SGTT
- Sau khi phá bỏ hàng trăm hecta rừng phòng hộ ven biển lấy đất làm khu
công nghiệp rồi bỏ hoang cho cỏ mọc, mới đây tỉnh Tiền Giang lại thu
hồi hơn 800ha đất chuyên canh cây khóm cũng để làm khu công nghiệp và
sân golf 36 lỗ.
Anh
Tiêu Văn Nhứt bên chiếc xe mua khóm. Phía sau lưng anh là bãi đất rộng
540ha đầy cỏ dại của khu công nghiệp Long Giang, trước đây là vùng
chuyên canh cây khóm
|
Chỉ
tay qua cánh đồng rộng 540ha mọc đầy cỏ dại nằm ven đường 866 B thuộc
ấp 4, xã Tân Lập (huyện Tân Phước, Tiền Giang), anh Tiêu Văn Nhứt, một
người dân địa phương nói: “Cách đây một năm vùng này là cánh đồng
chuyên trồng khóm, mấy ông tỉnh thu hồi để xây khu công nghiệp Long
Giang, đến nay cỏ mọc lút đầu mà chẳng thấy nhà máy, xí nghiệp nào. Vậy
mà tỉnh tiếp tục thông báo thu hồi 270ha đất ở ấp 5 để xây sân golf 36
lỗ và nhiều công trình khác, nên nông dân bỏ mặc cho rẫy khóm héo queo
héo quắt, không có trái trăng gì”.
Mất đất sản xuất
Hơn
một năm qua, chuyện thời sự nhất đối với người dân và chính quyền xã
Tân Lập 1 là việc xây dựng khu công nghiệp Long Giang rộng 540ha. Theo
thống kê của UBND xã Tân Lập 1, khi tỉnh thu hồi đất, có 390 gia đình
(hơn 1.400 người) chuyên trồng khóm hàng chục năm qua ở ấp 4 tự dưng
thất nghiệp vì không nơi sản xuất. Cho đến nay, công tác đền bù giải
toả cho dân trong dự án khu công nghiệp vẫn chưa xong thì đùng một cái,
UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục thu hồi thêm 270ha đất ở ấp 5 để giao cho
công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Genuwin D&C Tiền Giang,
triển khai kế hoạch xây dựng sân golf 36 lỗ và các khu phức hợp giải
trí, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khoẻ, thương mại dịch vụ, biệt thự, căn
hộ cao cấp, chung cư cao tầng với tổng vốn đầu tư được rao đến 1.280 tỉ
đồng.
Ông Đào
Văn Thành, chủ tịch UBND xã Tân Lập 1 cho biết, diện tích tự nhiên của
xã là 2.870ha, nhưng có đến 2.100ha là đất của nông trường khóm Tân Lập
do tỉnh quản lý. Toàn bộ đất thu hồi xây khu công nghiệp và cụm sân
golf là đất của nông trường, nhưng tính chung có đến gần 500 gia đình
nông dân trong xã từ trước đến nay nhận khoán đất để trồng khóm bị thất
nghiệp. Đó là chưa kể còn rất nhiều gia đình xã khác đến nhận khoán đất
của nông trường để trồng khóm mà địa phương không nắm được.
Theo
ông Phòng Hồng Thanh, phó giám đốc nông trường Tân Lập, hầu hết những
hộ nông dân nhận khoán đất nông trường để trồng khóm đều ký hợp đồng
đến năm 2013. Do bị thu hồi đất trước thời hạn hợp đồng nên UBND tỉnh
đã quyết định đền bù thành quả lao động, cây trồng của dân nhận khoán
với giá 181 triệu đồng/ha. “Với mức đền bù này, tôi nghĩ nông dân có
thể mang tiền đến các xã khác mua đất để tiếp tục trồng khóm”, ông
Thanh nói. Nhưng hiện nay, do cùng lúc có nhiều nông dân Tân Lập 1 đi
tìm mua đất nên giá đất ở các vùng lân cận đã lên đến hơn 200 triệu
đồng/ha. Trong khi đó chủ tịch UBND xã Đào Văn Thành cho biết, ngoài dự
án khu công nghiệp và cụm sân golf, tỉnh tiếp tục thu hồi thêm đất
trồng khóm ở ấp 5 để giao cho công ty Hoàng Cường xây dựng các khu dân
cư, đô thị, chắc sẽ có thêm nhiều người thất nghiệp.
Tương lai mịt mù
Sau
hơn một năm triển khai, đến nay khu công nghiệp Long Giang vẫn còn là
bãi đất hoang. Trong khi đó, ông Châu, cư dân ấp 5 cho biết, cây khóm
vùng Tân Lập 1 có năng suất bình quân 20 tấn/ha, nếu tính giá bình quân
2.000đ/kg thì mỗi năm một hecta khóm mang lại thu nhập cho nông dân
khoảng 25 triệu đồng. “Gia đình tôi bị thu hồi hơn hai hecta khóm, nhận
tiền đền bù được 300 triệu đồng, vội vàng chạy vào xã Hưng Thạnh cách
xa hàng chục cây số mua được 10.000m2 đất. Nay ngôi nhà ở ấp 5 tiếp tục bị tỉnh giải toả để lấy đất xây sân golf, chưa biết tính sao”, ông Châu nói.
Chủ
tịch UBND xã Tân Lập 1 nói thêm: “Nghe đâu khu công nghiệp cần đến
100.000 công nhân, tôi hy vọng dân trong xã sẽ có việc làm sau khi
không còn đất canh tác. Còn cụm sân golf thì chắc chắn nông dân mình
không có cơ hội xin việc làm. Điều tôi lo lắng nhất là sau khi khu công
nghiệp hình thành, cả xã này sẽ phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm”.
Nhưng những người dân sở tại như ông Châu, anh Nhứt thì chẳng lạc quan
như ông chủ tịch xã. “Nói thiệt, xứ này ai cũng nghèo, ít có ai học
hành đến nơi đến chốn, chỉ có bán sức làm culi, phụ hồ chứ công nhân
nỗi gì. Nếu không mua lại được đất canh tác, ăn hết tiền đền bù thì
thất nghiệp, nghèo đói là cái chắc”, anh Nhứt chua chát nói.
Điều
mà nhiều cán bộ và người dân xã Tân Lập 1 cũng như dư luận ở Tiền Giang
đang thắc mắc, là việc thu hồi đất trồng khóm để xây sân golf trên vùng
Đồng Tháp Mười nước phèn chua gay gắt liệu có mang lại hiệu quả, hay
chỉ là một chiêu “xí phần” đất đai như những dự án sân golf đi trước?
bài và ảnh Hùng Anh
No comments:
Post a Comment