SGTT - Chạy dài 300km dọc
bờ Mekong đối diện với Lào bên kia bờ, tỉnh Nong Khai là một trong 15
tỉnh vùng đông bắc nằm trong tình trạng báo động khẩn cấp về hạn hán của
Thái Lan.
Người dân Nong Khai bên chiếc cầu
nối liền Thái – Lào phải kéo hàng trăm mét ống dẫn để cố bơm nước từ
dòng Mekong cạn kiệt về nhà
|
Theo thoả thuận từ lâu giữa
Thái Lan và Lào, tất cả những đảo nhỏ, ghềnh đá và cồn cát chỉ xuất hiện
vào mùa khô trên dòng Mekong biên giới tự nhiên đều thuộc lãnh thổ Lào.
Hạn hán lạ thường năm nay hẳn nhiên làm cho diện tích nước Lào bành
trướng thêm nhưng phía Nong Khai, diện tích canh tác đã thu hẹp. Tất cả
17 huyện của tỉnh Nong Khai đều mất mùa vì hạn hán, cùng chung số phận
với các tỉnh trong khu vực.
Dòng sông khát
Anh Pitchai không trồng lúa mà làm vườn. Anh nói:
“Nguồn thu nhập hàng ngày của gia đình tôi từ đu đủ, cà chua và rau cải
đã mất đứt vì không đủ tiền mua nước”. Chiếc xe máy của anh đã được anh
cải tiến thành xe thùng để ngày ngày đi mua nước sạch. Toàn bộ nước
thải sau khi dùng được giữ lại để cứu vớt những mảnh vườn tiêu điều.
Các con sông và nguồn
nước trong đất liền Thái Lan đã cạn chạm mức 40% và sẽ còn xuống thấp
nữa. Nếu các tỉnh miền bắc ngoài thiệt hại nông nghiệp phải gánh chịu
thêm hậu quả ô nhiễm không khí, thì các tỉnh đông bắc đang thiếu nước
sạch trầm trọng và đối mặt với dịch bệnh. Ven bờ sông dưới chân chiếc
cầu nối liền hai nước, nhiều người dân Nong Khai mua ống nhựa, nối dài
hàng trăm mét để cố bơm nước từ dòng sông cạn về nhà sử dụng. Đường ống
quá dài nên phải nối với nhiều máy bơm tiếp sức mới có thể hút nước lên
tới những ngôi nhà trên mặt đường. Việc đầu tiên mỗi sáng của họ là ra
bờ sông để dịch chuyển máy bơm và ống dẫn tới gần mặt nước đang lùi xa
từng ngày.
Ở
tỉnh Udon Thani tiếp giáp với Nong Khai, từ giữa tháng ba sức nóng mùa
hạn đã bắt đầu ảnh hưởng đến nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt.
Nước máy của hơn 50.000 gia đình đã bị nhiễm tảo. Nắng nóng khác thường
kéo dài đã tăng nhanh tốc độ phát triển của nhiều loài tảo và gây nhiễm
cho cả quy trình sản xuất nước sạch. Nhà máy nước buộc phải cấp tốc thay
đổi quy trình sản xuất để không cho tảo lan vào nước máy. Ở một số
huyện của tỉnh này, các nhà máy nước bắt đầu hạn chế cung cấp nước máy.
Nước chỉ được cung cấp mỗi ngày từ 5 – 10 giờ sáng và 3 –8 giờ tối.
Hoa lá ở công viên ban
quản lý cầu Hữu nghị Thái – Lào của Nong Khai vẫn tươi xanh. Đây là một
điểm tham quan của các đoàn du khách nên công viên yên tĩnh này được ưu
tiên mỗi sáng một xe bồn nước để tưới cây. Bước ra khỏi khu vực công
viên đó là một hình ảnh khác. Chỉ thấy những hàng cây xác xơ trên bờ
Nong Khai. Chỉ nghe tiếng xình xịch của những chiếc máy bơm đang rên rỉ
cố sức hút những giọt nước quý hiếm của dòng Mekong.
Nước và chính biến
Du khách nước ngoài lo
ngại về vệ sinh đã bỏ Udon Thani. Phần lớn không dừng lại Nong Khai mà
qua cầu Hữu nghị Thái – Lào đi luôn sang Vientiane. Không chỉ vì nguồn
nước, du khách rời khỏi đây từ giữa hai tuần trước còn vì những chiếc
“áo đỏ”. Cả ngàn “áo đỏ” từ hai tỉnh này và một số vùng phụ cận ngồi
trên hàng trăm xe ôtô, xe tải, mang theo lương thực, đã tập trung ở Udon
Thani rồi rầm rộ kéo về Bangkok cách đó 560km về phía nam, tham gia “đổ
máu”. Nông dân miền Đông Bắc Thái Lan đa số là người ủng hộ ông thủ
tướng lưu vong Thaksin. Anh Samart, lái xe tuk-tuk ở Nong Khai, cho biết
lý do: “Vì ông ta là thủ tướng đầu tiên chịu khó ra khỏi thủ đô đi đến
từng làng và có nhiều chủ trương hỗ trợ cụ thể cho nông dân”.
Thủ tướng hiện thời
Abhisit Vejjajiva tuần qua cũng đã rời thủ đô tới một huyện bị thiệt hại
nặng nhất của tỉnh Nong Khai để khởi đầu cho chuyến thị sát khắp 17
huyện đại hạn của tỉnh này. Ông Abhisit cùng một đoàn tháp tùng đi trên
năm chiếc trực thăng quân sự đã đáp xuống một trường học để nghe chính
quyền địa phương báo cáo về thiên tai và mực nước Mekong. Samart nói:
“Chỉ được mười phút thì họ lên trực thăng bay gấp về căn cứ ở Udon Thani
vì hàng trăm áo đỏ kéo tới biểu tình trước cổng trường”. Kế hoạch thị
sát đại hạn cũng kết thúc luôn.
Nhưng Chính quyền Thái Lan thực tế đã làm tất cả
những gì có thể để cứu hạn cho hơn 6 triệu người dân đang bị ảnh hưởng
trực tiếp thiên tai này. Các cơ quan cứu hộ và phòng chống thiên tai
Thái Lan từ năm tháng qua đã cung cấp hàng chục triệu mét khối nước cho
các vùng hạn hán trên cả nước. Các cửa đập thuỷ lợi được sửa chữa, hồ
trữ nước được nạo vét, máy bơm được tăng cường. Hàng trăm xe bồn cũng
tích cực đưa nước sạch đến tận những vùng xa xôi bị thiếu nước sinh hoạt
ngặt nghèo nhất.
Cuộc khủng hoảng nước đã biến miền Đông Bắc Thái Lan thành một
trọng điểm chính trị của nước này. Nông dân bỗng dưng trở thành một thế
lực hậu thuẫn quan trọng mà đảng phái nào ở Thái Lan hiện nay cũng cần
đến.
bài và ảnh:
Trần Đức Tài
No comments:
Post a Comment