TTO - Tuần qua, quốc lộ 91 bị “đứt” khiến việc lưu
thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản qua lại An Giang, qua Campuchia bị
đình trệ. Hoạt động kinh tế xã hội bị ảnh hưởng, gây thiệt hại rất lớn.
Bao hộ dân còn bị mất đất đai, nhà cửa, cơ sở sản xuất
để làm đường tạm giải quyết ách tắc giao thông. Và để khắc phục sạt lở,
khôi phục lại đoạn quốc lộ bị sụp xuống sông Hậu phải tốn hàng trăm tỉ
đồng!
Sớm cảnh báo nhưng vẫn mất đường!
Dư luận cho rằng ban đầu mức độ sạt lở không đến nỗi
nghiêm trọng, nhưng chính từ sự chủ quan và sai lầm đã dẫn tới hậu quả
nặng nề đó.
Từ ngày 20-3 sạt lở bắt đầu “tấn công” trực tiếp vào
quốc lộ 91 - Ảnh: Đức Vịnh |
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, chiều ngày 27-2 tại
ấp Bình Tân, Bình Mỹ, Châu Phú (An Giang) một vạt đất dài gần 45m cùng
hai căn nhà bị đổ ụp xuống sông Hậu. Lúc ấy, vách sạt lở còn cách lề
đường từ 4m. Tuy nhiên, thấy khả năng quốc lộ 91 có thể bị đe dọa nên
chúng tôi điện thoại trực tiếp cho giám đốc Sở Giao thông vận tải An
Giang Nguyễn Thành Tâm để cảnh báo.
Ngay sau đó ông Tâm trực tiếp đến khảo sát hiện trường
và đã báo cáo với Khu Quản lý đường bộ 7 (KQLĐB7), Cục Đường bộ Việt Nam
về nguy cơ này. KQLĐB7 tiến hành khảo sát, rồi gắn biển báo cho các
phương tiện qua lại an toàn, nhưng vẫn chưa triển khai biện pháp chống
sạt lở.
Đến ngày 11-3, bờ sông lở tiếp, mặt đường xuất hiện vết
nứt nhỏ chạy dài. KQLĐB 7 làm rào chắn khu vực nguy hiểm lại; đồng thời
điều động Công ty CP Đầu tư & xây dựng công trình giao thông 73 đến
xử lý sự cố. Hình ảnh chúng tôi lưu lại cho thấy thời điểm này bờ sông
mới “ăn” xém vào lề đường.
Ngày 27-3, bắt đầu thả bao cát lấp hố sâu dưới lòng sông ở vị trí sạt lở. Nếu điều này thực hiện sớm chắc chắn quốc lộ 91 không bị đứt, gây thiệt hại nghiêm trọng như hiện nay - Ảnh Đức Vịnh |
Bắt đầu từ ngày 12-3, ở ngay vị trí sạt lở, hai chiếc
xáng thay nhau đóng hàng chục trụ chắn sát dọc bờ sông để thả rọ đá, kèm
theo thi công mở rộng mặt đường vào trong 3m nhằm đảm bảo giao thông.
Thế là khoảng tuần sau quốc lộ 91 gia tăng nứt lở, vết
nứt giữa lòng đường càng hở rộng hơn. Sáng 22-3 đoạn quốc lộ 91 tại đây
bị sụp mất, hàng chục trụ chắn cùng hơn 500 rọ đá cũng biến mất dạng.
Giao thông qua tuyến quốc lộ huyết mạch này bị tê liệt và UBND tỉnh An
Giang phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
“Chúng tôi phải cấp tốc giải tỏa trắng đất đai, nhà
cửa, vật kiến trúc của gần trăm hộ dân để làm đường tạm và đường tránh
cho phương tiện qua lại. Trong đó giải tỏa 8 lò sản xuất gạch, 51 nhà
dân, có căn lầu mới xây chưa kịp vào ở” - ông Nguyễn Văn Tuội, phó chủ
tịch UBND huyện Châu Phú, cho biết.
Do làm trật bài
Ngay sau vụ sạt lở hôm 27-2, Sở Tài nguyên và môi
trường An Giang đã đến khảo sát. Kết quả cho thấy giữa lòng sông Hậu,
khỏi vị trí sạt lở chừng 340m về phía thượng nguồn có hố xoáy cách bờ
120m với độ sâu dao động từ -17m đến -20m.
Tại vị trí sạt lở, cách bờ chừng 20- 50m có hố sâu từ
-12 đến -14m. Còn về phía hạ nguồn xuất hiện lạch sâu cách bờ khoảng 30-
50m và kéo dài với độ sâu dao động từ -17m đến -21m tạo thành mái bờ
dốc đứng. Báo cáo của sở nêu rõ: vách bờ sạt lở còn cách quốc lộ 91
khoảng 3,5m, tình trạng lở đất có xu hướng mở rộng và kéo dài về phía hạ
nguồn.
Hình ảnh cho thấy sau khi đóng 51 trụ chắn phạm vi sạt lở không lan về hạ lưu như Sở TN&MT An Giang cảnh báo mà trực tiếp tấn công thẳng vào lòng đường - Ảnh: Đức Vịnh |
Thế nhưng diễn tiến sạt lở từ ngày 12-3 trở đi không
theo xu hướng ấy mà bờ sông cứ “tấn công” thẳng vô phía quốc lộ. Giới
chuyên môn cho rằng đó là do việc đóng trụ chắn. Bởi khi đóng những trụ
cọc dài 12m ngay vị trí sạt lở, chiếc xáng cứ… chồm lên nhịp xuống tạo
ra những lượn sóng và gây chấn động mạnh liên tục.
Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng, trưởng
ban chỉ đạo khắc phục sự cố sạt lở, cho rằng cơ quan quản lý đường bộ
hoàn toàn không có kinh nghiệm nên mới đem cọc đóng ngay tại vị trí sạt
lở, làm chấn động nên mới gây sụp lở đất nặng nề, làm đứt mất quốc lộ
91!
Tuy nhiên, hai lần chúng tôi trực tiếp nêu vấn đề này
thì ông Mai Văn Đức - phó cục trưởng Cục Đường bộ VN (nay là phó tổng
cục trưởng thường trực Tổng cục Đường bộ VN) - đều… xin từ chối trả lời.
|
Theo Ths Trần Anh Thư, phó giám đốc Sở TN&MT An
Giang, nguyên nhân sạt lở bờ sông Hậu tại đây như đã cảnh báo là do hố
sâu giữa lòng sông. Do đó, để ngăn chặn và để bảo vệ đường thì cần thả
bao cát lấp ngay mấy hố sâu, tạo mái cho bờ ổn định. “Đáng lý động tác
này cần phải làm cấp tốc. Nếu vậy, chắc chắn bảo vệ được quốc lộ. Còn
việc đóng trụ chắn thả rọ đá hoàn toàn không có tác dụng” - ông Thư
khẳng định.
Ông Đỗ Vũ Hùng - phó giám đốc Sở NN&PTNT An Giang
- cho biết trên địa bàn tỉnh từng có những nơi sạt lở với mức độ nghiêm
trọng hơn rất nhiều, chẳng hạn như bờ sông tại khu Tỉnh ủy (TP Long
Xuyên), thị trấn Tân Châu bị sụp lở do hố xoáy sâu tới 43m. Tuy nhiên
nhờ xử lý triệt để nên tất cả đều an toàn. “Ngay sau khi sạt lở mà lấp
hố xoáy sớm thì bờ sông sẽ ổn định lại. Phạm vi sạt lở sẽ không lan
rộng. Việc đóng trụ chắn, thả rọ chẳng những không ăn thua gì mà còn làm
chấn động gia tăng sạt lở. Quốc lộ bị đứt do… làm không đúng bài” - ông
Hùng nói.
Do quốc lộ 91 bị đứt xuống sông nên 51 ngôi nhà dân, trong đó nhiều căn mới xây phải đập bỏ để làm đường tránh, đường tạm giải quyết giao thông bị ách tắc - Ảnh: Đức Vịnh |
Sau sự cố sạt lở mất đường nghiêm trọng đó, Công ty tư
vấn và đầu tư phát triển Adico được UBND tỉnh An Giang mời đến khảo sát
để đưa ra phương án xử lý. Qua nghiên cứu, ông Nguyễn Đỗ Tiến - tổng
giám đốc công ty - cũng khẳng định nếu có giải pháp đúng xử lý kịp thời
thì quốc lộ 91 không bị “đứt” nghiêm trọng như bây giờ.
“Nguyên nhân sạt lở là do phát sinh hố xoáy. Cho nên
cần lấp hố xoáy để tạo độ ổn định ở đáy sông. Trong thời gian đó không
được gây ra các chấn động mạnh ở phía trên. Thế nhưng việc đóng trụ, sử
dụng xe lu làm đường đã gây rung chấn nên khả năng sạt lở tăng lên gấp
bội” - ông Tiến giải thích. Theo ông, nếu chưa sạt lở rộng thì kinh phí
khắc phục cũng nhẹ hơn, bởi muốn khôi phục lại đường thì cần tạo nền vừa
kết cấu lại đường khá tốn kém.
Trao đổi với chúng tôi về việc đóng trụ chắn ngay vị
trí sạt lở này, ông Nguyễn Thanh Long - giám đốc Công ty 73 - cho biết
đấy là biện pháp nhằm bảo vệ quốc lộ được Cục Đường bộ duyệt. “Cục cho
phép vừa thiết kế vừa thi công”, ông nói. Còn tổng giám đốc KQLĐB 7
Nguyễn Thuận Phương thì cho rằng đó là phương án bảo vệ đường mà lâu nay
ở Mỹ vẫn làm.
“Chúng tôi có khảo sát và trình phương án lên Cục Đường
bộ duyệt. Cục chấp thuận và đôn đốc thực hiện Chúng tôi có khảo sát, có
thiết kế đầy đủ nhưng không hình dung hết được tình trạng sạt lở là do
hố sâu. Vô hình trung mình làm bị trật” - ông Phương nhìn nhận.
Sau khi quốc lộ 91 bị đứt, trưa ngày 22-3, ông Mai Văn
Đức, lúc ấy còn cục trưởng Cục Đường bộ VN, bay từ Hà Nội vào, đến nơi
sạt lở thị sát. Ông Đức chỉ đạo KQLĐB 7 lắp dầm Bailey, dự kiến dài 120m
vượt qua đoạn quốc lộ bị đứt để thông xe trước ngày 26-3.
Nhiều ý kiến phản đối việc làm cầu tạm này không thể
thực hiện, bởi việc vận chuyển, thi công đóng các cọc dài tới 36m là rất
khó. Ngoài ra, khu vực hai bên đoạn đường vừa bị sụp có khả năng sụp lở
tiếp nên việc xây dựng cầu là cực kỳ nguy hiểm nên KQLĐB 7 còn chần
chừ. Thế nhưng ngày 24-3 Bộ GTVT vẫn có công điện số 16/CĐ-BGTVT chỉ đạo
lên phương án lắp dầm Bailey để đảm bảo giao thông.
Sau đó, tại một số cuộc họp nhiều chuyên gia khẳng định
việc lắp dầm Bailey chỉ dùng bắc qua phạm vi ngắn, chứ không thể làm
dài tới hơn 100m Hơn nữa, khi thi công phải đóng trụ sẽ gây chấn động
mạnh tăng nguy cơ sạt lở. Từ đó, phương án này mới dừng lại.
|
ĐỨC VỊNH
No comments:
Post a Comment