GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
Thanh Minh Thiền Viện, 90 Trần Huy Liệu, Phường 15, Quận Phú Nhuận, TP Saigon
———————————————————————————————————-
Phật lịch 2553 Số 01 /VTT/XLTV
THÔNG ĐIỆP HÃY CÙNG ĐỨNG LÊN
XUÂN CANH DẦN - 2010
của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ
Nam Mô Đương Lai Hoan Hỉ Từ Thị Di Lặc Tôn Phật
Kính bạch Chư Tôn Trưởng lão,
Chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni,
Cùng toàn thể Phật tử và Đồng bào các giới trong, ngoài nước,
Chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni,
Cùng toàn thể Phật tử và Đồng bào các giới trong, ngoài nước,
Năm
cũ qua, năm mới đến.. Nhân danh Hội đồng Lưỡng Viện, tôi xin gửi đến
toàn thể chư liệt vị Trưởng lão, Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng
Ni, nam nữ Cư sĩ Phật tử cùng Đồng bào các giới trong và ngoài nước lời
cầu chúc một năm an lành, như ý và viên thành Phật sự.
Vì
nhớ tưởng mà cây trổ lộc xuân nở hoa, nên Xuân là Mùa Nhớ tưởng. Người
dân Việt nhớ tưởng Ông Bà, Tổ tiên đã sinh thành ra nòi giống, quê
hương ; người Phật tử nhớ tưởng đức Phật đã trải xuống cõi Diêm Phù Đề
con đường giải thoát giác ngộ, đồng lúc nguyện cầu cho Đức Phật Di Lặc
thị hiện giữa Mùa Xuân dân tộc, đem tứ vô lượng tâm cải hóa thế giới
hận thù, tranh chấp.
Trong Mùa Nhớ tưởng, xin chư liệt vị chớ quên công đức sâu dày của Đức cố Đệ tứ Tăng thống, Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang.
Vì nhờ Ngài mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn còn hiện hữu
uy nghi trước thời đại Pháp nhược ma cường. Nhớ tưởng Ngài là đem hết
thân tâm thực hiện lời Ngài căn dặn qua bức Thông điệp Xuân Di Lặc,
Phật lịch 2544 :
« Làm
con Phật là vượt khỏi địa vị phàm phu, phát bồ đề tâm mà bước vào ngôi
vị Bồ Tát. Lấy tâm Đại Bi bảo bọc chúng sanh, lấy tâm Đại Từ làm lợi
ích cho chúng sanh, lấy tâm Vô Ngại dẹp tan các chướng duyên và áp bức
đang đè nặng nhân thế và muôn loài. Bồ đề tâm ở đâu, Bồ tát ở đó ; Bồ
tát ở đâu, Phật đạo ở đó ; Phật đạo ở đâu, An lạc và Tự do ở đó. Bồ đề
tâm được phát khởi, thì mọi khổ đau mới chấm dứt ; dù đó là đau khổ vì
vô minh hay vì tham luyến, đau khổ của bần cùng hay đau khổ vì áp bức.
Công năng này chứa sẵn trong mọi người con Phật, chỉ cần chí thành ưu
tư, ước vọng an lành cho hết thảy chúng sanh là Bồ đề tâm hoạt dụng và
biến hóa khôn lường ».
Trước
cảnh đảo điên của thời thế làm phân hóa lòng người, thì chúng ta hãy
nhớ tưởng lời Đức Đệ Tam Tăng Thống, Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, như bức cẩm nang giải quyết sự khủng hoảng sa lầy của Tăng đoàn do ngoại nhân độc phá. Ngài dạy :
« Trong
lịch sử truyền bá Phật Giáo Việt Nam cũng như thế giới, có lúc rất bi
thảm đầy tủi nhục, nhưng cũng có lúc vẻ vang rất đáng tự hào. Lúc bi
thảm là lúc bản thể của Tăng bị lu mờ, nội bộ của Tăng bị phân hóa và
thành phần của Tăng có nhiều quan điểm dị biệt, giới hạnh suy kém và
hiểu biết đạo lý một cách cục bộ, phiến diện. Trái lại, lúc vẻ vang là
lúc nội bộ chúng Tăng hòa hiệp, biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư,
những ngã chấp tầm thường, để tiến xa trên con đường tịnh hạnh, lấy
giác ngộ, giải thoát làm cứu cánh, lấy bản nguyện độ sanh làm sự
nghiệp »
Đặc biệt năm nay chúng ta hướng lòng tưởng nhớ Đức cố Đại lão Hoà thượng Thích Tịnh Khiết,
Ngài là vị Tăng thống thứ nhất thời cận và hiện đại nối tiếp giai phẩm
khởi sự từ thời Đinh, lúc Việt Nam minh định chủ quyền dân tộc sau mười
thế kỷ bị Bắc phương uy hiếp. Nhớ Ngài là hiến mình hiện diện trên đất
nước còn thương đau hôm nay như một thực thể hòa bình. Trong bức Thông
điệp Xuân Kỷ Dậu, Phật lịch 2513, Ngài nhắc nhở ân cần :
« Hòa
bình chỉ có ý nghĩa đích thực khi bảo đảm được quyền tự chủ quốc gia và
những quyền tự do dân chủ căn bản của dân chúng, trong sinh hoạt cộng
đồng thế giới. (…) Chúng ta phải hiện diện như một thực thể tiêu biểu
đích thực cho nguyện ước Hòa bình của dân tộc để nói lên tiếng nói phát
xuất từ thâm tâm con người và tiềm lực dân tộc. Chúng ta không có quyền
trao vận mệnh dân tộc này cho những người phi dân tộc, ngụy dân tộc,
phản dân tộc. (…) Chỉ có chúng ta, những người Việt đang sống trên đe
dưới búa, đang bị tước đoạt quyền sống và bị phá hoại mới có đủ tư cách
để tự biện minh trong mọi quyết định vận mệnh chung cho một thể chế
quốc gia dân tộc do chính chúng ta tự quyết mà thôi ».
Nhân
dân Việt Nam, trong đó có Phật tử, phải được sống trong an lạc và tự do
để phát triển. Phát triển đời sống vật chất cũng như đời sống văn hóa
và tâm linh. Vì vậy Giáo hội phải nói lên ngưỡng vọng của 85 triệu
người đòi hỏi cuộc sống nhân quyền và dân chủ để phát triển. Hơn nữa,
hiện nay chủ quyền dân tộc đang bị uy hiếp bằng những quyền lực cương hay quyền lực nhu
của các manh tâm nước lớn. Phật tử là người hiểu thời thông biến, nên
không thể nhắm mắt quay lưng trước các ý đồ mãi quốc. Nước mất thì đạo
suy. Cho nên giữ nước là con đường dân tộc hai nghìn năm cứu mình, cứu
người đưa quê hương thoát ly xâm lăng, nô lệ và cuồng tín.
Tâm
tư của người Phật tử ngày nay là tâm tư của kẻ bị dày xéo từ một thế kỷ
rưỡi qua vì những thế lực ngoại lai muốn biến Việt Nam thành chiến
trường, thành thị trường, thay vì đạo trường. Tâm tư ấy biến thành cuộc
vận động không ngưng nghỉ của Phật giáo suốt thế kỷ XX cho đến nay để
phục vụ dân tộc, tổ quốc, nhân loại theo sứ mệnh tôn giáo, chứ không
theo cương vị chính trị. Vì vậy mà thái độ của Giáo hội đối với nhà
đương quyền Xã hội Chủ nghĩa là thái độ của tôn giáo đối với những
chính sách sai lầm, những khuynh loát chính trị, những lạm dụng đất
nước và quần chúng.
Cụ
thể của chính sách sai lầm, khuynh loát chính trị, lạm dụng đất nước và
quần chúng vừa được một lần nữa thấy rõ trong những ngày vừa qua. Khi
Nhà nước Xã hội chủ nghĩa đưa ra tòa án giả trá những phần tử ưu tú
tương lai của đất nước. Những người tay không tấc sắt với tấm lòng ưu
tư trước nạn ngoại xâm và đời sống không có nhân quyền dân chủ, mà Nhà
nước và Đảng chẳng đoái hoài. Giáng xuống họ những bản án giam tù và
quản thúc nặng nề, khiến dư luận trong và ngoài nước công phẫn, khinh
miệt. Đây là bản án của Chế độ Thực dân đầu thế kỷ XX đang được tái hồi
cho toàn thể dân tộc vào đầu thiên niên kỷ thứ ba.
Hiểu
rõ bi kịch đang ngăn cản sự phát triển quốc gia, làm cho văn hóa suy
đồi, đạo lý nghiêng ngửa như thế, chư liệt vị Trưởng lão, Hòa thượng,
Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, cùng đồng bào Phật tử trong và ngoài nước
hãy cùng đứng lên đảm trách sự cứu khổ trừ nguy mà đức Phật trao
truyền : Hễ là Chánh đạo thì tiến tới, chỉ sợ bước tới không mau; hễ
không phải Chánh đạo thì lui bước, chỉ sợ đi lui không gấp.
Nguyện cầu chư Phật mười phương gia hộ chư Liệt vị năm an lành, thành công viên mãn đại nghĩa bồ đề.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Làm tại Thanh Minh Thiền Viện,
Saigon, ngày 8.2.2010
Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống
kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ
Saigon, ngày 8.2.2010
Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống
kiêm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN
(ấn ký)
Sa môn Thích Quảng Độ
No comments:
Post a Comment