Lao Động số 35-36-37 Ngày 11/02/2010 Cập nhật:
6:18 AM, 11/02/2010
Ao nuôi cá cấp cho gia đình anh Đinh Văn Thinh. |
(LĐ)
- Khi về khu tái định cư, người dân vẫn mong đợi cuộc sống sẽ được ổn
định hơn nơi ở cũ. Họ chỉ mong có được một nơi ở tốt, một vùng đất canh
tác ổn định. Thế nhưng đã bao năm, cuộc sống của người dân khu tái định
cư mỗi ngày lại càng tệ hơn.
Thiếu nước sinh hoạt, thiếu đất sản xuất, cả làng lên rừng hái lá, lay lắt mưu sinh.
Nhọc nhằn nước sinh hoạt
Nằm cách thị trấn Kbang chừng 70 cây số, làng Kon Von 1 (xã Đăk Roong, Kbang, Gia Lai) tọa lạc giữa những cánh rừng nguyên sinh. Đây là một làng tái định cư (TĐC) từ công trình thuỷ điện Vĩnh Sơn.
Năm
2005, làng Kon Von 1 được di dời về khu ở mới, với tổng cộng 53 hộ dân
người đồng bào Bahnar. Khi về đây sinh sống, mỗi hộ dân được nhận một
căn nhà xây theo mô hình nhà sàn truyền thống của người Bahnar, với trị
giá 50 triệu đồng lúc bấy giờ. Đi kèm theo mỗi căn nhà TĐC là một nhà
vệ sinh và một bể chứa nước sinh hoạt. Nằm cách thị trấn Kbang chừng 70 cây số, làng Kon Von 1 (xã Đăk Roong, Kbang, Gia Lai) tọa lạc giữa những cánh rừng nguyên sinh. Đây là một làng tái định cư (TĐC) từ công trình thuỷ điện Vĩnh Sơn.
Theo thiết kế ban đầu, nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho khu TĐC này được dẫn về từ một hồ chứa trên núi. Thế nhưng, sau khi được khu TĐC được đưa vào sử dụng, nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân nơi đây không được chảy theo đúng thiết kế ban đầu. Cả làng “khô” nước sinh hoạt.
Bí thế, Ban đền bù TĐC đã triển khai thực hiện phương án “chữa cháy” là đào giếng. Tuy nhiên, do tầng địa chất khu TĐC có nhiều đá, số giếng được đào cũng không thể đáp ứng đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Cả làng chỉ có được 7 giếng nước. Nhưng rồi, số giếng có nước cũng chỉ sử dụng cho một số hộ xung quanh trong mùa mưa, còn mùa nắng thì giếng lại khô kiệt.
Chúng tôi tới làng Kon Von 1 vào một ngày đầu năm dương lịch 2010. Mùa khô ở huyện nghèo Đông Trường Sơn này bao giờ cũng đến muộn hơn những nơi khác trong tỉnh Gia Lai. Mặc dù chỉ vừa ngớt mưa được hơn một tuần mà những giếng nước nơi đây đã bắt đầu khô cạn. Mỗi giếng nước ở đây chỉ đủ sử dụng để nấu thức ăn cho vài ba hộ gia đình xung quanh.
Mọi nhu cầu còn lại về nước sinh hoạt của người dân khu TĐC đều trông chờ vào giọt nước của làng. Do đó, ngày nào người dân cũng phải xuống giọt để tắm, giặt và lấy nước sinh hoạt.
Nhưng để đến được giọt nước cũng không phải chuyện dễ dàng chút nào, bởi giọt nước nằm tận dưới một khe núi dựng đứng cách khu dân cư đến gần 1 cây số. Mỗi lần đến giọt nước là mỗi lần nhọc nhằn, gian khó. Khi xuống thì trơn trượt, còn khi đi lên thì phải nhích từng bước một.
Những khu nhà vệ sinh nay cũng đã trở thành chuồng gà, chuồng lợn. Sự lãng phí này là rất lớn. Nó có thể còn cao hơn so với thu nhập vụ mùa năm nay của cả dân làng.
Bấp bênh đất định canh
Cũng trong chương trình TĐC cho làng Kon Von 1, ngay từ những ngày đầu đến đây, mỗi hộ dân đều được cấp 1 sào đất ruộng trên cánh đồng ngay cạnh làng. Tuy nhiên, đã vài năm nay, cả cánh đồng tái định canh bị bỏ hoang để cho cây cỏ mọc um tùm. Người dân thì phải nhọc nhằn chèo thuyền vượt lòng hồ thuỷ điện về nơi ở trước đây để gieo trồng trên những mảnh đất rẫy không bị ngập.
Ông Đinh Văn Huyên (người dân làng TĐC) bộc bạch với chúng tôi: “Khi ủi ruộng để cấp cho dân, xe ủi đã gạt đi hết lớp đất tốt, nên cây trồng không thể mọc lên được. Dân làng đã trồng lúa nước, nhưng đất xấu quá, lại không đủ nước tưới nên đã chết hết. Sau này, nhiều người đã chuyển sang trồng đậu phụng, nhưng đậu cũng không có trái. Làng mình là làng cách mạng nên không thể đi phá rừng làm rẫy. Chỉ còn cách là về lại nơi ở cũ để tìm đất canh tác”.
Mong muốn lớn nhất của người dân cho cánh đồng tái định canh này là... “nhất nước, nhì phân...”. Tuy nhiên, người dân đã thất vọng. Ruộng đồng không màu mỡ lại thiếu nước tưới. Người dân làng TĐC dù không có đất sản xuất, nhưng cũng chẳng còn mặn mà với cánh đồng. Do vậy, lại một lần nữa, kế hoạch định canh, định cư cho người dân nơi đây được triển khai bằng phương án 2.
Kế hoạch đào ao nuôi cá trên cánh đồng khô cằn này đã được thực hiện. Hàng chục ao cá đã được đào để cấp cho dân thay vì trồng lúa nước. Nhưng những ao cá nơi đây cũng chỉ để làm cảnh, chứ không được mấy hộ nuôi cá.
Ông Đinh Văn Thinh vừa chỉ tay về phía những ao cá, vừa giải thích: “Những ao ở dưới sâu thì còn thả cá được, chứ ở trên cao thì lấy nước đâu mà nuôi cá. Ao cá nhà mình trên cao, nước không vào được. Chỉ có vài hộ nuôi cá được thôi”.
Để quy hoạch cánh đồng tái định canh này, Ban quản lý thuỷ điện Vĩnh Sơn cũng đã cho xây dựng một đập chứa nước và hệ thống mương máng dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng. Thế nhưng, theo như những người dân ở đây cho biết, vào mùa khô, hồ chứa này hoàn toàn bị khô kiệt. Lượng nước trong hồ không đủ cấp nước cho vài ao nuôi cá.
Ngay hôm chúng tôi đến, mặc dù lượng nước trong hồ còn khá lớn, song chỉ có mỗi con mương tiêu phèn là có được dòng nước yếu ớt từ hồ chứa chảy ra. Còn trên những con mương dẫn nước vào khu nội đồng thì không hề có đến một giọt nước. Có thể nói, người dân làng Kon Von 1 đã phải “dở khóc, dở cười” khi về nơi ở mới này.
Thiếu ăn, cả làng đi hái lá
Chúng tôi đã có dịp ghé thăm nhà một số hộ dân. Hầu hết những gia đình chúng tôi đến đều thiếu cái ăn. Trong nhà các hộ dân, ngoài một chiếc tivi, một cái đầu đĩa, vài ba ché rượu cần thì cũng không còn thứ gì khác đáng giá hơn.
Vụ mùa năm nay tuy mới được thu hoạch xong, nhưng bên trong mỗi nhà kho đã trống rỗng từ bao giờ. Tiếng chày giã gạo vào mỗi buổi sớm chiều ở ngôi làng cũng đã thưa dần. Bởi năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nắng hạn và bão lũ nên những rẫy ngô, rẫy lúa ít ỏi của người dân gần như bị mất trắng.
Gia đình cụ Lê Đình Công đã mất rất nhiều công sức để trồng được 3 sào lúa rẫy bên làng cũ, nhưng rồi cũng chỉ thu hoạch được vỏn vẹn 2 bao lúa khô. Lo cho cái đói đang đến gần, 5 miệng ăn trong gia đình đành nhịn cả bữa sáng để tiết kiệm gạo. Mỗi ngày lên rẫy, vợ chồng ông chỉ mang theo 2 gói mì tôm để lót dạ, rồi tranh thủ thời gian nghỉ trưa để ra hồ thuỷ điện câu cá, hái rau mà phụ vào bữa ăn tối cho gia đình.
“Ở làng này, nhà nào cũng thiếu gạo ăn, nhất là vào khoảng tháng 7 tháng 8 hàng năm. Khó khăn quá! Ngoài mấy sào đất rẫy bên làng cũ thì cũng không còn đất đâu mà làm để kiếm thêm cái ăn. Mấy năm nay, dân làng này sống nhờ vào “lá” rừng. Mai mốt hết thì không biết phải sống bằng cách nào” – cụ Lê Đình Công than với chúng tôi.
Thiếu đất canh tác, thiếu gạo để ăn nên khi có người đến hỏi mua cây lan đất (người Bahnar gọi là cây kim tuyến, cây lá kim cương) thì cả làng đổ xô đi hái. Khi lan đất được hái về, các “con buôn” đến tận nhà để thu mua cả rễ lẫn lá với giá khá cao – 400.000/kg cây tươi. Mỗi ngày lên rừng hái lá, nếu gặp may thì cũng kiếm được vài ký, còn không thì chỉ vài ba lạng. “Lúc đầu tìm cây kim tuyến còn dễ, nhưng giờ thì khó tìm hơn rồi. Thanh niên có sức khoẻ mới có thể đi được” – cụ Công cho hay.
Có thể nói, trong những năm về khu TĐC này, cây lan đất hoang dại đã “cứu” đời sống của người dân nơi đây. Nhưng cây cỏ trong rừng ngày một khan hiếm dần, đất canh tác lại không có thì liệu những bữa cơm hàng ngày trong gia đình tương lai sẽ ra sao?
Tiến Thành
No comments:
Post a Comment