Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 08/11/2009 Cập nhật lần cuối ngày 08/11/2009 19:16 TU
Theo Courrier international, thèm thuồng trước những tài nguyên giàu có của Lào, Trung Quốc đã gia tăng đầu tư vào những đề án to lớn ở quốc gia này, đầu tư tư nhân cũng như nhà nước. Có điều là các đề án này có cái giá khá cao mà Lào phải trả về mặt xã hội cũng như kinh tế.
Trích dịch báo trên mạng Asia Times, Courrier international mở đầu bài viết bằng việc mô tả cảnh từ bến xe ở Côn Minh (Vân Nam), xe ca đầy ắp người rời bến. Đây là những công nhân lên đường đến thủ đô Lào, Vientiane. Đoạn đường dài, phải mất đến 40 tiếng đồng hồ mới đến nơi, nhưng có vẻ không làm họ nao núng chút nào. Ngược lại nữa là khác trước viễn ảnh sẽ được một đồng lương khá hơn. Một người giải thích : "Lào là một quốc gia nghèo, bẩn thỉu. Nhưng chúng tôi có nhiều bạn bè ở đấy. Chúng tôi có thể kiếm được tiền và giúp đỡ để Lào có thể giống Trung Quốc hơn.''
Bài báo nhắc lại là trong vùng Tam giác vàng, ảnh hưỏng của Trung Quốc đã có từ lâu. Một đợt người lao động ở Vân Nam đã đến đây vào thế kỷ 19, và một đợt mới đang đổ về đây. Từ mấy năm qua, Trung Quốc đã đổ tiền vào phát triển khu vực phiá Bắc Lào. Một thoả thuận hợp tác 2 bên được ký vào năm 1997.
Trung Quốc là chủ của gần 40% đề án đầu tư
Hiện nay thì Trung Quốc là chủ của gần 40% các đề án đầu tư ở Lào. Với trợ giúp của chính phủ, đầu tư của nhà nước hay tư nhân, số công ty xí nghiệp tư nhân Trung Quốc ngày càng nhiều trên đất Lào, Họ kiểm soát nhiều mảng kinh tế của nước naày, từ tài nguyên mỏ cho đến cao su, điện, khu vực bán lẻ, khách sạn.
Năm ngoái, chính quyền Vân Nam đã đưa ra đề án gọi là Northern Plan, mục tiêu nhằm phát triển lãnh vực công nghiệp vùng phiá Bắc Lào từ đây đến năm 2020. Đề án đang chờ được Đại Hội lần thứ IX của đảng Cộng sản Lào vào năm tơí đây, 2010, phê chuẩn.
Nếu số lượng xe 4x4 mà người thấy ở vùng biên giới Lào Trung Quốc cho thấy rõ rệt ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại đây đã có lợi cho một số người, thì ngược lại theo bài báo, đông đảo dân Lào cũng như giới quan sát viên quốc tế đếu lo ngại về tác động trên môi trường và xã hội Lào. Mối quan ngại lớn hiện nay là về '' xa lộ '' 3, xây dựng với vốn của Trung Quốc, Thái Lan... nối liền Vân Nam - Bangkok và xuyên qua vùng Bắc Lào.
Thành Phố Boten của Lào đã biến thành một đô thị Trung Quốc
Thành phố Boten của Lào nằm trên biên giới vớí Trung Quốc, gần con lộ số 3, đã có được quy chế "vùng kinh tế đặc biệt"'. Có điều theo Courrier International, với diện tích 21 cây số vuông, và tên mới là Boten Golden City, thành phố này trên thực tế xem như đã đươc sát nhập vào Trung Quốc. Đươc giới thiệu là hiện đại nhất nước Lào, Boten đã được nhượng lại cho các nhà đầu tư Trung Quốc trong thời hạn 30 năm, và có thể triển hạn đến 60 năm. Quả đây là một thành phố Trung Quốc, giờ cũng theo giờ Bắc Kinh, tiền sử dụng là đồng yuan và ngôn ngữ là tiếng quan thoại. Điện và điện thoại đều nối vào mạng lưới của Trung Quốc, ngay cả ổ cắm điện cũng theo chuẩn của Trung Quốc. Thậm chí các cô gái điếm cũng đến từ Trung Quốc.
Boten đã làm dấy lên cả một phong trào phản đối : để xây dựng đặc khu kinh tế, cư dân ở Boten đã bị trục xuất khỏi thành phố của họ, bị dời xa ra cách đấy khoảng 20 cây số, một nơi mà dịch vụ thì kém cỏi, đất cằn cỗi hơn. Boten là trường hợp điển hình nhưng không phải duy nhất.
Việc nhượng đất còn có một mối đe doạ khác nữa trên môi trường, sinh thái : nạn săn bắt, buôn bán thú vật quý hiếm. Đi qua Boten, du khách sẽ thấy những cái chuồng chật hẹp, nhốt nào là khỉ, gấu đen hay những loài thú hiếm hoi khác, chờ người mua chuyển về bên kia biên giới. Nhung đáng lo ngại nhất theo bài báo, là nạn phá rừng, bán gổ, và sau đó trồng cây cao su.
Theo le Courrier, các công ty Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào các đồn điền. Một khi được giấy phép của chính quyền Vientiane, thì họ thương lượng với chính quyền điạ phương. Cho nên dù ý thức về những mối nguy hại đối với Lào, nhưng giới bảo vệ môi trường cũng đành bó tay.
Le Courrier kết luận là với hàng hoá Trung Quốc tràn ngập nước Lào, với những khoản trợ giúp vô điều kiện, Trung Quốc còn tung hoành người láng giềng nhỏ bé này trong nhiều thập niên nữa.
Kỷ niệm 20 năm ngày bức tường Berlin sụp đổ
Tuần báo Courrier international dưới tựa đề ''Berlin, để ghi vào ký ức'' đã đăng ngay trên trang bìa ảnh một đôi trai gái hôn nhau trước bức tường, nhìn từ phiá Tây, đằng sau là đám đông đang đục phá bức tường dưới cái nhìn thản nhiên của những người lính đứng bên trên. Courrier international đặc biệt ghi lại lời kể của 12 nhà văn về những gì họ đã thấy từ năm 1989 đến năm 2009.
Trong hồ sơ dài hơn 20 trang, Courrier International đã bắt đầu bằng suy nghĩ cũa nhà biên kịch người Đông Đức Ingo Schulze, ghi nhận điều mà ông gọi là 3 cái "hỏng hóc" của tiến trình thống nhất nước Đức. Đối với nhà văn này, thì vì quá vội vã, muốn thực hiện thống nhất nhanh chóng sau khi bức tường Berlin sụp đổ, thủ tướng Đức lúc bấy giờ là Helmut Kohl đã để lại nhiều vết thương tại Đông Đức.
Theo tác giả, tiến trình thống nhất nhanh chóng đã giúp cho một số người ở Tây Đức làm giầu nhanh chóng, trong lúc những người ở bên phiá Đông vẫn bị lâm vào cảnh chật vật. Do chênh lệch cực lớn về trình độ phát triển giữa hai miền Đông và Tây Đức, lẽ ra Tây Đức phải chuẩn bị một thời kỳ quá độ, thay vì sát nhập hai miền trong một sớm một chiều, khiến cho những người phiá Đông bị hụt hẫng, không theo kịp.
Nhà văn Michal Hvorecky người Slovakia cũng có một cái nhìn mất ảo tưởng về những gì xẩy ra tại nước ông trong vòng 20 năm qua, từ ngày bức tường Berlin sụp đổ, kéo theo toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa đông Âu. Nhà văn Slovakia đã tỏ ý ngậm ngùi trước sự kiện là sau khi đất nước được tự do, một thiểu số gọi là "tân dân chủ" khéo xoay sở đã biết lợi dụng thời kỳ quá độ để làm giàu vô tội vạ. Trong lúc đó thì những người khác càng lúc càng phải thắt lưng buộc bụng.
Tuy nhiên, không phải ai cũng chỉ nhìn thấy khiá cạnh tiêu cực của việc nước Đức thống nhất. Nhà văn kiêm nhà báo Đông Đức Monika Maron được Courrier International trích dẫn đã cho rằng chính nhờ việc Bức Tường Berlin sụp đổ mà người dân Đông Đức đã vươn lên được và phát huy được tài năng và sáng kiến của mình, không bị guồng máy đè bẹp như dưới thời cộng sản.
Tuần báo Anh The Economist cũng dành hồ sơ đặc biệt để kỷ niệm 20 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ. Nhận định của The Economist rất rõ rệt : Trong 20 năm vừa qua, dân Đông Đức và những người Dông Âu đã đạt được quyền tự do đáng kể về mặt kinh tế. Thế nhưng không nên coi đó là một điều sẽ tồn tại mãi mãi.
Trong bài xã luận, The Economist đánh giá : Việc phá hủy bức màn sắt ở châu Âu ngày 9/11/1989 cho đến nay vẫn à một sự kiện chính trị đáng ghi nhớ trong cuộc sống của mỗi người. Sự kiên này đã cởi trói cho hàng triệu con người, kết thúc một cuộc tranh chấp có nguy cơ dẫn đến hủy diệt bằng vũ khí hạt nhân. Đối với những người theo xu hướng tư do tại Phương Tây, sự kiện đó vẫn là biểu tượng của những thành quả đạt được cho đến nay, cũng như là biểu tượng của những gì cần phải tiếp tục đấu tranh để duy trì.
Việt Nam đàn áp giới ly khai sử dụng internet
Nhìn về Việt Nam, qua hàng tựa ''Hà Nội trừng phạt một nhà ly khai sử dụng internet", tạp chí Pháp L'Express chú ý đến trường hợp của anh Nguyễn Tiến Trung, mà theo tạp chí, đã kêu gọi dân chủ ở Việt Nam, chống lại chế độ độc đảng trên blog của mình và hiện ngồi tù. Nguyễn Tiến Trung được chú ý vì là cưụ sinh viên trường kỹ sư tại Rennes.
Mở đầu bài viết, tác giả Dominique Lagarde, cho là nước Pháp đã dậy anh về tin học và dân chủ. Khi đến Rennes vào năm 2002, Nguyễn Tiến Trung chỉ mới 19 tuổi để theo học ở Viện quốc gia khoa học ứng dụng. Tại vùng Bretagne, theo bài báo, anh đã khám phá tự do ngôn luận và niềm vui tự do mày mò trên internet, không hề gặp những cấm kỵ.
Qua những trao đổi với bạn bè, anh đã tiếp cận với lịch sử Châu Âu, đặc biệt là sự sụp đổ chủ nghiã công sản ở Đông Âu. Trên trang blog của anh, Nguyễn Tiến Trung kêu gọi chống lại chế độ độc đảng. Về nước sau khi tốt nghiệp, vào năm 2007, anh làm việc cho IBM.
Theo l'Express anh bị buộc phải thi hành nghiã vụ quân sự. Nhưng ngày mùng 06/7 vừa qua, anh bị đuổi ra khỏi quân đội vì không chiụ tuyên thệ trung thành với đảng. Anh bị bắt ngày hôm sau, cho đến giờ vẫn ngồi tù, không hề đươc tiếp xúc vơí luật sư hay người thân trong gia đình.
No comments:
Post a Comment