- Cùng với những nội dung mới như thuỷ điện miền Trung xả lũ, bảo vệ biển đảo, gói kích cầu... các đại biểu Quốc hội tiếp tục chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ về kết quả thực hiện "lời hứa".
Tính đến cuối giờ chiều ngày 11/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người nhận được nhiều câu hỏi nhất, 35 câu. Các bộ trưởng Công thương, Giáo dục, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lần lượt nhận xấp xỉ hơn 20 câu hỏi.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với đại biểu bên hành lang kỳ họp Quốc hội tháng 5/2009. Ảnh: Lê Nhung |
Chính phủ làm gì để bảo vệ ngư dân?
ĐBQH Lê Thành Tâm (TP.HCM) chất vấn Thủ tướng: "Gần đây, tình hình Biển Đông, nhất là khu vực Hoàng Sa, Trường Sa khi ngư dân đánh bắt cá trong phạm vi ngư trường thuộc lãnh hải Việt Nam bị phía Trung Quốc ngăn chặn, cấm đoán, thậm chí tịch thu thuyền bè, ngư cụ... Đề nghị Chính phủ cho biết thái độ và biện pháp mạnh để bảo vệ bà con? Việc Trung Quốc ngang ngược vẽ một đường lưỡi bò tự quy định lãnh hải trong đó phần nhiều nằm ở hải phận Việt Nam, liệu có bất lợi cho Việt Nam không?".
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng nhận được một câu hỏi với cùng nội dung, từ ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết: "Thời gian qua, ngư dân của ta liên tục bị tàu có vũ trang của Trung Quốc tấn công nhưng phản ứng của Bộ Ngoại giao thường chậm. Indonesia mới ban hành luật cho phép tàu tuần tra của nước họ bắn chìm tàu cá xâm phạm lãnh hải nhưng cũng chưa thấy phía ta có phản ứng gì. Đề nghị Phó Thủ tướng giải thích thái độ nói trên và cho biết sẽ có biện pháp gì bảo vệ ngư dân?'.
"Vì sao khi xả lũ không báo địa phương?"
Việc sau bão số 9 và số 11, các nhà máy thủy điện miền Trung (đặc biệt thuỷ điện A Vương) thi nhau xả lũ khiến tình hình lũ lụt thêm căng thẳng được tranh luận trong nhiều ngày qua nhưng chưa ngã ngũ.
Theo phản ánh của người dân địa phương thì khi hạ lưu ở dưới báo động cấp 3, các hồ thuỷ điện không chịu xả lũ, đến khi lên trên báo động 3 thì xả ào ạt.
Trả lời báo chí vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, lũ lụt miền Trung vừa rồi không liên quan đến thuỷ điện xả lũ.
Tuy nhiên, nhiều ĐBQH miền Trung đã gửi chất vấn lên Bộ trưởng Công Thương đề nghị phải có chính kiến về vấn đề này, đồng thời "truy" trách nhiệm điều hành.
Đại diện cho cử tri Phú Yên, nơi vừa trải qua trận đại hồng thuỷ, ông Võ Tiến Trung gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: "Từ trước đến nay, các nhà máy thuỷ điện vừa cung cấp điện năng cho đất nước, vừa góp phần điều tiết nước, hạn chế lũ lụt. Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình sau khi đi vào hoạt động thì các tỉnh đồng bằng sông Hồng giảm hẳn lũ lụt. Trong khi đó, các nhà máy thuỷ điện khác như A Vương (Quảng Nam), Sê San (Gia Lai) thì ngược lại, xả lũ ồ ạt khiến bà con bị ngập lụt, thiệt hại lớn về người, tài sản".
Ông Trung chất vấn: "Địa phương cho rằng, thuỷ điện Hoà Bình là do Nhà nước chỉ đạo điều hành trực tiếp nên kết hợp được hai nhiệm vụ là sản xuất điện và chống lũ lụt, còn các nhà máy khác do Bộ Công Thương điều hành nên Bộ chỉ nghĩ đến một lợi ích là sản xuất. Đề nghị Bộ trưởng cho ý kiến về nhận xét trên và cho biết có giải pháp gì để các nhà máy thuỷ điện thực hiện được cả hai chức năng sản xuất và giảm lũ lụt?".
ĐB Hồ Quốc Dũng (Bình Định) cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ trên cơ sở nào Bộ quy hoạch 350 nhà máy thuỷ điện ở miền Trung - Tây Nguyên. Công tác hậu kiểm về thiết kế và các báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án thuỷ điện đã vận hành có được thực hiện không? Cơ chế vận hành, nhất là tích nước, xả lũ được thực hiện thế nào?
Ông Dũng băn khoăn: "Vì sao khi xả lũ, các cơ quan chức năng, nhà máy không thông báo cho chính quyền địa phương để kịp sơ tán dân? Trách nhiệm Bộ công Thương thế nào?".
"Vì sao biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp?"
ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết: "Theo phản ánh của cử tri, sau thời gian dài Hãng hàng không cổ phần Pacific làm ăn thua lỗ, ngày 16/11/2006, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu Tổng Công ty hàng không Việt Nam xoá số nợ hơn 200 tỷ đồng cho Pacific. Sau khi liên kết và đổi tên thành Jetstar Pacific, hãng tiếp tục thua lỗ tới 50 triệu USD, trong khi chi lương cho nhân viên nước ngoài và quan chức Việt Nam quá cao, chi phí cho các hoạt động khác quá tốn kém. Đề nghị Bộ trưởng Tài chính cho biết sự thật như thế nào? Ai phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng lãng phí, thiếu hiệu quả vốn Nhà nước?".
Cũng như tại các kỳ họp trước, ĐBQH tiếp tục gửi chất vấn tới Thủ tướng về hiệu quả làm ăn của các tập đoàn kinh tế.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã công bố lần đầu tiên kết quả giám sát các tập đoàn, tổng công ty, nhưng không ít vấn đề còn chưa được làm rõ.
ĐB Thanh Hóa, ông Vũ Duy Hòa chất vấn Thủ tướng: "Một số tổng công ty, tập đoàn kinh tế vừa qua không thực hiện được nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu. Không có một cơ quan đầu mối nào của Nhà nước chịu trách nhiệm chính về quản lý vốn, tài sản và đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu tiêu Nhà nước giao. Vì sao có tình trạng biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp? Trách nhiệm và giải pháp của Chính phủ?".
Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi thì đề nghị Bộ trưởng Tài chính làm rõ tổng số tiền các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chi cho các hoạt động thi đấu thể thao, hoa hậu, lễ hội...
"Số tiền lấy từ đâu? Hạch toán thế nào? Ai là người hưởng lợi? Bộ Tài chính có trách nhiệm gì ở đây?", ông Lợi hỏi.
Nhiều vấn đề cử tri quan tâm cũng được chất vấn như tình trạng thành lập ồ ạt trường đại học, việc xử lý những sai phạm trong lợi dụng gói kích cầu...
Không ít ĐBQH tiếp tục "truy" các thành viên Chính phủ về việc thực hiện lời hứa sau phiên chất vấn từ kỳ họp trước.
Chẳng hạn, Thủ tướng, Bộ KH&ĐT đã rà soát và cắt giảm được bao nhiêu sân golf? Đến bao giờ mới xong quy hoạch?
Bộ trưởng Công Thương có trách nhiệm đến đâu trong việc bà con nông dân tiếp tục bị thiệt thòi vì cơ chế điều hành xuất khẩu gạo?
Có ĐB yêu cầu Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường làm rõ nguyên nhân vì sao Thủ tướng đã chỉ đạo nhưng đến nay Vedan vẫn chưa chịu bồi thường cho nông dân.
Phiên chất vấn sẽ kéo dài 2 ngày rưỡi (ngày 17, 18, sáng 19/11) và như thường lệ, sẽ được truyền hình trực tiếp.
ĐBQH Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp): "Đề nghị Thủ tướng cho biết kết quả thực hiện lời hứa?" Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, tại phiên chất vấn, Thủ tướng đã hứa chỉ đạo xây hệ thống kho để mua lúa dự trữ trong mùa thu hoạch cao điểm, đảm bảo cho nông dân bán lúa được giá và có lãi. Kế hoạch triển khai đến đâu và lộ trình thế nào, khi nào xong? Kính đề nghị Thủ tướng cho biết kết quả và giải pháp thực hiện theo lời hứa của Thủ tướng? |
-
Lê Nhung
No comments:
Post a Comment