TT - Trốn thuế từ lâu là vấn nạn của đất nước Nam Âu này và nhiều người tin rằng nếu chính phủ mạnh tay với thuế thì Hi Lạp có thể đã không rơi vào khủng hoảng với món nợ 300 tỉ euro. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Công nghiệp Hi Lạp, năm ngoái ước tính chính phủ nước này đã thất thoát tới 30 tỉ USD mỗi năm vì trốn thuế.
Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở Hi Lạp: cảnh sát dùng hơi cay, còn người biểu tình ném gạch đá, đốt lửa. Lý do: những người biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng mới của chính phủ, còn chính phủ biết giờ là thời điểm cuối cùng cần phải mạnh tay để tránh đất nước suy sụp - Ảnh: AFP |
Một ví dụ đơn giản: ở khu nhà giàu phía bắc thủ đô Athens, nơi nhiệt độ thường lên tới hơn 35OC vào mùa hè, chỉ có 324 cư dân ở đây khai trên giấy tờ thuế là có bể bơi. Khi các điều tra viên thuế dùng ảnh chụp từ vệ tinh để tìm hiểu khu dân cư toàn những biệt thự lộng lẫy này thì con số hoàn toàn khác hẳn: 16.974 bể bơi. Hình thức lừa dối để trốn thuế có khi còn táo tợn hơn.
Mới đây, khi điều tra thu nhập của 150 bác sĩ ở khu nhà giàu Kolonaki ở thủ đô Athens - nơi có rất nhiều cửa hàng của Prada và Chanel, các nhân viên thuế phát hiện hơn một nửa trong số họ cho biết họ có thu nhập dưới 40.000 USD/năm. 34 người trong số này nói họ chỉ thu nhập 13.300 USD - con số dưới mức phải nộp thuế. Mức thu nhập này là không tưởng. Trong khi đó, theo tổng cục trưởng Ilias Plaskovitis của Bộ Tài chính, "chỉ riêng tiền thuê nhà mỗi năm thôi cũng cao hơn con số này nhiều lần".
Kostas Bakouris, người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng Transparency International tại Hi Lạp, nói Hi Lạp cần phải chống lại thiên hình vạn trạng kiểu trốn thuế. Các nghiên cứu khác nhau nói kinh tế ngầm ở Hi Lạp đang chiếm 20-30% GDP của nước này. So sánh ở một nền kinh tế phát triển như Mỹ, tỉ lệ kinh tế ngầm này chỉ là 7,8%.
Chính phủ Hi Lạp muốn thay đổi nhưng không dễ chút nào, bởi muốn trốn thuế tất phải mua chuộc, hối lộ. Trốn thuế đã trở thành một phần trong "văn hóa" hối lộ và tham nhũng đã ăn sâu trong xã hội này. Tới bệnh viện, để được bác sĩ quan tâm hơn, người Hi Lạp thường trả thêm bác sĩ chút tiền - hay còn gọi là "fakelaki", theo tiếng Hi Lạp có nghĩa là "phong bì nhỏ". Việc hối lộ giúp bôi trơn các thủ tục hành chính dường như là chuẩn mực mà ai ai cũng biết rõ mức giá. Ví dụ doanh nghiệp muốn có được một chứng nhận thanh tra về khí thải sẽ phải chi khoảng 400 USD.
Chính phủ Hi Lạp đã đặt mục tiêu sẽ thu thêm ít nhất 1,6 tỉ USD tiền thuế trong năm nay - một mục tiêu khá khiêm tốn. Trong suốt 10 năm qua, Hi Lạp thực tế luôn thất bại trong trận chiến này, kể cả khi kinh tế tăng trưởng tới 8,25% trong giai đoạn 2000-2007, thu nhập từ thuế chỉ tăng ở mức 7%.
THANH TUẤN
Tàn một ảo mộng lớn
Trong bài viết Tàn một ảo mộng lớn, nhà báo Hi Lạp Achileas Hekimoglou giải thích vì sao giờ đây người dân Hi Lạp phải trả giá cho những năm tháng "huy hoàng" sống bằng tiền vay mượn. Nêu một hình ảnh tiêu biểu cho cả đất nước Hi Lạp vào năm 2002, bài báo mô tả: một cặp vợ chồng trẻ mặc những bộ quần áo đắt tiền của những thương hiệu lớn, đi du hí ở những thiên đường du lịch. Họ là những người ăn lương bình thường nhưng chẳng hề do dự vay tiền để mua chiếc xe hơi xịn mà họ nhìn thấy quảng cáo trên truyền hình.
Họ chẳng chút sợ hãi khi vay những "khoản tín dụng mùa hè" mà các ngân hàng mời gọi. Và họ đã cứ thế vay hết khoản này đến khoản khác để tiêu xài nhiều hơn. Bài báo lưu ý: đó là vào năm 2002, năm tăng trưởng, cũng là năm siêu tiêu thụ. Đó cũng là một cuộc sống huy hoàng theo kiểu Hi Lạp, và giờ cái bẫy sụp xuống.
Không thể không nhớ từ những năm 1990, cùng với thị trường chứng khoán bùng nổ, làn sóng đầu tư tràn vào Hi Lạp trên rất nhiều lĩnh vực đã xuất hiện một cảm giác mới: ai cũng có thể tiếp cận với sự giàu có. "Ở đất nước Hi Lạp tội nghiệp, người dân ai cũng thấy cuối cùng họ có thể sống đàng hoàng như người Pháp và người Đức, thậm chí còn tốt hơn dù rằng họ chẳng sản xuất được gì và chẳng xuất khẩu được cái gì"...
Năm 2004, mô hình tăng trưởng kiểu "phép lạ Hi Lạp" bắt đầu cho thấy những yếu kém. Các doanh nghiệp sụp đổ nhiều như những con bài giấy. Thất nghiệp, vốn tích tụ từ lâu ngày, nay như chợt gõ cửa 30% hộ gia đình Hi Lạp, nhất là những người chẳng có trách nhiệm gì với hiện trạng này. Món nợ của các hộ gia đình cũng như của các doanh nghiệp bùng nổ.
Bài báo kết luận: "Sự tăng trưởng huy hoàng của những năm tháng qua không còn nữa, và thời điểm tính sổ đã điểm".
TRUNG NGUYỄN (Theo CI)
No comments:
Post a Comment