Năm
2005, trong một hội thảo khoa học về tramway (tàu điện trên mặt đất)
với sự tham gia của các nhà khoa học quốc tế, GS.TSKH Bùi Văn Ga, Hiệu
trưởng Trường Đại học Đà Nẵng đã trình bày những tiện ích khi sử dụng
hệ thống giao thông mới, có tên: tramway. Kết luận của hội thảo lúc đó,
loại phương tiện giao thông này sẽ được sử dụng đầu tiên ở Đà Nẵng vào
năm 2007. Thế nhưng, đến tận bây giờ, dự án hoành tráng này có nguy cơ
“chết từ trong trứng nước”.
Tramway - tốt nhất cho giao thông công cộng
Đó là ý kiến của GS.TSKH Bùi Văn
Ga khi lựa chọn phương tiện giao thông công cộng (GTCC) hiện nay ở TP
Đà Nẵng. Theo GS Ga, với dân số chưa đến 1 triệu dân hiện nay, tramway
chính là lựa chọn lý tưởng nhất. Tramway chính là hệ thống tàu điện
chạy trên mặt đất, sẽ giúp Đà Nẵng sẽ là thành phố có “giao thông xanh”
khang trang hơn, hiện đại hơn.
Ý tưởng đưa tramway phục vụ cho
mô hình GTCC ở Đà Nẵng bắt đầu từ năm 2004, sau những lần ông đi thực
tế tại nhiều thành phố lớn ở Pháp, Đức hay Nhật… Theo GS Ga, nếu lựa
chọn mô hình metro (tàu điện ngầm) thì chi phí ban đầu cao gấp 20 – 30
lần so với tramway.
GS Ga phân tích: “Đà Nẵng hiện có
chưa đầy 1 triệu dân, với khoảng 3.000 người/km2, đó là chưa kể số
người ngoại tỉnh đang sinh sống và làm việc. Khoảng 10 năm nữa, dân số
Đà Nẵng tăng gấp đôi hiện nay, vào khoảng gần 2 triệu người. Đó là mật
độ dân cư lý tưởng để ngay từ bây giờ có thể tính toán quy hoạch hạ
tầng cơ sở cho các hệ thống tramway, bắt đầu từ tuyến đường từ trung
tâm thành phố đến Nam Ô (Liên Chiểu)”.
Theo khảo sát và tính toán của GS
Bùi Văn Ga và các nhà khoa học người Đức, hiện tuyến Đà Nẵng-Nam Ô đã
có sẵn hệ thống đường sắt rất phù hợp với kích cỡ của những chiếc tàu
điện nhỏ đang được sản xuất tại châu Âu hay Nhật Bản. Khi Đà Nẵng dời
ga đường sắt ra khỏi khu vực trung tâm (dự kiến năm 2010), thay vì phá
bỏ đường ray cũ, chúng ta nên giữ lại, cải tạo thành tuyến đường
tramway.
Trong tương lai, mật độ giao
thông trên tuyến đường này là rất lớn, bởi quận Liên Chiểu tập trung
hầu hết các nhà máy trong 2 KCN Hòa Khánh và Liên Chiểu. Ngoài ra, đây
còn là cửa ngõ ra vào trung tâm thành phố. “Tramway không những tiện
ích, giá rẻ, đảm bảo môi trường mà còn kích cầu ngành du lịch phát
triển. Bởi cứ khoảng 1km hệ thống này sẽ có một trạm dừng, và đó sẽ là
nơi du khách được tham quan, mua sắm những gian hàng buôn bán sản phẩm
du lịch”, ông Ga nhận định.
Chờ đến bao giờ?
Trong đề án xây dựng hệ thống
tramway ở Đà Nẵng, GS Bùi Văn Ga đã trình bày 3 tuyến đầu tiên có thể
đầu tư và sử dụng tại Đà Nẵng. Đó là tuyến đường Ngô Quyền, từ cầu sông
Hàn đến Non Nước (Ngũ Hành Sơn); tuyến bao quanh sân bay quốc tế Đà
Nẵng và tuyến Đà Nẵng – Nam Ô. Đây là 3 tuyến đường có lưu lượng người
tham gia giao thông rất lớn. GS Ga tỏ ra lo lắng, nếu như tuyến tramway
Đà Nẵng – Nam Ô phải chờ đến khi ga Đà Nẵng di dời mới có thể thực hiện
được thì tại sao chúng ta không tiến hành xây dựng ngay 2 tuyến còn lại
từ bây giờ.
Theo ông, nếu triển khai sớm thì
dự án này sẽ có thuận lợi từ việc quy hoạch cho đến kinh phí thực hiện
sẽ thấp, vì hiện tại khu vực của 2 tuyến tramway này đang triển khai
quy hoạch, chỉnh trang đô thị.
“TPHCM đã bắt đầu xây dựng hệ
thống giao thông metro, đó là sự lựa chọn bất khả kháng, bởi mật độ dân
số tại đô thị này đã quá đông nên không thể xây dựng tramway. Nhưng với
Đà Nẵng, khi dân số đang ở mức lý tưởng, hệ thống đất đai đang trong
quá trình chỉnh trang, quy hoạch. Nếu chúng ta không làm ngay từ bây
giờ, tôi e là quá muộn. Được biết, mỗi km cho hệ thống tramway có giá
khoảng 1 triệu USD (gồm cơ sở hạ tầng và tàu).
Như vậy, Đà Nẵng cần khoảng 50 –
70 triệu USD để hoàn thành hệ thống tramway, một số tiền không nhỏ,
nhưng xét tính hiệu quả sử dụng và những lợi ích liên quan trong tương
lai thì rất lớn. Nhưng khi nào Đà Nẵng khai thác những lợi ích này thì
vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời chính xác”, GS Ga kết luận.
NGUYỄN HÙNG
|
No comments:
Post a Comment