- Phát biểu không chỉ là một kỹ năng, mà còn là quyền của các vị đại biểu QH. Nhưng tuần đầu tiên của kỳ họp trôi qua với những buổi thảo luận tổ khá trầm lắng, dù vấn đề cần tranh luận là những quyết sách kinh tế - xã hội.
8h sáng 22/10. Đại biểu đến từ 4 tỉnh: Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Yên, Vĩnh Long có mặt khá đầy đủ ở khách sạn Khăn Quàng Đỏ, đường Hoàng Hoa Thám để thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.
15 phút đầu tiên trôi qua. Chỉ có tiếng giấy sột soạt và tiếng hắng giọng của các đại biểu đang mải miết đọc lại báo cáo của Chính phủ đã được Thủ tướng trình bày từ hôm khai mạc kỳ họp cách đó 1 ngày... Người điều khiển "mời mọc", gợi ý nhiều lần, mới có đại biểu đầu tiên lên tiếng...
Không khí trầm lắng còn ngự trị cả ở những tổ lâu nay vốn đầy "lửa".
Nhiều tổ đã tan khá sớm. Thậm chí ngay cả khi mới chỉ có 3 - 4 ý kiến, chủ tọa đã không thể mời được ai tiếp tục phát biểu và đành "giải tán".
Ở tổ Hà Nội, cũng thảo luận về kinh tế - xã hội, dù có mặt cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, thì vẫn không tập hợp đủ 33 thành viên.
Những đại biểu đã trở thành "người của công chúng": Trần Du Lịch, Lê Thị Nga, Lê Văn Cuông.
Trong khi họp tổ chính là cơ hội để đại biểu tranh luận, phân tích các thông tin, tranh thủ chất vấn các vị tư lệnh ngành - đại biểu cùng tổ - nhưng nhiều vị đứng lên phát biểu sau vẫn nhắc lại nội dung của người trước.
Ở những tổ có mặt các thành viên Chính phủ, cho dù ban đầu phát biểu hăng hái đến đâu, nhưng chỉ cần vị bộ trưởng đứng lên giải trình - thường khá dài và chi tiết - thì ít có ý kiến tranh luận lại.
Thảo luận về kinh tế - xã hội không khí đã "ảm đạm" như vậy, thì trong 4 tuần sắp tới, khi bàn về các luật mang tính chuyên ngành như viễn thông, các tổ chức tín dụng..., không rõ đại biểu có tận dụng tối đa thời gian? Bởi, ở nhiều kỳ họp trước, khi thảo luận về các luật, có nhiều đoàn chỉ sau 30 phút là... tan.
Nói như Phó Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Sĩ Dũng, phát biểu không chỉ là một kỹ năng, mà còn là một quyền của các vị đại biểu QH: "Quốc hội là một nơi để nói. Các vị đại biểu đến nghị trường chủ yếu để làm ba việc: nghe, phát biểu và biểu quyết. Việc nghe rất khó kiểm tra. Việc biểu quyết cũng vậy. Nên phát biểu trở thành kỹ năng quan trọng nhất của việc làm đại biểu".
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) từng phân tích rằng, nhiều khi các ý kiến phát biểu ở tổ đã không được tổng hợp, ghi chép đầy đủ.
Thực tế, nhiều khi vẫn đại biểu của đoàn đó, với bài phát biểu đã nói tại tổ, tiếp tục "phát" lại ở Hội trường.
Theo bà Mai, sau mỗi phiên họp tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên bóc tách ra vấn đề còn ý kiến khác nhau để khi thảo luận ở hội trường, làm rõ chính kiến và xen vào đó là giải trình của cơ quan liên quan. Có như vậy, đại biểu mới nói thẳng vào vấn đề lớn đang tranh cãi để đi đến tận cùng.
Tuy nhiên, đề xuất này của bà Mai vẫn chỉ là "ý tưởng".
Phải chăng vì thế nên các ý kiến thảo luận tại tổ vẫn chỉ có tính chất "tham khảo", "nói cho vui"? Vì chỉ khi ra đến hội trường (nếu được truyền hình trực tiếp nữa thì càng tốt), việc đại biểu tham gia tranh luận mới có ý nghĩa trước cử tri?
Hay phải chăng, những vấn đề kinh tế - xã hội của năm nay vẫn là những tồn tại của nhiều năm trước, như bội chi, hệ số ICOR cao, thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản, giáo dục nước nhà... mà đại biểu trong những kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới đã phát biểu rất hăng hái, nhưng rồi mọi chuyện "đâu vẫn còn đó" và vì vậy mà "cạn vốn"?
Ngay một đề xuất khác của đại biểu trước kỳ họp là báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phòng chống tham nhũng phải được trình bày và thảo luận công khai ở Hội trường nhưng rồi kiến nghị này vẫn không được đưa vào chương trình chính thức. Rồi báo cáo kết quả một năm mở rộng Hà Nội... Tất cả đều được "gửi riêng" cho đại biểu tự nghiên cứu và như giải thích của Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Đình Đàn, để cho đại biểu thảo luận tại các buổi họp tổ. Nhưng rồi, vì tài liệu "gửi riêng", nên phải chăng các đại biểu cũng sẽ thảo luận riêng ở đâu đó?
Ngoài ra, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước. 2 dự án luật quan trọng cũng sẽ được "mổ xẻ" ở Hội trường: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, Luật khám chữa bệnh. Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế giá trị gia tăng và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được thảo luận ở tổ.
Tuần này, các đại biểu QH sẽ có phiên thảo luận tại Hội trường (truyền hình trực tiếp) về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009, kế hoạch năm 2010 trong hai ngày 27 và 28/10.
-
Lê Nhung
No comments:
Post a Comment