TT - Một cán bộ Sở Lao động - thương binh và xã hội
TP.HCM thừa nhận chuyện trẻ làm việc 100 giờ/tuần không phải là cá
biệt. Tình trạng sử dụng lao động trẻ em vẫn diễn ra ở một số nơi thuộc
TP.HCM, đặc biệt là ở quận Tân Phú - nơi đang có trẻ em phải làm việc
10-14 giờ/ngày...
Em Phạm Nhật Cường (14 tuổi) và em Đặng Thị Thùy Dương (15 tuổi) miệt mài làm việc mà không biết cuối năm ông bà chủ trả cho mình bao nhiêu tiền - Ảnh: Gia Minh |
"Lâu
nay nếu phát hiện tại khu dân cư có trường hợp trẻ lang thang, trẻ bỏ
học, trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ em bị lạm dụng sức lao động, bị ngược
đãi... thì bị điểm trừ. Từ điểm trừ này có thể mất danh hiệu khu dân cư
văn hóa nên không mấy ai dám báo cho cơ quan chức năng"
Bà Phan Thanh Minh
|
Chiều 30-10, theo hướng dẫn của cán bộ UBND và Công an
P.Phú Thạnh (Q.Tân Phú), chúng tôi vào cơ sở gia công tại địa chỉ
173/20 Thoại Ngọc Hầu do ông Trần Quang Phương làm chủ. Trong diện tích
vài chục mét vuông, có gần mười lao động đang miệt mài với công việc.
Ngồi lọt thỏm trong đống vải cao quá đầu là một cậu bé cởi trần.
Em là Lê Văn Nhật (15 tuổi, quê Quảng Ngãi). Nhật kể
hằng ngày Nhật làm việc từ 7g30 sáng tới 11g30, chiều từ 13g hoặc 13g30
tới 17g30, tối từ 19g tới 23g, không có ngày nghỉ. Chúng tôi hỏi Nhật
có được ký hợp đồng lao động không, Nhật hỏi lại: “Hợp đồng lao động là
gì?”. Tiền lương bao nhiêu Nhật cũng không biết, chỉ nghe ông chủ nói
cuối năm sẽ trả tiền cho về quê.
Chúng tôi cùng cán bộ của P.Phú Thạnh tới một vài điểm
khác, hầu hết các lao động được hỏi đều có câu trả lời về thời gian làm
việc như Nhật kể, tức mỗi tuần họ phải làm việc hơn 80 giờ, không có
tiền ngoài giờ, không có ngày nghỉ.
Một vài trường hợp được hỏi tự nhận có hợp đồng lao
động khi ông hay bà chủ đứng bên cạnh, tuy nhiên khi hỏi chi tiết về
hợp đồng, về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội có hay không thì các em
đều... không hiểu những thứ đó là gì. Đây là những thanh thiếu niên tới
từ nhiều tỉnh thành của cả nước, nhưng đông nhất là các tỉnh như Quảng
Ngãi, Thái Bình và một số tỉnh miền Tây Nam bộ.
Tại căn nhà lầu số 553/21 Lũy Bán Bích, hơn 20 lao
động đang gò mình trong không gian chật hẹp chứa đầy vải vóc nguyên
liệu. Ở đây chúng tôi chỉ kịp tiếp xúc với hai trong số rất nhiều lao
động “mặt còn búng ra sữa”. Một em trong dáng bộ rụt rè cầm cuốn sổ ghi
tên cho chúng tôi là Phạm Nhật Cường (14 tuổi, quê ở Quảng Ngãi). Cường
nói đã làm việc tại đây ba tháng nhưng không biết ông bà chủ trả lương
bao nhiêu, chỉ biết cuối năm sẽ được lĩnh tiền. Tương tự là em Đặng Thị
Thùy Dương (15 tuổi, quê Sóc Trăng).
Chúng tôi hỏi sao không hỏi tiền lương bao nhiêu trước
khi vào làm, tới cuối năm mà ông bà chủ trả ít thì có thắc mắc gì
không, Dương chỉ thỏ thẻ: “Phải chịu chứ biết sao”. Ngoại trừ một công
ty TNHH, phần lớn các cơ sở mà cán bộ của P.Phú Thạnh đưa chúng tôi tới
đều không đăng ký kinh doanh theo quy định. Theo một cán bộ Phòng lao
động - thương binh và xã hội Q.Tân Phú, có hàng ngàn cơ sở như thế.
Chiều 30-10, ông Phan Anh Nhân, trưởng Phòng lao động
- thương binh và xã hội Q.Tân Phú, cho chúng tôi biết trong chín tháng
đầu năm 2009, phát hiện 23 trường hợp vi phạm các quy định về lao động,
trong đó có bốn trường hợp là trẻ em. Theo ông Nhân, tình trạng sử dụng
lao động là trẻ em, không có hợp đồng lao động và làm việc quá giờ là
tình hình chung chứ không riêng gì Q.Tân Phú.
Ông Nhân cũng cho rằng có rất nhiều khó khăn trong quá
trình xử lý vì thiếu cán bộ, các cơ sở phần lớn là đi thuê và liên tục
thay đổi chỗ nên khó giải quyết triệt để nạn bắt trẻ em lao động quá
sức.
Theo kết quả kiểm tra mới nhất của Thanh tra Sở Lao
động - thương binh và xã hội TP.HCM, năm 2009 đoàn công tác kiểm tra
173 cơ sở thì 62 cơ sở có sử dụng lao động trẻ em, trong đó có 149 em
dưới 16 tuổi. Số lượng lao động trẻ em tập trung nhiều tại hai quận Tân
Bình và Bình Tân. Các em làm việc trong điều kiện vất vả, không được ký
hợp đồng lao động, thời gian làm việc 10-14 giờ/ngày. Tất cả các em lao
động tại các cơ sở đều bỏ học, không được quan tâm đến kỹ năng sống,
nhiều em bị lạm dụng sức lao động.
Khu vực ít bị kiểm soát
Chỉ tính từ năm 2001 đến nay báo Tuổi Trẻ đã có nhiều
bài viết đề cập vấn đề lạm dụng sức lao động trẻ em nhưng tình hình vẫn
không được cải thiện. Vì sao? Bà Phan Thanh Minh, trưởng phòng bảo vệ
trẻ em Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, nói:
- Trường hợp em Đen
mà báo Tuổi Trẻ phản ánh ngày 30-10 bị làm việc trên 100 giờ mỗi tuần
là không thể chấp nhận. Đúng, đây không phải là trường hợp cá biệt mà
nhiều em khác cũng bị bắt làm việc trong điều kiện như thế. Chúng tôi
sẽ phối hợp với các ngành liên quan để buộc chủ cơ sở phải thanh toán
tiền lương thỏa đáng cho em Đen. Qua sự việc này chúng tôi thấy công
tác kiểm tra, giám sát cần được chấn chỉnh.
* Bà có biết được còn rất nhiều lao động trẻ em đang bị vắt kiệt sức mỗi ngày?
- Chúng tôi có đi kiểm tra và có nắm được. Các trường
hợp trẻ em phải làm việc 14 giờ/ngày rơi vào lĩnh vực may gia công, vắt
sổ. Tập trung nhiều nhất ở Tân Bình và Bình Tân. Chủ sử dụng lao động
thường là hộ gia đình, hộ cá thể, các cơ sở nhỏ lẻ. Qua kiểm tra, chúng
tôi cũng phát hiện nhiều phường không nắm được tình hình các cơ sở cá
thể sử dụng lao động trẻ em. Trong công tác kiểm tra, đoàn phát hiện
thì nhắc nhở yêu cầu chấn chỉnh.
* Đây là chuyện đã xảy ra nhiều năm liền. Tại sao không giải quyết được?
- Về cơ bản, tình hình lao động trẻ em chưa được kiểm
soát chặt chẽ. TP.HCM có trên 10% trẻ em từ nơi khác đến đây kiếm sống.
Các hộ cá thể, các cơ sở nhỏ thì thường xuyên sử dụng lao động trẻ em.
Các hộ này tuyển dụng trẻ em vốn cùng quê với chủ và đưa vào TP làm
việc, rồi nói với người xung quanh rằng các em là con cháu trong gia
đình vào làm việc.
Qua kiểm tra cho thấy các em chỉ lao động ở khu vực ít
bị kiểm soát, không ai để ý. Các em lại ít được tiếp xúc với người xung
quanh. Một số trường hợp chủ cơ sở đưa các em vào làm việc sau nhà,
trên lầu cao. Do đó, nhiều lúc cộng đồng cũng không phát hiện được.
Trong điều kiện hộ nhỏ lẻ như nhà riêng không đăng ký kinh doanh, không
báo cáo thuế, không báo cáo lao động, quy mô sản xuất dạng gia đình thì
rất khó phát hiện và cũng khó xử lý.
* Sắp tới phải chấn chỉnh ra sao, thưa bà?
- Để giải quyết vấn đề này không chỉ cán bộ trong
ngành chăm sóc trẻ em thực hiện hay phòng lao động các quận, huyện mà
cần sự hỗ trợ của cộng đồng như bà con từng tổ dân phố, khu phố. Đặc
biệt, công an phải tăng cường kiểm tra nhân khẩu. Khi phát hiện ban đầu
thì nhắc nhở, nếu không chuyển biến thì can thiệp kịp thời.
Võ Hương
|
P.MINH ĐỨC
.......................................
Ý kiến bạn đọc:
TTO - Tôi cảm thấy rất bất bình vì mẹ con em Nguyễn
Văn Đen bị buộc về quê với hai bàn tay trắng. Việc thiếu công nhân lao
động ở thành phố mà bà Á và ông Chương nói có thể thông cảm, nhưng việc
sử dụng lao động trẻ em quá giờ lao động, quá sức, và đối xử như thế,
tôi không đồng tình.
Em Đen làm việc đã hơn chín tháng, buộc em về mà không
trả tiền công một đồng nào, chứng tỏ bà Á và ông Chương có tật giật
mình: có hành hạ các lao động nhí, và muốn quịt (không trả tiền công
cho họ).
Tôi cho rằng, báo nên tiếp tục theo đuổi và lên tiếng
để bên vực cho các lao động này. Với bài báo ngày hôm nay 31-10 tiêu đề
"Nhiều trẻ làm việc 14 giờ/ngày" và bài báo hôm qua, tôi hy vọng các
ngành chức năng sẽ vào cuộc, không chỉ đình chỉ hay lập biên bản xử
phạt đơn thuần với 1 cơ sở may trái phép nêu trên, mà phải tích cực
triển khai kiểm tra gắt gao với mọi cơ sở may trên địa bàn quận, thành
phố HCM.
LA THỊ THÚY HỒNG
Luật lao động ngày làm 8 giờ, vợ chồng bà Á bắt em Đen
làm từ 14 - 16 giờ là trái với luật, người lớn cũng chưa làm được,
huống gì các em còn nhỏ chưa đủ tuổi lao động. Qua báo Tuổi Trẻ, cơ
quan chức năng nên có các biện pháp kiểm tra lại các cơ sở khác để các
em khác có được quyền lợi chính đáng, đồng thời xử lý nghiêm minh các
cơ sở vi phạm.
NGUYỄN HỮU
No comments:
Post a Comment