Nam sinh ĐH Bách khoa TPHCM đi tù vì trộm laptop
http://dantri.com.vn/c20/s20-352765/nam-sinh-dh-bach-khoa-tphcm-di-tu-vi-trom-laptop.htm
Gần một năm trước, T.T.A còn đang hãnh diện ngồi trong giảng đường của ĐH Bách khoa TPHCM. Còn hôm ấy, cậu sinh viên năm thứ tư này phải đứng sau chiếc vành móng ngựa trong phòng xử án để nghe cơ quan tố tụng quyết định tương lai của mình.
1. Chuyện của A là một câu chuyện về lòng tham tồn tại trong một con người vốn được chế ngự nhưng bất chợt trỗi dậy khi gặp cảnh cùng quẫn, trong những thời khắc thiếu kiềm chế.
Câu chuyện ấy xảy ra vào cuối năm 2008. A có bạn học trong Trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM nên thường xuyên đến chơi. Hai trong số những lần đến thăm bạn, A đã lén lấy trộm 2 máy tính xách tay của những sinh viên khác. Thời gian sau đó, A còn trộm hai chiếc khác ngay trong khu ký túc xá của trường mình. A mang bốn máy tính này đi bán được hơn 30 triệu đồng. Trong giỏ đựng máy còn có 2 thẻ ATM, A rút trộm được 2,6 triệu đồng.
Rồi hành vi của A bị phát hiện. A bị khởi tố, bắt giam. Theo kết luận giám định, tổng số tiền A trộm cắp hơn 50 triệu đồng. Xử sơ thẩm, TAND quận 10 đã phạt A 2 năm tù về tội trộm cắp tài sản. A kháng cáo xin được giảm án vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
2. Phiên xử phúc thẩm hôm ấy vắng tanh người dự khán. A không có một người thân nào tham dự phiên tòa để động viên, chia sẻ. Cha mẹ A nghèo khó, không có tiền quay trở lại TPHCM sau phiên xử sơ thẩm. Bạn bè thân thiết với A lúc đầu thì nhiệt tình nhưng giờ cũng quay lưng, lánh mặt.
Từ một vùng quê nghèo ở Quảng Ngãi, A đã bước vào giảng đường đại học trong sự trầm trồ của bà con lối xóm và bao bạn bè cùng trang lứa. Hai năm sau, đứa em trai cũng nối gót anh vào Trường ĐH Bách khoa TPHCM. Những tưởng mọi việc đã tốt đẹp với cậu thanh niên nghèo mà hiếu học này, ai ngờ đúng thời điểm chuẩn bị ra trường thì A đã...
Suốt phiên phúc thẩm, tòa xoáy vào việc giải mã nguyên nhân dẫn đến việc A phạm tội. A chậm rãi: “Thưa tòa, gia đình bị cáo ngoài quê nghèo lắm. Suốt thời gian qua, bị cáo vừa học vừa làm thêm nhưng không thể đủ trang trải cho chi phí và tiền học của hai anh em. Vì còn nợ nhiều tiền học phí quá, bị cáo sợ nợ như thế sẽ không được ra trường nên mới trót dại”. Đến đây thì A cúi mặt như đang tự dằn vặt chính mình.
Tòa hỏi: “Túng quẫn có phải là con đường cùng không mà bị cáo hành động như vậy?”, A chỉ cúi đầu lặp lại một cụm từ: “Bị cáo có lỗi, bị cáo có lỗi…”. Sau một phút im lặng, tòa không hỏi thêm, chỉ lắc đầu nhìn bị cáo, vừa thương vừa giận.
Giờ giải lao, tôi tranh thủ hỏi thăm. A kể phải cực khổ lắm ba mẹ em mới có thể lo cho hai anh em vào đại học. Cha A nguyên là một người lính nghỉ mất sức lao động, mấy sào ruộng đều do một tay người mẹ gầy yếu chăm lo. Tiền học phí của hai anh em A được góp nhặt từ những đồng chắt chiu nơi quê nhà cộng với số tiền A làm thêm nhưng không tài nào đủ.
Thế nhưng A cũng biết đó không phải là lý do để biện hộ cho hành vi sai trái của mình. A hối hận: “Em biết rồi đây đi xin việc ở đâu, dù chỉ là một lao động chân tay đơn thuần người ta cũng không nhận vì biết em là một người ở tù ra, đau lắm!”.
3. “Tôi thật sự thấy tiếc cho bị cáo. Tôi cũng như bao người làm cha làm mẹ khác đều thấy hãnh diện khi có con học trong bất cứ một trường đại học nào chứ đừng nói gì Trường Bách khoa, thế mà bị cáo lại tự hủy hoại mình. Chính bị cáo đã tự khép cửa tương lai của mình đó, biết không?” - vị nữ chủ tọa chua xót nói trước khi cùng các thành viên khác trong hội đồng xét xử vào nghị án.
Sau câu nói đó, A bật khóc. Rồi giờ phút quan trọng cũng đã đến khi tòa tuyên đọc bản án. Ai cũng biết dù có chiếu cố bao nhiêu thì A cũng không thể có một mức án nhẹ hơn bởi A phạm tội nhiều lần và số tiền trộm cắp lớn. Tòa cũng đã xét hết các tình tiết giảm nhẹ cho A như phạm tội lần đầu, gia đình tích cực khắc phục hậu quả, bản thân là sinh viên nên không áp dụng hình phạt tiền bổ sung. Mức án 2 năm tù là không thể xem xét để giảm nhẹ hơn được nữa.
Tòa tuyên bố kết thúc phiên xử, A lầm lũi bước theo hai cảnh sát áp giải. Phía trước A bây giờ là cánh cổng trại giam lạnh lẽo đang mở rộng. Bất chợt, A ngoái đầu nhìn lại phía sau xem có người thân nào dõi theo mình nhưng phía sau không có ai ngoài một khoảng không trống rỗng, vắng lặng...
Theo Thanh Tùng
Pháp Luật TPHCM
Đang xét xử vụ Huỳnh Ngọc Sĩ
http://tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=172609&ChannelID=12
TPO - Đúng 8 giờ sáng nay, chiếc xe chở tù tiến vào sân tòa TAND TP Hồ Chí Minh. Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ xuất hiện với dáng vẻ hốc hác và nom già đi khá nhiều, bị cáo Lê Quả đi dép lê khó nhọc lom khom bước xuống... trước một rừng ống kính của PV trong và ngoài nước.
Áp giải bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ vào tòa án. Ảnh : Trần Hiếu |
Cả hai bị cáo này đều bị truy tố với tội danh “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3 điều 281 bộ Luật Hình sự. Ông Huỳnh Ngọc Sĩ, sinh năm 1953, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông- Tây và Môi trường nước TP HCM; ông Lê Qủa, sinh năm 1939 -nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đại lộ Đông- Tây và Môi trường nước TP Hồ Chí Minh.
Bị cáo Lê Quả bước xuống xe tù. Ảnh : Trần Hiếu |
Ngay từ trước 7 giờ sáng, các phóng viên trong và ngoài nước đã tụ tập trước cửa Tòa án để "săn ảnh" các bị cáo. Phiên tòa diễn ta trong trật tự và nghiêm túc.
Chủ tọa phiên tòa phiên tòa là thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, Công tố viên Trần Ngọc Quang, hai hội thẩm nhân dân Lê Minh Kiệm và bà Võ Thị Nam, thư ký tòa là ông Vũ Ngọc Hoan.
Gần trọn buổi xét xử sáng nay, HĐXX tập trung xét hỏi bị cáo Lê Qủa về vai trò, trách nhiệm cụ thể được giao tại Ban quản lý dự án.
Theo cáo trạng, trụ sở Ban QLDA tại số 3 Nguyễn Thị Diệu- Quận 3 TP HCM, bị cáo Lê Quả và Huỳnh Ngọc Sĩ đã cho ông Sakashita đại diện Cty Tư vấn quốc tế Thái Bình Dương- Nhật Bản (PCI) thuê với hợp đồng 16 tháng, giá 5.000USD/tháng. Số tiền này được giao cho bà Chu Thị Mai- nhân viên phòng hành chính - tổng cộng 849.577.500 đồng chia cho các cán bộ của Ban. Còn lại 350 triệu đồng, các bị cáo đã chủ mưu dùng làm quỹ tiếp khách.
Hai bị cáo trước tòa. Ảnh : Trần Hiếu |
Tại tòa, bị cáo Lê Quả khai nhận : hàng tháng đều đích thân đi nhận tiền cho thuê trụ sở của Cty PCI. Tòa hỏi : tại sao không cử cán bộ kế tóan đi nhận tiền ? Tại sao không nộp số tiền thuê trụ sở vào ngân sách nhà nước ? Ngoài việc sử dụng căn nhà UBND TP HCM cấp làm trụ sở Ban QLDA sai mục đích, các bị cáo còn vi phạm việc kinh doanh sai chức năng, trái phép để thu lợi, gây thất thoát ngân sách nhà nước.
Bị cáo Lê Qủa ấp úng, trả lời né tránh và cho biết mọi việc đều có sự bàn bạc, thống nhất với giám đốc Huỳnh Ngọc Sĩ.
Cũng trong phiên xét xử sơ thẩm sáng nay, rất nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan được Tòa triệu tập nhưng đã vắng mặt không lý do.
>> Tiếp tục cập nhật...
Trần Hiếu
4.000 trang tài liệu do phía Nhật chuyển giao Điều mà dư luận quan tâm ở đây là vụ việc nói trên bị phanh phui sau khi vụ án tiêu cực đưa hối lộ của PCI được phía Nhật điều tra trong dự án mà ông Sĩ từng đương nhiệm GĐ BQLDA. Tháng 8/2008, cơ quan tố tụng Nhật đã đề nghị Việt Nam cùng hợp tác điều tra khi có nghi vấn PCI đưa hối lộ để được chọn là nhà thầu tư vấn giám sát dự án đại lộ Đông - Tây. Ngày 12/11/2008, báo chí Nhật Bản đưa tin, các cựu lãnh đạo PCI thừa nhận trước tòa án Tokyo đã lót tay 820.000 USD cho một cán bộ quản lý các dự án ODA ở TPHCM. Ba tháng sau thời điểm trên, ông Sĩ và Lê Quả bị bắt để điều tra. Tuy nhiên, bước đầu cơ quan điều tra chỉ khoanh vùng sai phạm trong quản lý tài chính khi BQLDA nói trên cho PCI thuê văn phòng. Song, cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam cũng cho biết, đầu tháng 5 vừa qua, đã nhận được khoảng 4.000 trang tài liệu do phía Nhật chuyển giao để phục vụ cho việc làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ và cần phải có thời gian để chuyển hóa hết nội dung của những văn bản này. Nếu tiếp tục phát hiện thêm sai phạm, nhiều khả năng ông Sĩ sẽ phải đối mặt với tội danh mới. Hữu Vinh |
No comments:
Post a Comment