– Người nông dân này 74 tuổi, cách đây 3 năm ông bị Toà án thị xã Phúc Yên tuyên phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ. Điều khiến người dân ở đây cảm thấy lạ là vì lão nông này bị kết tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trong lúc đó ông này chỉ học hết lớp 2.
Chuyện khó tin về một bản án có thật
Trong quá trình đi tìm hiểu về phản ánh của một số hộ dân ở thi xã Phúc Yên, tố cáo nhiều sai phạm trong quản lý đất đai ở phường Trưng Nhị tình cờ chúng tôi được nghe câu chuyện khó tin. Đó là người nông dân nghèo Nguyễn Thế Thăng, năm nay đã 74 tuổi. Ông từng bị TAND thị xã Phúc Yên tuyên phạt "12 tháng cải tạo không giam giữ" vì tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Không những thế, trong quyết định thi hành án và trích lục bản án hình sự, TAND thị xã Phúc Yên còn ghi nhầm tên vợ ông thành mẹ của ông Thăng. Những thông tin đó không khiến cho những người dân ở đây cảm thấy chua xót.
Quyết định thi hành hình phạt và bản trích lục bản án hình sự đối với "bị án" Nguyễn Thế Thăng "tuyên phạt bị án 12 tháng cải tạo không giam giữ " vì tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ". Trong phần nói về thân thế của ông, 2 văn bản của Toà án TX. Phúc Yên do ông Nguyễn Mạnh Đường, Chánh án ký lại ghi ông Thăng là "con bà Nguyễn Thị Chúc". Trong lúc đó bà Chúc là vợ ông. Ảnh: Duy Tuấn
Ông Nguyễn Hà Lâu, một người dân sống ở Tháp Miếu, phường Trưng Nhị cho biết: "Thật đau khổ cho ông ấy, ông ấy có biết chữ đâu. Ngày trước chỉ học hết lớp 2, một đời cần cù lao động nuôi vợ con, không bao giờ có xích mích với ai. Thế mà năm 2006, ông bị vướng vào một vụ việc liên quan đến cấp đất ở cho ông. Cuối cùng ông phải bán mất 2 con trâu để trả nợ, lại còn bị phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ".
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, năm 2003, thị trấn Phúc Yên (thuộc huyện Mê Linh cũ) có chủ trương cấp đất giãn dân cho người dân ở khu vực Ao Hợp Tiến (nay thuộc phường Trưng Nhị), tổng số có 154 suất. Tuy nhiên quá trình cấp đất, cán bộ thị trấn Phúc Yên đã tự ý cấp đất theo tiêu chuẩn "tự đặt ra" nên đã xẩy ra nhiều sai phạm.
Thời kỳ đấy, khu 5 nơi ông Thăng sinh sống được phân 5 lô đất để cấp cho những người có đủ tiêu chuẩn. Những cán bộ tổ dân phố này thấy ông Thăng là người có đầy đủ các tiêu chuẩn nên đã đề nghị cấp cho ông. Sau đấy, UBND huyện Mê Linh cũ có ra quyết định số 2987 ngày 31/12/2003 cấp cho ông Thăng lô đất tại thửa đất số 2, ao Ruộng mặt, phường Trưng Nhị.
Tuy vậy, sau khi có quyết định cấp đất, do quá nghèo nên ông Thăng không thể có tìên để nộp, 6 cán bộ trong chi bộ tổ dân phố đã bán suất đất đó với giá thị trường, lấy tiền chia nhau. Ông Thăng được những người này đưa cho 7 triệu.
Điều đáng nói là ông Nguyễn Thế Thăng, một người nông dân thuần tuý, được cho là nạn nhân của sự sắp đặt của những cán bộ này cũng bị toà tuyên án. Tại tờ trích lục bản án hình sự số 37 ngày 27/3/2006 của TAND thị xã Phúc Yên ghi rõ: Áp dụng khoản 1, điều 281 - Bộ luật hình sự xử phạt bị cáo Nguyễn Thế Thăng 12 tháng cải tạo không giam giữ.
Về tội danh của ông Thăng, tại Quyết định số 37 về "Thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị án Nguyễn Thế Thăng" có ghi rõ ông tội danh của ông là "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo bản án hình sự sơ thẩm số 10/2006/HSST ngày 24/2/2006 của Toà án nhân dân thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc".
Có một "nhầm lẫn" là những văn bản của TAND thị xã Phúc Yên đều ghi ông Thăng là con bà Nguyễn Thị Chúc, trong lúc đó tên mẹ ông (đã mất) là Nguyễn Thị Bé, bà Chúc chỉ là vợ ông Thăng.
Bật khóc khi phải bán trâu để nộp lại tiền
Câu chuyện "cười ra nước mắt" trên khiến chúng tôi không khỏi tò mò muốn gặp người nông dân này. Ông Nguyễn Hà Lâu dẫn chúng tôi đến nhà ông tại tổ 5, phường Trưng Nhị. Mặc dù trời đã tối nhưng ông Thăng vẫn đi chăn bò chưa về. Bà Chúc, vợ ông cho biết ông giờ đã già yếu rồi nên không làm được việc nặng, chăn bò là công việc quen thuộc của ông từ lâu nay.
Ngồi đợi một lúc thì ông Thăng "đi làm" về. Xuất hiện trước mắt chúng tôi là một ông lão đã 74 tuổi có khuôn mặt gầy rộc trông khắc khổ, dáng người thì nhỏ thó. Ông Thăng có tất cả 7 người con, 1 trai và 6 gái. Đã chừng này tuổi nhưng chưa có cháu đích tôn nên vợ chồng con trai ông vẫn tiếp tục "tìm đinh" cho dù đã có tới 6 đứa con giá. Đời ông thất học, cái nghèo túng đeo đẳng nên con cái ông cũng không tiếp xúc được với tri thức.
Khoản 1, Điều 281 Bộ luật Hình sự quy định về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ như sau: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Đối với tội phạm này, người phạm tội chỉ có thể là người có chức vụ, quyền hạn, tức là có những quyền hạn nhất định và họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để làm trái với chức năng, nhiệm vụ của mình. Việc thực hiện hành vi phạm tội của người có chức vụ, quyền hạn phải liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn mà người phạm tội được cơ quan, tổ chức giao (theo HNM)
Nhắc lại chuyện mình bị xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ vì tội danh chỉ dành cho những người có chức vụ, ông lại rươm rướm nước mắt. Ông kể lại: "Tôi oan, tôi chả được cái gì, họ lấy tên tôi để đứng tên đất. Lúc đấy tôi có biết cái gì đâu, công an gọi ra thì tôi ra chứ có biết gì. Oan nhưng tôi có biết chữ đâu, đến tên tôi còn đánh vần từng chữ thì đơn từ gì".
Theo tiêu chuẩn thì ông Thăng đủ để được cấp đất vì nhà đông người và chưa được cấp lần nào. Buổi nói chuyện khiến chúng tôi biết thêm, suất đất đấy phải nộp lại cho nhà nước 46 triệu, ông Thăng chỉ biết có 2 người cán bộ tổ dân phố đưa cho 7 triệu, cả đời chưa được tiếp xúc với số tiền lớn như thế nên ông đã mua gạch để tu sửa ngôi nhà.
Đến một ngày ông bị công an gọi lên để điều tra sư việc, ông cũng không biết mình phạm tội gì. Ngoài mức án trên thì toà còn buộc ông phải nộp lại số tiền 7 triệu mà những người kia đã đưa cho ông. Không có tiền để nộp lại, ông đành bán đi 2 con trâu, công cụ lao động, tài sản lớn nhất của ông để nộp lại tiền.
"Ngày đấy, khi phải bán trâu để trả tiền lại tôi đã khóc bởi tôi quen đi với nó rồi", ông khóc khi nhắc tới chuyện cũ.
Chia sẻ nỗi niềm với ông Thăng, ông Lâu cũng nói thêm: "Câu chữ trong bản án khiến người ta cười ra nước mắt. Một người nông dân 72 tuổi, đến tên của mình còn không viết được thế mà lại bị kết tội dành cho những cán bộ phạm tội. Có chăng chức của ông là chức nông dân còn vụ là vụ đi cày chứ làm gì có chức vụ ở đây".
Quyết định cấp đất mang tên ông Thăng sau đó cũng đã bị UBND thị xã Phúc Yên ra quyết định thu hồi và huỷ bỏ theo kiến nghị của toà.
Phiên toà đã xét xử cách đây 3 năm, bản án đã hết hiệu lực. 6 đảng viên bị khai trừ và bị tuyên phạt án treo vì tội "lợi dụng chức vụ…" thì không ai nói gì nhưng chuyện ông nông dân Nguyễn Thế Thăng bị tuyên án như vậy khiến ông người dân nơi đây không khỏi suy nghĩ... !
· Duy Tuấn – Thu Hương
No comments:
Post a Comment