Nhiều trai Trung Quốc mơ lấy vợ Việt ???
Cộng đồng mạng ở Trung Quốc từ lâu lưu truyền lời đồn rằng phụ nữ Việt Nam luôn mong ngóng lấy chồng Trung Quốc. Các hãng môi giới quảng cáo rằng các cô dâu Việt Nam "ngoan ngoãn và hiền dịu", và các chàng không tốn quá nhiều tiên cũng như thời gian để lấy vợ. Báo China Daily viết bài về hiện tượng nhiều đàn ông nước này bắt đầu theo xu hướng đi tour tìm vợ ở Việt Nam.
Sau 100 cuộc hẹn hò thất bại với các cô gái Trung Quốc, Dai Wensheng quyết định đi Việt Nam để tìm người vợ lý tưởng.
> Dân Trung Quốc đổ tới chợ tình
Dai và vợ - Ngân - trong ngày cưới. Ảnh: China Daily. |
Anh chàng 43 tuổi người Nam Kinh tìm được ý trung nhân - Ngân, người Việt Nam - hồi tháng 8 năm ngoái. "Tôi biết nàng không giống những phụ nữ khác. Khi tôi giương ô che cho nàng khỏi nắng gắt, nàng giành lấy và che cho tôi", Dai kể lại.
Họ cưới nhau chỉ hai tháng sau và Ngân giờ đây đã mang bầu 1 tháng. Cô hòa nhập khá nhanh, đã biết một chút tiếng Trung và thậm chí đã quen với cái lạnh ở Nam Kinh.
Từ tháng 9 năm ngoái, Dai bắt đầu tổ chức các tour hôn nhân cho những người như anh. Hơn một nửa những chàng này xuất thân từ Bắc Kinh hoặc Thượng Hải. Các chàng đều có ít nhất một tấm bằng cử nhân, tuổi từ 35 tới 45. Một phần ba trong số đó nắm chức vụ khá lớn trong các công ty đa quốc gia.
Những chàng rể tiềm năng nói trên được đưa đến Việt Nam và tham gia các cuộc hẹn hò chóng vánh với 10 cô gái từ 18 tới 25 tuổi mỗi ngày. Đối tác ở Việt Nam của Dai chọn các cô có ít nhất trình độ trung học trở lên. Kết quả là, họ đã kết duyên cho gần 50 cặp mà họ mô tả là "trời sinh".
Trào lưu này vẫn còn khá mới ở đại lục dù ở Đài Loan chuyện này đã cũ. Có tới 87.000 phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan trong khoảng thời gian từ tháng 1/1987 tới tháng 3/2008, theo kết quả khảo sát trên mạng của Mạng lưới hôn nhân xuyên biên giới châu Á. China Daily nhận định khó có thể xác định số cô dâu Việt ở đại lục vì họ có thể đăng ký kết hôn với chính quyền một trong hai nước.
Chuyên gia về hôn nhân xuyên quốc gia ở Đại học Thượng Hải Deng Weizhi cho rằng nguyên nhân của hiện tượng trên một phần là do vị thế của phụ nữ Trung Quốc trong xã hội đã tăng lên. Ngoài ra, tỷ lệ mất cân bằng nam nữ cũng là một yếu tố đáng kể. Trung Quốc, theo ông, cũng là một nơi khá hấp dẫn với phụ nữ Việt vì văn hóa hai nước có nhiều điểm tương đồng. "Chính tính cách nhu mì và việc luôn tôn trọng chồng khiến phụ nữ Việt Nam có giá", Deng nói thêm.
Zhou, quản lý trang web Vietnam Blind Dating, đồng tình. Anh nói một trong những động cơ khiến đàn ông Trung Quốc tìm tới Việt Nam là vì họ "chán ngấy thái độ cao ngạo" của con gái trong nước. Zhou, 40 tuổi, cũng tổ chức các tour hôn nhân tới Việt Nam. Mỗi tháng anh đưa 3 người tới Việt Nam và từ chối những anh nào mới ngoài 20 tuổi vì cho rằng họ chưa nghiêm túc về hôn nhân.
Đám cưới của Đông - người Trung Quốc - và cô dâu Việt Nam - Tiến. Ảnh: China Daily. |
Dai Wensheng nảy ra ý định tìm kiếm vợ Việt khi anh đọc một bài báo nói về hiện tượng này năm 2008. Hai năm hẹn hò thất bại cũng là nguyên nhân khiến anh tìm tới phương nam. "Tôi có cảm giác những phụ nữ tôi gặp trước đó chỉ muốn kết hôn vì tiền và địa vị", Dai nói.
Sau 3 tháng chuẩn bị, Dai lên đường tới Việt Nam vào tháng 8 năm ngoái. Anh tường thuật trực tiếp 1 tháng kiếm vợ trên blog và thu hút được nhiều sự quan tâm. Phần lớn những người đọc blog bày tỏ ý muốn theo chân anh. Một người trong số họ là Zhao, người Bắc Kinh, đã tìm được vợ nhờ sự giúp đỡ của Dai. Anh chàng quản lý trang web 39 tuổi này vốn rất ngượng ngùng khi đứng cạnh phụ nữ. Viễn cảnh yêu đương của chàng cũng không mấy sáng sủa khi anh nghĩ cần thăng tiến trong sự nghiệp và kiếm nhiều tiền hơn.
Zhao tham gia tour hôn nhân lần đầu vào tháng 2 để trải nghiệm văn hóa Việt Nam. Tháng này, anh trở lại và tìm được một cô gái ưng ý. Họ đang chờ sự đồng ý của cha mẹ cô. "Phụ nữ Việt Nam có những tiêu chuẩn hoàn toàn khác", Zhao nói. "Tất cả những gì họ cần là một người chồng biết yêu thương, chân thành và một gia đình hạnh phúc", Zhao nói.
Những anh muốn kiếm vợ sẽ phải trả khoảng 5.100 USD để tham gia các tour này. Một số người còn trả thêm để đi tour tìm hiểu đất nước Việt Nam. Dai chọn khoảng 10 chàng trong số 100 ứng viên mỗi tháng.
Do 50% những chàng rể tương lai đều đã ly hôn, Dai phỏng vấn để bỏ những người có ý định không tốt. Dai thường chọn những người có lương trên trung bình bởi vì phụ nữ khi tới Trung Quốc thường phải sống nhờ chồng do rào cản ngôn ngữ khiến họ khó kiếm việc. Họ cũng không được hưởng phúc lợi xã hội trong 5 năm đầu tiên.
Dù nhiều cặp yêu từ cái nhìn đầu tiên, việc giành được tình cảm của cha mẹ nàng không dễ dàng. Nhiều anh phải trở lại Việt Nam tới hai, ba lần để cưới vợ. May mắn cho Dai, vợ anh rất muốn lấy chồng Trung Quốc vì anh rể của cô là người Hong Kong và Đài Loan và họ đều là những anh chồng tốt.
Dai - cũng sở hữu một công ty truyền thông - thường tổ chức các cuộc gặp gỡ cho những cô dâu Việt ở Thượng Hải. Anh cũng mở một diễn đàn trên mạng cho các anh chồng để bàn luận về chuyện gia đình, ví dụ như quốc tịch cho con.
Dai đã đăng thông tin cho tour tháng sau tới Việt Nam. "Tôi rất hài lòng khi giúp nhiều người gặp được nhau", anh nói, song cũng cảnh báo các ứng viên nhớ rằng những thứ như rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa có thể gây cản trở cho cuộc sống của họ sau này.
Mai Trang
Bạn đánh giá về xu hướng này thế nào? Mời bạn cho biết ý kiến ở đây.
No comments:
Post a Comment