TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Friday, April 2, 2010

Lò tuyển dâu Hàn siêu tốc

Chiếc xe 7 chỗ vừa đỗ trước cổng, căn phòng nhốn nháo tiếng hô: "Rể về, rể về". 4 người đàn ông Hàn Quốc mặc vest đen cười nói bước vào, bắt đầu cuộc tuyển chọn gần 100 ứng viên.

Sáng ngày cuối tuần tháng 3, tại một khách sạn ở quận Đồ Sơn (Hải Phòng), hàng chục cô gái quần bò, áo phông lục tục tìm chỗ, rồi lôi những bộ đồ nghề tút lại nhan sắc. Họ phần lớn là nông dân, công nhân các khu công nghiệp, đến dự tuyển lấy chồng Hàn. Cùng đi là những bà mối (được gọi là madam) cười nói hỉ hả.

Xen giữa những cô gái trẻ phấn son lòe loẹt, ở một góc phòng, một phụ nữ thấp bé, chân đi dép lê, mái tóc xõa ngang gối, ánh mắt ngơ ngác. Chị tự nhận là dân làm ruộng chính gốc, chẳng biết phấn son gì. "Hôm nay đành bỏ buổi làm cỏ lúa đến đây, hy vọng đổi đời, chứ suốt ngày cắm mặt xuống đất khổ quá", vừa nói chị vừa dùng đôi bàn tay chằng chịt vết xước vuốt nhẹ mái tóc.

Theo lịch, 10h rể Hàn mới xuất hiện, nhưng mới 9h căn phòng rộng chừng 100 m2 đã đông đúc. Các cô gái chia thành từng tốp trò chuyện rôm rả về cuộc sống của những người sang làm dâu xứ Hàn. "Em nghe bảo chị Hoa từng đến đây thi tuyển, giờ sướng lắm. Có phải cứ vài tháng lại gửi quà và tiền về cho gia đình đúng không?", cô gái dáng nhỏ nhắn hỏi những người ngồi cạnh.

Đáp lời cô, một madam hồ hởi kể: "Tết vừa rồi nó vừa gửi về hơn 2.000 USD cho bố mẹ ăn Tết đấy. Ngoài ra, đồ gia dụng như nồi cơm điện, bàn là... gia đình nó cũng mới nhận được. Đồ xịn lắm, xem sướng cả mắt".

Các chàng rể Hàn ở một "lò tuyển" tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng). Ảnh: Hoàng Anh.

Sốt ruột đi ra đi vào chờ rể đến, Mai quê Hà Nam cho biết, bất kỳ ai đến ra mắt rể Hàn cũng phải trải qua 2-3 vòng. Vòng đầu tiên ứng viên phải chụp hình, quay phim, để lại số điện thoại và trả lời một số thông tin về bản thân để người tổ chức nắm rõ. Họ cũng phải ký vào một tờ giấy với nội dung chấp thuận cho tung hình lên mạng (nếu cần thiết).

Đến vòng hai sơ tuyển, chàng rể Hàn xuất hiện gặp gỡ vài chục cô. Thông qua phiên dịch, rể hỏi han một số thông tin về cô dâu tương lai như nghề nghiệp, trình độ, quê quán, bố mẹ, sở thích và một câu thường trực là "tại sao muốn lấy chồng Hàn Quốc". Từ 20-30, có khi đến 50-60 cô ở vòng hai, rể sẽ lựa ra chừng 4-5 để đi vào vòng ba, gay cấn và cũng hồi hộp nhất. Cũng có khi ngay từ vòng hai, chàng rể gặp hên đã ưng ngay một cô.

Tuy nhiên số cô gặp may không nhiều. Có những người đi dự tuyển hàng chục lần, nhưng chưa lọt mắt xanh chàng rể nào. Họ ví lấy chồng ngoại quốc khó như thi đại học. "Có đợt gần 30 cô ra mắt mà chỉ có một rể xuất hiện. Với những cô gái thô kệch và béo thế kia làm sao mà có cơ hội trúng", cô gái cột tóc đuôi gà vàng hoe, miệng bịt kín khẩu trang hất hàm về phía người ngồi ở góc cửa ra vào.

Sau 2 tiếng chờ đợi, chàng rể Hàn đến và cuộc thi tuyển vợ bắt đầu. Thấy một số ứng viên lần đầu xuất hiện còn tỏ ra e dè, một phụ nữ ngoài 30 tuổi ăn mặc khá sành điệu lớn giọng: "Em áo tím kia có thích lấy chồng Hàn không mà cứ lưỡng lự ở đó. Ra đây chị làm thủ tục cho. Tên gì, bao nhiêu tuổi, đã có chồng con chưa để còn ghi vào sổ".

Ngay sau đó, giám đốc môi giới Bảo oang oang: "Những em nào ở độ tuổi 25-35 thì xuống đây anh thông báo. Rể 48 tuổi nhà cách thành phố Seoul 250 km, vợ mất cách đây hơn một năm, nhà có hai con, nhưng đã lập gia đình. Thu nhập của người này khoảng 40 triệu đồng một tháng. Tiêu chí của anh này không cần xinh, chỉ cần yêu mình...".

Nghe thông tin đó, nhiều ứng viên cho rằng có thể dễ dàng lọt mắt xanh của người đàn ông mặc bộ vest đen, cao trên 1,7 m với nước da xám xịt đang đứng ở cửa phòng. Tuy nhiên, trái với dự đoán của họ, chỉ sau vài phút chuyện trò trong phòng riêng, lần lượt các cô gái lắc đầu đi ra.

"Già, làm nông nghiệp mà còn kén chọn. Biết thế này đi mối ở huyện Thủy Nguyên từ sớm ...", ứng viên tên Giang (28 tuổi) nguýt dài về căn phòng vẫn đang nhộn nhịp. Đi một vài lần, biết cách trả lời nhuần nhuyễn câu hỏi của rể như "Tên em là gì, quê ở đâu", "Tại sao lại đồng ý lấy anh làm chồng", "Công việc hiện tại của em là gì"..., nhưng Giang cùng nhiều cô gái không hề hay biết vì sao bị loại.

Các cô gái chờ đến lượt ra mắt. Ảnh: Hoàng Anh.
Các cô gái chờ đến lượt ra mắt. Ảnh: Hoàng Anh.

Nhiều ứng viên khi biết mình bị loại đã nhanh chóng hối thúc madam đưa đến điểm thi tuyển khác. Không chỉ ở quận Đồ Sơn, nhiều điểm khác ở huyện Thủy Nguyên hay trong các khách sạn lớn ở nội thành cũng đang diễn ra thi tuyển tấp nập.

Tại nhà riêng của một người phụ nữ tên Thất ở xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, dù giữa trưa, nhưng gần trăm ứng viên vẫn háo hức đợi. Vừa thấy chiếc ôtô 7 chỗ bóng loáng đỗ xịch trước cổng, ngoài sân đã nhốn nháo có tiếng hô: "Rể về, rể về". Sau ít phút, 4 người đàn ông diện những bộ vest đen bước vào sân nở nụ cười.

Bị các madam dồn vào phòng riêng và yêu cầu giữ trật tự để làm những thủ tục cần thiết, nhưng các cô gái vẫn bàn tán xôn xao về diện mạo của mấy chàng rể. Người cho rằng 4 chàng hôm nay hiền và dễ nhìn, nhưng cũng có người chê già, không được cao to, thậm chí có người cổ còn bị vẹo.

Nghe tiếng bàn tán rôm rả của các cô gái, madam với mái tóc quăn đứng cạnh tỏ ra khó chịu. Bà thì thào: "Mấy đứa này ngu lắm, cứ ham trai trẻ, có nhà riêng ở thành phố làm gì. Lấy ông lớn tuổi và xấu trai một chút về nó tha hồ chiều".

Đồng hồ chỉ 13h30, lò tuyển vợ được xem là đông nhất ở huyện Thủy Nguyên vẫn rất sôi động. Không khí gian phòng khách sau khi 20 cô gái được lựa chọn và đưa lên gác xép để vào vòng ba càng trở nên căng thẳng.

Tuy nhiên, sau những cái gật đầu không chút do dự của Thùy, Hoa, Lê và Phượng, tràng pháo tay của những cô gái bị loại rộn rã vang lên chúc mừng những cặp "xứng đôi vừa lứa".

Theo ông Lê Khắc Dũng, Chủ tịch UBND xã Phả Lễ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), trong 5 năm trở lại đây, xã có gần 400 cô gái lấy người nước ngoài (chiếm khoảng 70% tỷ lệ kết hôn trong thanh niên toàn xã).

Khẳng định thông tin về công ty môi giới và những người làm mai mối đều nắm được, tuy nhiên ông Dũng cho rằng để quản lý rất khó vì cấp xã không có thẩm quyền xử lý. Quá 22h, nếu họ tụ tập đông người xã mới có quyền xử lý theo Luật cư trú.

Hoàng Anh

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty