Nghe giới thiệu người đàn ông là cha ruột, Hào Anh cúi gằm mặt, hai tay đan vào nhau run run: "Con không có cha". Còn người bố quay đi ngăn dòng nước mắt, xin con tha lỗi.
> Hồi ức về những trận đòn kinh hoàng của cậu bé làm thuê/ Nỗi lòng mẹ cậu bé làm thuê bị chủ hành hạ
Phút tương phùng của cha con Nguyễn Hào Anh không bùi ngùi như thường thấy mà lại đầy lạnh lùng, xa cách. Trao đổi với nhau được 3 câu, cuộc đoàn tụ kết thúc để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân 14 tuổi. Cậu bé đôi mắt ráo hoảnh ngồi lầm lì, không hề nhìn người cha đang lủi thủi bước đi xa dần.
Chỉ ở cách đứa con ruột của mình hơn 20 km, nhưng đây là lần đầu tiên anh Nguyễn Thành Tâm thấy mặt Hào Anh. Đau khổ hơn nữa, cuộc gặp mặt lại diễn ra trong tình cảnh đứa con bị người khác nhục hình, "thân thể cháu bầm dập, khuôn mặt bị thương đến dị dạng làm tôi tan nát lòng". Biết tin con qua tivi, người đen sạm, đôi chân khập khiễng, mắt đỏ hoe, anh Tâm lặng lẽ vào bệnh xá và kiên nhẫn ngồi chờ đợi cơ quan chức năng cho gặp con mình.
Bố Hào Anh lặng lẽ ngồi chờ được phép vào viện thăm con với đôi mắt đỏ hoe. Ảnh: Tiến Thùy (chụp ngày 7/5) |
Tâm sự với VnExpress.net, người bố trải lòng: "Tôi không trách thái độ lạnh nhạt của Hào Anh. Cháu không hận tôi là tốt rồi".
Đưa bàn tay gân guốc quệt ngang trán, thở ra một hơi dài, người đàn ông tiếp tục câu chuyện đã xảy ra hơn 14 năm trước. Kinh tế gia đình khó khăn, vợ chồng mâu thuẫn nhau, người vợ (tên Thoa) bỏ về nhà cha mẹ ruột ở khi đang mang bầu 9 tháng. Tám ngày sau, chị đẻ song sinh, đặt tên hai con là Hào Anh và Hào Em.
Theo lời anh Tâm, vợ sinh nở, anh sang nhà nhạc phụ chăm sóc vợ con song bị gia đình vợ đuổi đi với lý do đã đối xử tệ bạc với vợ. Tự ái, anh bỏ đi bắt đầu cuộc sống mới, 14 năm không trở lại thăm con. "Tôi cũng nhớ con, nhưng nhà người ta hắt hủi mình quá nên ái ngại", người bố nói.
Anh kể tiếp, 6 tháng trước anh gặp vợ cũ ở ngoài đường, có hỏi thăm các con và nhận được câu trả lời là hai đứa mạnh khỏe học giỏi. "Thoa nói chồng sau thương mình. Cả hai người đều chăm lo cho Hào Anh, Hào Em ăn học tới nơi tới chốn. Bây giờ tôi mới biết Hào Anh đã đi ở đợ trại nuôi tôm hai năm rồi", người đàn ông ngậm ngùi.
Lần đầu tiên hai cha con gặp nhau sau 14 năm xa cách, cậu bé không nhận bố với giọng run run. Ảnh: Tiến Thùy |
Câu chuyện đang dang dở thì Hào Em bỗng đi qua trước mặt cha. Nhưng em không hề hay biết người đàn ông gầy gò đen đúa ngồi ở hành lang kia là bố mình. Chỉ có anh Tân tần ngần nhìn theo đứa trẻ. Cũng nhờ đọc báo mà anh biết đó là con mình. "Thôi cứ kệ cháu. Ngần ấy năm tôi không tìm gặp, không dễ gì bây giờ nó chấp nhận được", ông bố nói như an ủi trong khi lén quay đi gạt nước mắt.
Giống như người vợ cũ, cuộc đời anh cũng mấy đận lỡ làng. Bốn năm sau ngày chị Thoa lấy chồng mới, anh cũng cưới vợ. Nhưng rồi cuộc sống khó khăn lại làm cho vợ chồng không hạnh phúc, người vợ sau bỏ anh đi mang theo đứa con gái 9 tuổi. Hiện anh sống một mình, thuê nhà trọ, ngày đi bán bánh mì dạo, đêm vào lò bánh mì làm thêm, nuôi mẹ già đã ngoài 80 tuổi.
Cuộc sống mưu sinh khiến đôi chân người đàn ông này khập khiễng vì thấp khớp. Căn bệnh đến sớm so với tuổi của mình. "Nếu Hào Anh không bị người ta hành hạ chắc tôi cũng không bao giờ dám nhìn mặt con. Tôi biết từ ngày cháu bị vậy, người ta càng lên án tôi nhiều hơn", người bố sau một hồi im lặng lại chậm rãi bày tỏ.
Anh nói: "Nếu ngày đó mình được nuôi con thì sống chết gì cũng gắng làm ăn nuôi nó. Tôi biết mẹ Hào Anh cũng rất thương con nhưng vì hoàn cảnh mà phải để con đi giúp việc như vậy".
Khẳng định nếu Hào Anh bình phục mà về sống với cha thì không còn hạnh phúc gì bằng, song anh buồn rầu tự trả lời luôn: "Chắc sẽ không có ngày đó đâu. Chỉ mong sao cho con sớm khỏe. Nỗi đau ngày hôm nay có một phần lỗi của tôi", rồi lặng lẽ rời bệnh xá trên đôi chân khập khiễng.
Anh nói phải về kịp ca làm lò bánh mì, nếu không sẽ bị ông chủ đuổi. Ngày mai anh lại nghỉ đi bán bánh mì dạo để vào bệnh viện thăm các con, dù có bị Hào Anh - Hào Em từ chối nhận bố.
Tiến Thùy
No comments:
Post a Comment