Bài viết cập nhật lúc: 10:24
ngày 26/10/2009
- Khắp đoạn kênh nước sủi bọt một màu trắng đục. Phân bò, bịch
ni lông và nhiều loại rác sinh hoạt trôi lềnh bềnh gây tắc nghẽn. Muỗi “khinh” thuốc xịt, chuột cống ghẻ chạy thẳng vào nhà
dân… Đó là cảnh tượng tại kênh Tân Trụ, phường 15, quận
Tân Bình, TP.HCM.
Muỗi “khinh” thuốc xịt, chuột cống chạy thẳng vào nhà
dân
Theo bà Cao Thị Thanh Loan, Trưởng Trạm y tế phường 15, dưới sự ô
nhiễm như trên, người dân phường này không bị dịch bệnh mới là lạ. Phường 15
rộng bằng cả quận 4. Trên địa bàn quận có nhiều khu quy hoạch treo, đất trống,
ao tù nước đọng và hàng ngàn phòng trọ.
Muỗi ở khu vực kênh Tân Trụ như đã nhờn thuốc nên khi bị phun xịt vẫn
bay như thường và dù thường xuyên diệt lăng quăng sống dưới kênh nhưng giống như
muối bỏ bể.
Nước thải từ cơ sở sản xuất bún tươi xả thẳng xuống kênh. Ảnh: Thanh Huyền. |
Chỉ từ đầu tháng 10 đến nay, phường 15 đã có 13 ca bị sốt xuất huyết,
3 ca bị bệnh tay chân miệng, 2 ca cúm A/H1N1. Riêng về bệnh tay chân miệng,
tháng nào phường này cũng có vài ca.
Người dân tại đây dùng nước giếng khoan để sinh hoạt. Trung bình độ
sâu của giếng là 30 mét. Tuy nhiên, nhiều hộ phản ánh chỉ dùng nước giếng để
giặt đồ và tắm rửa, phải mua nước tinh khiết đóng bình về để nấu ăn.
Quá bức xúc vì sự ô nhiễm, người dân sinh sống ven bờ kênh Tân Trụ,
phường 15, quận Tân Bình đã làm đơn phản ánh với ngành y tế TP.
Các hộ dân xả nước thải sinh hoạt ra kênh. Ảnh: Thanh Huyền. |
Bà Trần Thị Kim Thành, Tổ trưởng Tổ dân phố 125 (tổ có những người
dân trực tiếp sống cạnh kênh Tân Trụ) nhăn nhó phàn nàn: “Hôm nay mới vừa sau
cơn mưa nên mùi hôi thối của con kênh chỉ bằng 1 phần 10 ngày bình thường.
Hằng ngày, mùi xú uế từ con kênh đi cả vào trong giấc mơ của người
dân sống xung quanh. Chiều xuống, những con chuột cống bị ghẻ, rụng hết lông cứ
nhung nhúc chui từ dưới kênh lên chạy thẳng vào nhà dân.
Chúng tôi phải dựng những tấm vách che chắn hai bên bờ kênh bởi nếu
nhìn thấy dòng nước đen ngòm lềnh bềnh phân bò và rác rưởi sẽ không nuốt cơm
nổi.”
Trước kêu ca của người dân tổ 125, phường 15, quận Tân Bình, Trung
tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã xuống khu vực kênh Tân Trụ để ghi nhận tình hình.
Thực trạng của dòng kênh còn kinh khủng hơn cả tưởng tượng.
Ô nhiễm nặng do 40% hộ dân sống là dân tạm
trú?
Bác sĩ Trần Quang Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận Tân
Bình cho biết vấn đề của con kênh này đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Kênh Tân
Trụ đi qua 7 khu phố của phường 15. Nó là nơi tiếp nhận nước thải trực tiếp từ
sân bay Tân Sơn Nhất và các hộ dân của tổ 125, phường 15. Sau đó, con kênh này
chảy ra kênh Hy Vọng và nối với kênh Thanh Lương (quận 12).
Sở dĩ kênh Tân Trụ bị ô nhiễm
nặng như vậy là do 40% hộ dân sống ở đó là dân tạm trú. Nhiều hộ dân ý thức kém
đã xả rác thẳng xuống kênh.
Ngoài ra, dòng kênh còn bị một số hộ chăn nuôi bò sữa xả nước cọ rửa
chuồng và phân bò xuống.
Một cơ sở sản xuất bún ở gần đó cũng vô tư xả nước thải ra kênh. Ngày
25/10, cơ sở này đã bị tạm đình chỉ hoạt động do hệ thống xử lý nước thải công
suất quá nhỏ. Đến tháng 11, sau khi hệ thống này được nâng cấp phải qua sự kiểm
tra của Phòng Y tế và Phòng Tài nguyên Môi trường mới được phép hoạt động
lại.
Khi Trung tâm Y tế dự phòng TP. xuống địa bàn kiểm tra, các hộ dân
nuôi bò cho biết gặp phải vướng mắc nên đành xả thẳng rác và phân bò xuống
kênh.
Phân bò được các hộ chăn nuôi rửa trôi ra kênh vì không có hầm lắng. Ảnh: Thanh Huyền. |
“Ngành y tế có yêu cầu chúng tôi phải xây hồ lắng, hầm ủ phân chứ
không được xả xuống kênh. Tuy nhiên, số hộ chăn nuôi tại phường 15 giờ chỉ còn
25 hộ. Sắp tới, phường sẽ chuyển đổi hết mục đích sử dụng đất, tiến hành đô thị
hóa. Nếu chúng tôi bỏ tiền ra đầu tư thì liệu sẽ chăn nuôi được bao nhiêu năm?
Nếu lúc đó, Nhà nước không cho nuôi bò nữa thì chúng tôi làm thế nào?
Chẳng ai thích ôm lấy cái nghề nuôi bò. Chúng tôi chỉ mong phường tạo
điều kiện để nhanh chóng được chuyển đổi mục đích sử dụng đất (MĐSDĐ) sang đất
xây dựng. Khi đó, chúng tôi không nuôi bò nữa mà sẽ xây nhà trọ cho thuê.”, ông
Trần Văn Hoàng, đại diện cho các hộ chăn nuôi tại phường 15 nói.
Nạo vét kênh chỉ giải quyết phần ngọn
Trước phản ánh của người dân sống xung quanh kênh Tân Trụ, ông Phạm
Phú Dũng, Chủ tịch phường 15 cho biết: “Năm nào phường chúng tôi cũng được cấp
kinh phí để nạo vét kênh Tân Trụ. Cụ thể, năm 2008 chúng tôi đã sử dụng hết 110
triệu để vét kênh, chi phí cho đoạn kênh này năm nay là 300 triệu.
Rác thải ứ đọng gây tắc nghẽn dòng kênh. Ảnh: Thanh Huyền. |
Tuy nhiên, chúng tôi thấy việc làm đó chỉ khắc phục được phần ngọn.
Chỉ được 1 tháng sau là rác lại nổi lềnh bềnh đầy kênh gây tắc nghẽn. Để giải
quyết triệt để tình trạng ô nhiễm này, chỉ còn một cách xây cống hộp.
Trong thời gian chờ đề án xây cống hộp được TP. duyệt, chúng tôi đã
tạm thời khắc phục bằng cách yêu cầu tất cả các hộ dân phải đăng ký đổ rác (nhằm
hạn chế việc xả rác bừa bãi xuống kênh).
Người dân phải dựng hàng rào che chắn để khi ăn cơm khỏi nhìn thấy dòng kênh ô nhiễm. Ảnh: Thanh Huyền. |
Đặc thù của phường 15 là một phường nông nghiệp. Các hộ dân ở đây làm
nghề chăn nuôi từ rất lâu đời. Dưới đà phát triển của TP., phường cũng đang tiến
hành đô thị hóa. Năm 2006, phường có 60 hộ chăn nuôi. Đến nay, số hộ chăn nuôi
chỉ còn 1/3.
Việc chuyển đổi ngành nghề sống cho những hộ chăn nuôi đã được phường
đưa vào chương trình an sinh xã hội. Theo đó, định hướng đến năm 2020 phường sẽ
quy hoạch toàn bộ thành đất ở, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi mục đích
sử dụng đất.
-
Thanh Huyền
Theo vietnamnet.vn
No comments:
Post a Comment