Phóng sự ảnh
Tác giả Mai Vinh -
Ảnh: QUANG LIÊM |
TT - Những ngày này người người đang háo hức với cái
tết đầm ấm, đủ đầy. Những háo hức đó có thể đã làm chúng ta hững hờ
“lướt qua” nhiều số phận khác. Với họ, những chữ “đầm ấm, đủ đầy” chỉ
có thể có trong mơ.
Với phóng sự ảnh cuối cùng của Tuổi Trẻ Chủ Nhật trước
khi nghỉ tết, chúng tôi muốn chia sẻ cùng bạn đọc câu chuyện điển hình
của cuộc sống nữ công nhân mà bạn có thể bắt gặp ở nhiều khu công
nghiệp VN.
“Chị có chồng rồi nên ra đường tự sống đi, đừng ở nhà
mẹ nữa”, đứa em trai buông một câu gọn lỏn ngay bữa cơm tối mồng 4 tết
2009 và Nguyễn Thụy Hòa (35 tuổi) dắt đứa con trai chưa biết mặt bố lủi
thủi rời vùng quê Đô Lương, Nghệ An. Bà mẹ 30 năm gánh trên vai người
chồng bị liệt nửa người chạy đi tìm Hòa trong đêm, rồi hai mẹ con ôm
nhau khóc. Sợ đồng lương công nhân không đủ nuôi con rồi đứa con trai
phải thất học nên Hòa buông tay để mẹ dắt cháu về. Dạt vào Nam, cô trở
thành công nhân Khu công nghiệp Pou Yuen (TP.HCM).
Cả năm trời xưởng 175 CS2 Công ty Pou Yuen không tăng
ca, đồng lương 1,5 triệu đồng chỉ đủ nuôi sống Hòa và gửi về quê chút
ít nuôi con. 27 tháng chạp mới được nhận lương thưởng nên không có tiền
mua vé xe, vả lại tính đi tính lại chi phí đi ra đi vào trong một tuần
nên cô cắn răng: không về...
“Con ơi, tết này mẹ không về”, Hòa bật khóc khi chưa xong câu nói qua điện thoại với con trai Phan Văn Nhân (9 tuổi) |
Tan ca, cô lại quảy bao đi nhặt ve chai ở quanh Khu công nghiệp Pou Yuen (Q.Bình Tân, TP.HCM). Cuối tuần cô đạp xe lên tận Q.1 đến 22g mới quay về nhà trọ. Đây là cách Hòa kiếm thêm ít tiền để gọi điện cho con |
Sáu năm làm công nhân là sáu năm cô và các bạn trong phòng gần như trung thành với món rau muống mọc dại ở một ao nước đọng, cạnh con hẻm trên đường Hồ Học Lãm (P. Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM) |
Mâm cơm chủ lực là rau đang đợi các bạn cùng phòng
tan ca về ăn chung. Chỉ vài ngày nữa là mâm cơm không cần dọn lên vì
các bạn sẽ về quê. Năm nào căn phòng này cũng có người buồn so lủi thủi
ăn tết xa nhà
|
Khô cá, cải muối, rau muống chua là quá đầy đủ cho một bữa ăn của họ. Quanh năm phòng trọ của Hòa luôn có sẵn một xô cải muối
|
Năm 22 tuổi Hòa lấy chồng, chẳng ngờ gặp phải người chồng nghiện ma túy khi tìm đá đỏ ở Quỳ Châu (Nghệ An) và bỏ nhà ra đi lúc cô mang thai được ba tháng với lời hứa: “Ít lâu nữa có tiền anh về xây nhà cho mẹ con ở”. Có lúc nghe tin chồng đã chết nhưng hôm rồi con trai nói: “Bố gọi điện và gửi về cho con đôi dép”. Giờ đây, lẽ sống của đời Hòa là cậu con trai. Cô vượt qua những khó khăn của cuộc sống bằng cách ngắm hình cậu bé Nhân mỗi ngày |
750.000 đồng là giá thuê căn phòng rộng 6m2 mà bốn
cô công nhân Nghệ An đang trọ. Hòa kể: “Cứ mỗi khi nghe công ty lên
lương khoảng 50.000-150.000 đồng (tùy thâm niên) gần như đã thành lệ
chủ nhà trọ lại nâng giá phòng. Công nhân phải cắn răng chịu
vì chỗ trọ luôn khó kiếm”. Khu nhà trọ này vừa nâng giá phòng thêm
150.000 đồng vì nghe tết này lương công nhân nhích lên
|
Quà tết cho con chỉ là một chiếc áo ấm
|
Cô bạn cùng phòng Phạm Thị Tứ háo hức đợi tết về
thăm nhà, nhưng đùng một cái bị tai nạn giao thông chấn thương nặng ở
vùng mặt đang điều trị tại Bệnh viện Triều An (TP.HCM). Cả phòng Hòa
luân phiên ngày đêm canh bạn
|
Cô bạn cùng phòng tranh thủ kiếm một cành mai tạo
không khí tết cho ai không về được thì đỡ buồn. Hòa cũng tranh thủ kiếm
một cành mai với nhiều hi vọng trong xuân mới
|
MAI VINH
No comments:
Post a Comment