Ngày 29/04/2010, website opendemocracy.net (Anh Quốc) đã công bố một bài phân tích về hiện tình quan hệ Việt Trung của bà Sophie Quinn Judge, một nhà nghiên cứu Mỹ chuyên về lịch sử Việt Nam. Theo tác giả, quan hệ hữu hảo giữa hai bên bắt đầu có dấu hiệu thay đổi dưới sức ép của công luận Việt Nam, rất bất bình trước các vấn đề môi trường và chủ quyền quốc gia do Trung Quốc gây ra. Sau đây là nội dung bài nhận định.
Năm 2009, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc một lần nữa đột nhiên trở thành vấn đề công khai [trên trường quốc tế]. Khi đệ trình đòi hỏi chủ quyền trên 80% vùng Biển Đông trước Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển vào tháng 5, Trung Quốc chính thức hóa tham vọng lãnh thổ trên những khu vực chưa hề được luật quốc tế công nhận. Đòi hỏi này đặt Việt Nam vào một tình thế khó xử: hoặc phải chấp nhận sự thống trị của Trung Quốc trên vùng mà Việt Nam gọi là "Biển Đông", dọc theo bờ biển trải dài của mình, hoặc phải công khai đối đầu với người láng giềng hùng mạnh, điều mà chính phủ Hà Nội muốn tránh [...]
Thế nhưng sau hai thập kỷ nhân nhượng, uy lực ngày càng mạnh của Trung Quốc buộc Việt Nam phải đối mặt với một số lựa chọn gay go. Tình thế đặc biệt phức tạp đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam đang cầm quyền. Từ khi chủ nghĩa cộng sản Đông Âu sụp đổ vào năm 1989, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã theo sát đường lối của đảng Cộng Sản Trung Quốc: cải cách kinh tế nhanh chóng kết hợp với sự độc quyền của đảng cộng sản trên đời sống chính trị và các định chế nhà nước. Hiện nay, với việc Bắc Kinh gây áp lực buộc Việt Nam chấp nhận sự kiểm soát của Trung Quốc trên Biển Đông, Đảng Cộng Sản Việt Nam bị buộc phải thừa nhận rằng hai nước có tranh chấp quyền lợi ích trong một số lĩnh vực.
Một trong những lĩnh vực này là quyền sử dụng tài nguyên, chẳng hạn như vấn đề nước ở sông Cửu Long. Lượng nước chảy vào vùng đồng bằng Việt Nam đã giảm rõ rệt trong 10 năm qua, từ khi Trung Quốc xây dựng một loạt các đập thủy điện ở thượng nguồn. Mối đe dọa đối với sông Cửu Long có thể trở thành vấn đề sinh tử cho nhiều cư dân miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, vào lúc này, tranh chấp lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan tới việc tiếp cận nguồn cá, dầu hỏa và khí đốt dưới đáy Biển Đông.
Hiểm họa Trung Quốc nổi cộm với kế hoạch khai thác bauxite trên Tây Nguyên
Tiếng chuông báo động trong dư luận về vai trò của Trung Quốc tại Việt Nam đã nổi lên vào năm 2009, với dự án khai thác mỏ ở đất liền gây nhiều tranh cãi. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã công bố một thỏa thuận cho phép Trung Quốc khai thác và chế biến bauxite ở vùng Tây Nguyên. Dự án được cho là để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, chẳng bao lâu bị coi là một hiểm họa lâu dài: việc Trung Quốc cho biết sẽ đưa công nhân của họ vào để thực hiện dự án đã gây nên nỗi lo ngại về việc người Trung Quốc định cư thường trực tại khu vực chiến lược nhạy cảm đó. Ngoài ra, người lao động Việt Nam cũng sẽ không có nhiều việc làm trong các công trình.
Hơn nữa, hoàn toàn không có báo cáo nào về tác động môi trường – một yếu tố thiết yếu khi ta biết rằng việc khai thác bauxite sẽ tàn phá cảnh quan và tạo ra các chất thải gây ô nhiễm cho đất nông nghiệp và nguồn nước.
Vào mùa xuân năm ngoái, 139 trí thức Việt Nam đã ký vào một bản kiến nghị, yêu cầu chính phủ hủy bỏ thỏa thuận sản xuất bauxite. Nhiều người Việt hải ngoại cũng đã ký tên, cũng như một số sĩ quan quân sự cao cấp. Một trong những gương mặt tên tuổi chống dự án khai thác bauxite là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những lãnh đạo cuối cùng trong thời kỳ cách mạng còn sống. Ông vẫn còn đủ uy tín đạo đức để phê phán có hiệu quả khi ông nhìn thấy đảng đi chệch hướng.
Mùa hè năm 2009, theo tin tức lưu truyền ở Hà Nội, thì một số tướng lĩnh (tin đồn nói tới 30 người) đã bị cho nghỉ hưu sớm vì đã phản đối dự án bauxite. Kế hoạch khai thác mỏ sau đó đã được thảo luận trong Quốc Hội, và trong vòng ba ngày, các đại biểu chống đối dự án mạnh nhất đã được thuyết phục để rút lại ý kiến của họ.
Qua tháng 3 năm 2010, dự án bước vào giai đoạn đầu xây dựng, và giới chức chính quyền địa phương đã bảo đảm với báo chí Việt Nam (một vài nhà báo vẫn còn dám đặt câu hỏi) rằng tác động môi trường sẽ được giám sát chặt chẽ. Vai trò của Trung Quốc đối với dự án ít khi được đề cập tới trong các bài báo đó. Tin đồn cho rằng ít nhất là đã có một nhân vật lãnh đạo đảng nhận được tiền thưởng công của Trung Quốc do đã hỗ trợ cho dự án. Dẫu sao thì cách thức Đảng Cộng Sản Việt Nam xử lý vấn đề bauxite cho thấy rằng dụ án này được hậu thuẫn rộng rãi từ phía những người có thế lực nhất ở Việt Nam.
Trung Quốc bắt đầu coi Biển Đông là quyền lợi thiết thân, ngang với Đài Loan và Tây Tạng
Vụ bauxite tuy nhiên không đủ làm cho quan hệ Việt-Trung bị đảo lộn lâu dài. Thế nhưng đó là dấu hiệu phản ánh những vấn đề lớn hơn. Điều làm thay đổi quan hệ giữa hai nước, đó là sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Việc Bắc Kinh đơn phương đòi lãnh hải bên trong "đường cong chữ U" xuống tận miền bắc Kalimantan [Indonesia], thể hiện thái độ tự tin của họ, cho rằng giờ đây Trung Quốc có thể bảo vệ những gì mà họ xem là thuộc vùng ảnh hưởng của họ. Gần đây Trung Quốc đã bắt đầu xem Biển Đông là một trong những lợi ích thiết thân của họ, ngang hàng với Đài Loan và Tây Tạng.
Trong trường hợp này, Bắc Kinh đòi quyền sở hữu trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ cho phép họ đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được Liên Hiệp Quốc công nhận. Nhiều hòn đảo rải rác ờ các khu vực này chỉ là các dải cát, trong lúc chủ quyền còn bị nhiều quốc gia khác tranh chấp. Thế nhưng nếu Trung Quốc giành được quyền sở hữu, điều đó sẽ cho phép họ kiểm soát các tuyến hàng hải thiết yếu và khu vực được cho là dồi dào dầu hỏa và khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, có thể là Trung Quốc đã đi quá đà trong việc nâng cao đòi hỏi của họ trong tranh chấp lãnh thổ này.
Việt Nam đã cố gắng bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa kể từ khi thống nhất đất nước vào năm 1976, nhưng không thành công lắm. Ngược lại, Hà Nội đã nhượng bộ một số vùng lãnh hải của mình cho Trung Quốc trong Hiệp định phân giới Vịnh Bắc Bộ, và thậm chí đồng ý tuần tra chung vào năm 2006.
Thế nhưng bất chấp các nhượng bộ đó và các mối quan hệ thân thiện công khai, kể từ tháng 5 năm 2009 Trung Quốc cho đâm chìm và bắt giữ các tàu đánh cá Việt Nam đi vào khu vực mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền, khu vực mà người Việt Nam xem là vùng đánh cá truyền thống của mình. Việc ngư dân bị giữ làm con tin hoặc số cá bắt được bị tịch thu, đã làm cho công chúng tại Việt Nam giận dữ.
Về Hoàng Sa, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh bật đơn vị thuộc chính quyền miền Nam Việt Nam đồn trú ở đó vào năm 1974, khi chiến tranh Việt Nam đang giảm cường độ. Vào thời điểm đó chẳng ai phản đối, Hoa Kỳ còn bận tâm với mối đe dọa của Liên Xô ở Thái Bình Dương.
Việt Nam đòi hỏi chủ quyền lịch sử trên các quần đảo này. Ít nhất là từ những năm đầu dưới triều Nguyễn (từ 1802), hoàng đế Gia Long (1802-1820) và Minh Mạng (1820-1841) đã gửi các đội thám hiểm đến Hoàng Sa để vẽ bản đồ vùng biển xung quanh các đảo. Quyền sở hữu của Việt Nam đã được thấy trên các bản đồ do các nhà truyền giáo Pháp đầu tiên vẽ ra.
Đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam cũng phản ánh một thực tế là ngư dân từ miền Trung Việt Nam từ lâu nay đã khai thác các nguồn tài nguyên biển ở Hoàng Sa và tiến hành các hoạt động cứu hộ ở vùng biển nguy hiểm. Người Pháp có chủ quyền trên các vùng lãnh thổ đó cho đến Đệ Nhị Thế Chiến, và miền Nam Việt Nam đã thừa kế quyền này.
Việt Nam khó có thể giành chiến thắng trong một cuộc đối đầu hải quân với Trung Quốc, ngay cả việc mua sáu chiếc tàu ngầm diesel loại kilo của Nga. Việt Nam cũng biết rằng việc tăng cường quân sự sẽ không giúp xây dựng niềm tin với các quốc gia khác trong khu vực. Do đó, Việt Nam đã tranh thủ vai trò chủ tịch Hiệp Hội Đông Nam Á ASEAN trong năm 2010 để xây dựng một sự đồng thuận đa phương, hậu thuẫn cho lời kêu gọi mở đàm phán về việc chia sẻ tài nguyên ở Biển Đông [...]
Bản Tuyên bố về các quy tắc ứng xử do ASEAN và Trung Quốc ký kết năm 2002, về các vấn đề như bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu hộ, có thể là một mô hình cho các thương lượng trong tương lai. Tuy nhiên, thỏa thuận này không có hiệu lực pháp lý và các cuộc thảo luận để mở rộng phạm vi đã bị đình trệ trong những năm gần đây. Điều có thể tạo ra đột phá trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc sẽ là sự tham gia của Mỹ và Nhật Bản vào một giải pháp đa phương.
Đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ được Việt Nam coi trọng hơn trước
Tại Việt Nam hiện nay có một giả thuyết cho rằng một số lãnh đạo Đảng muốn Việt Nam trở thành "một tỉnh của Trung Quốc" hơn là để xẩy ra nguy cơ quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam bị suy yếu khi thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Washington. Tuy nhiên, các mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ đã được chính quyền Hà Nội coi trọng hơn là cách nay 5 năm.
Trong cương lĩnh đã được chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần tới vào năm 2011, có bốn mối đe dọa lớn đối với quốc gia được nêu lên : 1/ Kinh tế lạc hậu, 2/ Các thế lực thù địch và diễn biến hòa bình, 3/ Tranh chấp lãnh thổ và 4/ Các vấn đề toàn cầu liên quan đến an toàn lương thực, an toàn năng lượng và tình trạng khí hậu toàn cầu bị hâm nóng. Danh sách này thể hiện tính chất ngày càng tinh tế của ngành ngoại giao Việt Nam, cho dù nỗi lo sợ "diễn biến hòa bình"[…] vẫn nằm ở vị trí cao trong danh sách các nguy cơ.
Cho đến giờ, giới lãnh đạo Việt Nam có lẽ hiểu rõ rằng nhượng bộ Trung Quốc thêm nữa sẽ làm xói mòn niềm tin của các tầng lớp quan trọng trong dân chúng, trong đó có cả trí thức lẫn một số bộ phận trong quân đội. Và mặc dù (hoặc có lẽ là vì) kiểm soát chặt chẽ báo chí và internet, mà niềm tin của công chúng vào các thông tin của chính phủ không còn mạnh mẽ như trước đây. Từ các số liệu cho thấy lạm phát được kiểm soát, cho tới các báo cáo lạc quan về tiến độ bảo vệ môi trường, tất cả đều bị độc giả các tờ báo đón nhận với thái độ hoài nghi. Nếu công chúng nghĩ rằng Đảng Cộng Sản, từng tự nhận là người bảo vệ độc lập dân tộc, không còn bảo vệ được lợi ích thiết thân của quốc gia, thì tính chính đáng của Đảng sẽ ngày càng bị nghi ngờ.
No comments:
Post a Comment