GDP thấp nhất trong 10 năm, bội chi cao, dư nợ ở ngưỡng tiệm cận nguy hiểm... là những vấn đề được xoáy sâu trong phiên họp sáng 28/10. Đại biểu Quốc hội cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh sát thực tế.
Sau ngày làm việc hôm qua, Quốc hội dành cả buổi sáng nay tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội năm 2009; phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010. Các đại biểu tham gia phát biểu đều ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong việc điều hành chính sách, giúp kinh tế sớm vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Tuy nhiên, đa số cho rằng kết quả đạt được như vậy chưa thể vội mừng, khó khăn còn ở phía trước, bội chi ngân sách đã tiệm cận ngưỡng nguy hiểm, dư nợ cao, bản thân trong báo cáo của Chính phủ vẫn còn nhiều điểm cần đánh giá lại.
Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nổi tiếng với phần chất vấn Chính phủ liên quan tới dự án bauxite Tây Nguyên tại kỳ họp thứ 5. Ảnh: TTXVN |
"Những việc Chính phủ làm được, các đại biểu khác đã nói và đánh giá cao, tôi đồng tình và không muốn nhắc lại. Tôi chỉ muốn nói đến vế kia của từ nhưng - tức là những tồn tại cần khắc phục", đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề. Ông vẫn giữ cách hỏi gai góc và lập luận sắc sảo khi tham gia vào các chủ đề văn hóa, xã hội các kỳ họp Quốc hội trước.
Theo ông Quốc, báo cáo của Chính phủ gửi tới các đại biểu là một bức tranh tổng quát về nền kinh tế, nhưng lại rất trừu tượng, ít tả thực, chưa phản ánh đúng thực tế đời sống xã hội mà cử tri cả nước quan tâm. Báo cáo đề cập quá nhiều tới các con số như tốc độ tăng trưởng GDP, lạm phát, chỉ tiêu xuất khẩu... Những con số này ông Quốc cho rằng là cần thiết nhưng chưa đủ, còn thiếu các vấn đề quan tâm như giao thông, giường bệnh, an sinh xã hội, giáo dục...
"Báo cáo đi quá xa so với những vấn đề nổi cộm trong xã hội mà nhiều người quan tâm. Điều này lý giải vì sao người dân ngày càng ít quan tâm đến các kỳ họp Quốc hội vì chúng ta toàn bàn bạc những chuyện đâu đâu", ông Quốc nhận mạnh.
Theo ông, điều cử tri quan tâm không phải là con số vĩ mô mà là những vấn đề gần gũi với đời sống, các khoản chi của Chính phủ, và giá cả tăng giảm ra sao.
"Thế nhưng con số trong bản báo cáo đưa ra lại quá trau chuốt kỹ lưỡng đến độ có đại biểu đặt câu hỏi phải chăng Chính phủ có hẳn một phần mềm chuyên soạn thảo các báo cáo", ông Quốc nói. Ông cho rằng kết quả đạt được trong năm 2009 là tốt nhưng chưa đủ. Việt Nam mới trải qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng chưa vội mừng và không nên ngủ quên trong chiến thắng. Bởi các nước đang bước vào cuộc đua tái cấu trúc, chuyển đổi kinh tế, nếu VN không nhanh chóng bắt nhịp sẽ tụt lại đằng sau.
Năm 2009, GDP được xếp vào mức thấp nhất trong 10 năm, nhưng Chính phủ lại "lôi" con số của một số nước có GDP cực thấp để chứng minh rằng GDP của VN tăng trưởng tốt. Các phiên thảo luận trước, đại biểu bàn nhiều về con số do Chính phủ cung cấp dựa trên niềm tin về chính trị chứ chưa biết bản báo cáo này đã được kiểm chứng đến đâu.
"Tôi đề nghị ngoài Ủy ban Kinh tế làm nhiệm vụ giám sát, các phiên họp sau cần có thêm ban cố vấn, thành viên trong Quốc hội làm nhiệm vụ giám sát sác báo cáo Chính phủ", ông Quốc đề xuất.
Cùng băn khoăn này, đại biểu Lò Văn Muôn, đoàn Điện Biên cho rằng trong báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá hết những nguy cơ tiềm ẩn - cán cân thu chi mất cân đối, bội chi quá cao, vay nợ tiệm cận ngưỡng nguy hiểm. Trong khi các đại biểu Quốc hội lo lắng khoản vay nợ đang tiệm cận tới mốc nguy hiểm thì Chính phủ cho rằng vẫn ở mức an toàn. "Tôi muốn rõ giới hạn nào là an toàn, mức nào là nguy hiểm, cơ quan nào đánh giá và tiêu chí này đến đâu. Đề nghị Chính phủ làm rõ", ông Muôn nói.
Đại biểu đoàn Phú Yên - Trịnh Thị Nga dẫn chứng trong báo cáo của Chính phủ đưa ra 25 chỉ tiêu cho năm 2009, trong đó có 7 chỉ tiêu chưa đạt. Kết quả như vậy là tốt song ngay cả các điểm đã đạt được rồi theo bà Nga cũng cần rà soát lại chẳng hạn như vấn đề mua sắm chi tiêu công, giao thông, an sinh xã hội... "Năm qua chúng ta thực hiện gần 300 cuộc thanh tra, 333 cuộc kiểm toán và phát hiện nhiều sai phạm. Tôi muốn biết việc xử lý sai phạm đến đâu hay thanh tra rồi để đấy", bà Nga nêu vấn đề.
Theo bà, Quốc hội cần nâng cao cả tiêu chí giám sát và có báo cáo cụ thể kết quả thanh tra tại các địa phương, các cơ quan kết quả thế nào và mức độ xử lý đến đâu.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc (áo trắng, đứng) tại phiên thảo luận sáng nay. Ảnh: PV |
Ngoài các ý kiến đề xuất Chính phủ giải trình rõ các chỉ tiêu trong báo cáo, tại phiên họp sáng nay, đề án tái cấu trúc nền kinh tế, và việc có nên thực hiện gói kích cầu thứ 2 hay không tiếp tục được các đại biểu đưa ra. Đa số các ý kiến đều cho rằng nên có tiếp gói kích cầu thứ 2 nhưng tập trung vào các khoản đầu tư trung và dài hạn. Đồng thời phân loại từng phần, danh mục đầu tư, giảm thủ tục không cần thiết để các khoản vay đến đúng được đối tượng cần hỗ trợ. Riêng về các khoản miễn giảm thuế, các đại biểu cho rằng gói hỗ trợ này đã hoàn tất sứ mệnh lịch sử nên đã có thể dừng.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng khi đánh giá gói kích cầu lần một cần phải xem xét ở nhiều khía cạnh. Tổng gói kích cầu của VN tương đương 8 tỷ USD. Đây là con số không lớn so với các nước nhưng VN đã thực hiện thành công, các chuyên gia kinh tế nước ngoài cũng đánh giá như vậy.
Về đề xuất dừng gói hỗ trợ lãi suất, ông Phúc cho rằng nên xem xét lại, nên tiếp tục duy trì nhưng phân loại đối tượng cho phù hợp. Gói kích cầu lần một đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giải quyết an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo... "Tổng thể mà nhìn nhận gói kích cầu của chúng ta đã phát huy hiệu quả nên tôi cho rằng nên tiếp tục duy trì", ông Phúc nói.
Về đề án tái cấu trúc nền kinh tế, ông Phúc cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 12 để báo cáo Quốc hội. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định "tái cấu trúc" chỉ là cách chơi chữ, thực chất đó là sự cơ cấu lại nền kinh tế. Công việc này Việt Nam đã làm và thực hiện với một số ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế các vùng miền, khu công nghiệp...
"Tái cơ cấu nền kinh tế là một đề án quan trọng đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến nhiều bộ ngành, cân nhắc cẩn trọng và sẽ báo cáo Chính phủ xem xét", ông Phúc nói.
Hồng Anh
No comments:
Post a Comment