TTO CẬP NHẬT LIÊN TỤC TIN BÃO LŨ: 101 người chết, 23 người mất tích * Cả nước chung tay sẻ chia * Chính phủ hỗ trợ 500 tỉ đồng, 10 tấn gạo * Bạn đọc Tuổi Trẻ ủng hộ 1,1 tỉ đồng * Bão Parma mạnh hơn bão số 9 có thể hướng vào Việt Nam
Bão lũ đi qua để lại cảnh hoang tàn và cả cái đói gay gắt. Sau nhiều ngày chống chọi với bão trên đầu và nước dưới chân, nhiều người lả đi vì đói. Người vội vàng lo tìm cái gì đó có thể ăn được để có thể cầm cự qua ngày. Những bàn tay sẽ chia lúc này cần hơn bao giờ hết. Phóng viên Tuổi Trẻ có mặt ở những nơi đó và ghi lại những câu chuyện xúc động.
>> Bạn đọc Tuổi Trẻ cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ bị cô lập
>> Quên mình vì người dân, đồng đội
Nhiều ngày qua không có hạt cơm vào bụng, em A Ten (Đăk Kroong, Đăk Glei, Kontum) ăn củ mì non cho đỡ đói - Ảnh: BÁ DŨNG |
Sau nhiều ngày bị mưa lũ cô lập, sáng 1-10, chúng tôi ngược lên huyện xa nhất của Kontum là Đắc Glei. Komtum là nơi hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cơn bão vừa qua. Mặc dù được thông tin tuyến đường dài 120km dẫn ngược lên Đắc Glei đã bị sạt lở nhưng dòng người từ TP Kontum ngược lên các huyện miền núi phía tây vẫn đông đúc. Họ là những người thân của các gia đình bị nạn, từ thành phố mang theo cơm gạo, tiền bạc và nhu yếu phẩm lên cứu trợ.
Tuy nhiên, ngay cả khi mưa đã ngớt từ hai ngày qua nhưng tuyến quốc lộ 14 độc đạo dẫn lên Đắc Hà, Đắc Glei... vẫn gãy đứt và tan hoang trong đổ nát, nhiều người đã phải từ bỏ ý định tiếp tục đi tiếp tế. Đến 17g ngày 1-10, khúc đường chất đầy bùn đất, rác và gỗ rừng trôi dạt vẫn ngổn ngang khiến lưu thông gần như bị tê liệt, không một phương tiện nào có thể qua được ngoài dòng người thồ hàng lội bộ giữa lớp bùn đất dày nhão nhoét.
Gia đình ông A Dot, xã Đắc Kroong, huyện Đắc Glei (Kontum), nướng những củ mì vừa mót được để cầm hơi qua ngày - Ảnh: Thái Bá Dũng |
Không còn gì để ăn, một em bé ở huyện Đắc Glei (Kontum) phải nấu bắp chuối với muối để ăn - Ảnh: Thái Bá Dũng |
Tình trạng tê liệt giao thông vì bão lũ và sạt lở còn nghiêm trọng hơn từ cầu Tri Lễ (Tân Cảnh) lên đến tận trung tâm huyện Đắc Glei. Tất cả các cây cầu đều bị cây rừng và rác bịt kín. Dọc lưu vực dòng sông Pha Cô, những ngôi làng bình yên ngày nào giờ tan hoang, đổ nát như vừa trải qua trận chiến khủng khiếp.
Thất thần, tuyệt vọng giữa những gì còn lại của ngôi nhà mình, bà Nguyễn Thị Liên và chồng là ông Nguyễn Ngọc Sang (thôn 3, Tân Cảnh, Đăk Tô, Kontum) nói trong đớn đau: “Mất sạch hết rồi chú ơi, lũ cuốn đi cả nhà cửa, xoong nồi, mọi thứ! Đến cả quần áo giờ cũng phải đi xin bà con để mặc cho đỡ rét. Ngày mai, ngày kia chúng tôi sẽ sống ra sao đây?”. Ông Sang cho biết, không chỉ riêng nhà ông mà tất cả nhà của các hộ dân thôn 3 đều bị lũ cuốn trôi, ngôi làng giờ thành “ngôi làng chết”.
Ngược thêm 20km, chúng tôi lên xã Đắc Kroong. Chứng kiến những ngôi làng giờ chỉ còn lại những tàn dư và vụn vỡ của cửa nhà, vườn tược, mọi thứ nằm lút sâu dưới lớp bùn đất hoặc chênh vênh chờ sóng đánh rụng bên mép sông Pha Cô mới thấy hết sự khốn khó của người dân nơi đây. Chủ tịch xã Đắc Kroong, huyện Đắc Glei, ông Bloong Phong Hằng lội bộ đến thăm dân mà nói như khóc khi thấy chúng tôi tìm vào đến tận nơi bị lũ nặng nhất của xã: “Giờ chỉ mong có đường để thoát ra bên ngoài và xin cứu trợ, dân ở đây không thể cầm cự được nữa!”. Tại thôn Đắc Sút, xã Đắc Kroong, sau nhiều ngày lả đi vì đói, hàng chục người dân đã lên các đồi sắn non để bới về ăn sống cầm cự qua ngày.
Không chỉ ở Đắc Sút, nhiều vùng khác ở miền Trung đang vẫy vùng tìm cái ăn qua ngày.
Sáng 1-10, hàng cứu trợ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã được đưa đến cho bà con vùng rốn lũ Quảng Nam - Ảnh: ĐĂNG NAM |
Đã ba ngày nay, cả gia đình bà Nguyễn Thị Bé, xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), mới có được mì gói cứu trợ dằn bụng - Ảnh: Tấn Vũ |
Bà Trần Thị Sang, 83 tuổi, ở xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), như người mất hồn khi hàng xóm liệm thi thể người em trai 79 tuổi chết trong lũ. Đồ đạc trong nhà bà cũng bị trôi hết, bà chỉ còn căn nhà trống và chiếc nón trên tay - Ảnh: Vũ Công Điền |
Bà Trần Thị Năm, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), bẻ những trái bắp còn sót lại - Ảnh: Tấn Vũ |
Hai vợ chồng bà Hà Thị Vân (82 tuổi) ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) không có con cái, khi nghe tiếng xuồng máy đi qua thì chạy ra nhận mì gói - Ảnh: Văn Định |
Tính đến chiều 1-10, bão số 9 và lũ đã làm 101 người chết, 23 người mất tích, hơn 200 người bị thương.
Nhóm phóng viên - cộng tác viên Tuổi Trẻ
No comments:
Post a Comment