắc giao thông. Nguyên nhân là người lao động không đồng tình với mức tăng lương năm nay của công ty, môi trường làm việc cực nhọc...
Kiều Mi - Thùy Quân
No comments:
Post a Comment