SGTT
- Chiều xuống, một nhóm năm đứa trẻ nằm co ro trên chiếc chiếu trải dọc
hành lang bệnh viện Nhi Đồng 2 nói chuyện với nhau. Cảnh, quê ở Long
An, năm nay 14 tuổi, thỏ thẻ: “Bác sĩ vừa kêu mẹ tao lên, nói rằng năm
nay nhà tao phải nộp tiền viện phí khoảng năm triệu đồng. Ba tao chết
rồi, mẹ lên đây nuôi tao ngày nào cũng ăn nhờ cơm từ thiện, lấy tiền
đâu mà nộp. Không biết năm sau tao có được chạy thận nữa không!”.
Những đứa trẻ chạy thận bên hành lang bệnh viện có một ước mơ chung là “được hết bệnh về nhà và đi học”
|
Với
những đứa trẻ nghèo này, bệnh viện là nhà, bạn bè cùng cảnh ngộ là anh
em. Tội nghiệp, trong lúc ngoài kia bao đứa trẻ cùng tuổi đang vui đùa
thì trong này các em đã phải lo lắng cho tương lai và số phận của mình.
Sống nhờ hành lang bệnh viện
Tại
hành lang lầu một, khoa thận – máu bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, có hơn
mười trẻ đang điều trị chạy thận ngoại trú, đa số đến từ các tỉnh Kiên
Giang, Tiền Giang, Cà Mau, Đồng Nai, Bến Tre… Vì chung cảnh ngộ nên
chúng rất hiểu và thương yêu nhau. Khi màn đêm buông xuống, những đứa
trẻ chia thành từng nhóm. Dù mang bệnh nặng, dù mới trải qua ba tiếng
đồng hồ lọc máu mệt mỏi nhưng khi chơi ném dép thì đứa nào cũng cười
khúc khích, ngây thơ, trong sáng. Ở nhóm bên kia, bé Nhã, Minh Tú, Hội,
Dung đang nằm trên chiếc chiếu tô vẽ những bông hoa, những ngôi nhà mà
chúng mơ ước, có ba, có mẹ và có những đồ chơi cùng bạn bè. Tuy nhiên,
cũng có bé không thể nhập cuộc cùng bạn bè vì cơ thể không lành lặn.
Bé
Đặng Việt Triều, quê ở huyện Gò Quao, Kiên Giang đã 11 tuổi nhưng cao
chưa đầy một mét, nhìn các bạn chơi mà chỉ biết cười khoái chí. Thân
thể quá yếu, không thể chạy theo, không nhìn rõ vật bởi em còn bị bệnh
đục thuỷ tinh thể bẩm sinh. Căn bệnh suy thận mãn ập đến với Triều cách
đây hai năm. Từ đó, tài sản của ba mẹ em cứ dần đội nón ra đi. Để có
tiền lo cho con, cha mẹ Triều phải nhờ chú ruột của Triều lên bệnh viện
chăm và trông coi cháu để mẹ tiếp tục buôn bán tạp hoá ở chợ, ba đi làm
thuê. Dẫu vậy bệnh của Triều vẫn ngày một xấu đi, mắt mờ dần.
Tương
tự, bé Nguyễn Phan Thuỳ Hương, chín tuổi, nhưng thân hình chỉ còn da
bọc lấy xương. Thấy các bạn ngồi tô vẽ, Hương ứa nước mắt bảo với tôi:
“Con muốn ngồi xuống lắm nhưng không được, cô đỡ giùm con đi!” Hương bị
suy thận mãn nặng. Cách đây một năm do bị huyết áp cao Hương phải
chuyển xuống phòng hồi sức cấp cứu, mấy tháng liền không đi lại. Do hai
quả thận đều teo nên các bác sĩ đành lòng cắt đi một quả bên trái. Từ
đó đến nay, hai khớp xương đầu gối của Hương không còn trơn dẻo nữa,
hai chân không co được, vì thế Hương phải lết từng bước nặng nề, nếu
muốn ngồi phải có người đỡ. Mẹ của Hương không chịu nổi cảnh con bệnh
và nghèo đói, chăm sóc Hương một thời gian rồi bỏ đi biền biệt không
về. Ba của Hương chạy xe ôm ở Cà Mau nhưng vì không còn ai chăm sóc con
nên ông phải bán đi chiếc xe – phương tiện kiếm ăn duy nhất để lấy tiền
lên thành phố nuôi con.
Một mình ở bệnh viện
Do
gia đình quá nghèo, cha mẹ phải đi làm thuê tối ngày, anh em thì đông
nhưng còn nhỏ nên Vũ Nhớ Hoài phải tự thân vận động, một mình sống ở
hành lang bệnh viện. Em tự nhớ lịch lọc máu, tự đi xin cơm từ thiện, tự
uống thuốc đều đặn để cứu mình. Hoài bị suy thận mãn đã bốn năm. Năm
nay mới 14 tuổi, cái tuổi đúng ra em còn được cắp sách đến trường cùng
bạn bè, cái tuổi chỉ lo ăn lo học, nhưng ở đây Hoài như một người thanh
niên trưởng thành. Mỗi ngày Hoài sắp xếp cho mình thời gian biểu rất có
trách nhiệm với bản thân. Cứ năm giờ sáng em tự động bước ra khỏi mùng
làm vệ sinh cá nhân rồi tự động xuống bếp từ thiện phụ giúp các cô, các
dì. Tám giờ em xuống khoa vật lý trị liệu để đi học bổ túc văn hoá, 11
giờ em lên ăn cơm trưa. Nghỉ một chút, em dành tiếp ba tiếng đồng hồ để
lọc máu. Lọc xong, nghỉ một chút em lại xuống bếp từ thiện xem công
việc thế nào, các cô có cần mình giúp hay không. Lịch làm việc ngày nào
cũng đều đặn và kín mít. Hoài rất ham học, luôn đi học đều đặn, em
thích đọc sách, đọc truyện tranh.
Mặc
dù một mình chống đỡ với bệnh tật, nhưng dường như Hoài không hề rên la
đau đớn. Những lúc mệt mỏi, đau cơ, đau lưng… sau khi lọc máu, Hoài lại
kiếm một chỗ nào đó bình yên ngồi một mình với vẻ mặt suy tư. Ở bên
cạnh, các bạn còn có cha mẹ hay ông bà chăm sóc, thỉnh thoảng được nũng
nịu, rên la. Hoài rơm rớm nước mắt và buồn tủi khi tôi đến gần hỏi
chuyện. Hoài tâm sự: “Em biết mình không được khóc, đau cũng cố mà chịu
đựng, nhức xương cũng không được rên la, tự mình chăm sóc mình vì mình
nghèo. Mấy cô chú điều dưỡng, bác sĩ ở phòng lọc thận, thương tụi em
lắm! Ăn cơm chay từ thiện hoài không đủ chất, mấy cô chú la và bắt ra
ngoài mua thêm đồ ăn mặn để có chất cho cơ thể”. Thỉnh thoảng các đoàn
từ thiện đến cho quần áo, cho tiền, Hoài không dám ăn, em để dành tiền,
lúc nào nhớ nhà quá thì bắt xe đò về Cẩm Mỹ, Đồng Nai để thăm nhà. Hoài
rất biết lo xa, em nói: “Chỉ còn một tháng nữa là đến tết, em phải dành
tiền để mua mì gói, nước uống cho ba ngày tết trong bệnh viện, vì ba
ngày đó căntin, các cửa hàng tạp hoá, hàng rong nghỉ không bán, mà tụi
em thì vẫn phải chạy thận đều đều”.
Theo
các bác sĩ, mỗi bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần, với chi
phí khoảng 600.000 – 700.000 đồng/lần chạy, nếu giờ người bệnh phải chi
trả 5 – 20% thì một năm họ sẽ phải trả khoảng hơn 5 – 16 triệu đồng.
Với bệnh nhân nghèo, số tiền trên rất khó kiếm nên dễ dẫn đến tình
trạng bệnh nhân bỏ chạy thận nhân tạo. Nếu bỏ bệnh viện, con đường dẫn
đến tử vong với trẻ vô cùng ngắn.
bài và ảnh Hoàng Nhung
Mong ước được khỏi bệnh về nhà
Bệnh
viện Nhi Đồng 2 thường xuyên có khoảng 25 – 30 bệnh nhi bị suy thận mãn
giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo. Có em sống ở khoa thận và hành
lang bệnh viện đến 4 – 5 năm liền, đến nỗi các bác sĩ, y tá, điều dưỡng
nắm được từng hoàn cảnh, tính tình của từng em và yêu thương như con em
của mình. Điều dưỡng Nguyễn Đình Vũ của phòng chạy thận, chia sẻ: “Nhìn
các em sống mòn từng ngày mà thương đứt ruột”. Đáp lại, Vũ Nhớ Hoài mỗi
lần xuống bếp từ thiện em đều xin thêm một chai nước đậu nành lớn dành
cho các cô, chú. Buổi trưa, khi các bé đang chạy thận, các bé khác ngồi
bên cạnh trò chuyện líu lo, hồn nhiên. Chúng coi nhau như anh em ruột
thịt trong nhà, ăn chung, ngủ chung, sinh hoạt chung và đều có chung
một niềm mơ ước “khỏi bệnh và được về nhà đi học”.
http://www.sgtt.com.vn/detail24.aspx?newsid=61967&fld=HTMG/2010/0117/61967
No comments:
Post a Comment