Cùng Trực Ngôn nhìn lại một tuần qua với không ít những chuyện cười đấy, mà nước mắt lại ướt mi...
Tham quyền cố vị đồng nghĩa với gì?
Trong phiên họp ngày 31/10/1946, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Giờ tôi xin tuyên bố trước Quốc hội, trước quốc dân và trước thế giới rằng: Hồ Chí Minh không phải là kẻ "tham quyền cố vị". (ac ac ac ac)
Bản chất của tham quyền cố vị là khi một người không có khả năng làm việc và sáng tạo (cả về sức khoẻ lẫn trí tuệ) mà vẫn cố giữ lấy những vị trí quan trọng của cơ quan, của tổ chức hay của đất nước. Những người như thế vừa trực tiếp vừa gián tiếp cản trở sự phát triển của cơ quan đó, tổ chức đó nói riêng và của đất nước nói chung.
Tất nhiên, khi một người không có sức khỏe và trí tuệ mà vẫn giữ lấy "ghế" thì không chỉ là tội của người đó mà còn là tội của tổ chức. Vì người đó muốn thực hiện được tham vọng của mình đương nhiên phải có sự ủng hộ của tổ chức. Sự ủng hộ này có cả nghĩa là: những người biết ông này hay bà kia đã không còn đủ những yếu tố để giữ chức vụ đó nhưng vì ngại, vì sợ và vì lo đến lợi ích cá nhân mình mà không dám lên tiếng.
Lời tuyên bố đó chính là thể hiện một phần nhân cách vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lời tuyên bố đó vừa là bản chất của lòng yêu nước chân chính vừa mang giá trị cho mọi thời đại.
Tham quyền cố vị không phải là đối với một người đã hết tuổi làm việc theo quy định nhưng tìm mọi cách để giữ lại cái "ghế" quyền lực của mình mà quan trọng hơn là đối với những người thậm chí còn rất trẻ nhưng thiếu đạo đức, thiếu trí tuệ nhưng không chịu để cho người khác đứng vào vị trí của mình mà giúp nước.
Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến rằng để hạn chế một cách có hiệu quả nguy cơ tham quyền cố vị thì dân chủ trong việc bầu chọn những vị trí lãnh đạo các cấp phải được thực hiện một cách công khai và minh bạch. Như thế, những người không đủ năng lực sẽ không có cơ hội ôm khư khư cái "ghế" để hưởng lợi mãi mãi.
Chuyện về những người tham quyền cố vị ở nước ta nếu kể thì có những chuyện cười ra... nước mắt. Chúng ta đã và đang phát động phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Và chúng ta hãy tự hỏi chúng ta học tập được những gì từ Người và hành động hoá những điều đó ra sao?
Đưa vào rồi lại... rút ra
Bộ Tư pháp cho biết, năm 2009 có 36 dự án luật và pháp lệnh Chính phủ được giao chuẩn bị. Năm nay Chính phủ lại được giao chủ trì soạn thảo 43 dự án. Có nhiều dự án luật rất quan trọng và cấp bách nhưng lại bị rút hoặc lùi thời gian trình như Luật ngân sách Nhà nước sửa đổi, Luật báo chí sửa đổi, Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật sửa đổi bổ xung một số điều của Luật đất đai, Luật tiếp cận thông tin...
Chỉ đọc qua các luật đó thì thấy chúng cần thiết như thế nào. Thế nhưng tại sao lại được thực hiện một cách dầm dề và đầy tuỳ tiện như thế. Sự chậm trễ được giải thích là do kinh phí cấp chưa kịp thời. Sức mạnh trí tuệ của một Nhà nước thể hiện rất rõ ở những bộ luật của mình. Thế nhưng, với những nhận xét của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu QH khác thì thấy hình như các bộ nghành chưa đủ năng lực để soạn thảo các dự án luật. Chính vì thế mà mới có lời nhận xét nghe rất kỳ khôi của một lãnh đạo Bộ Tư pháp kiểu "chưa làm xong luật chẳng qua vì... thiếu tiền".
Thế nên, rất nhiều dự án luật quan trọng và cấp bách cho việc điều hành và quản lý đất nước cứ "nhét" vào nhưng lại bị "đẩy ra" vì chất lượng yếu kém và quá sơ sài. Hậu quả này cũng có nguyên nhân mà chúng ta vừa nói ở trên là "tham quyền cố vị". Nếu những người được giao soạn thảo dự án luật không có trí tuệ thì làm sao mà làm cho ra hồn việc gì được.
Ôi cái "sự nghiệp" đưa chân dài vào Việt Nam
Có một thời, một cái ông thâm thấp luôn xuất hiện trên truyền hình và báo chí đi bên cạnh cô hoa hậu thế giới này, cô á hậu thế giới khác cao đến lưng trời. Đó là ông Hoàng Kiều, Chủ tịch HĐQT Công ty RAAS.
Rồi mới đây, người ta tung hô ông khi ông Kiều chuẩn bị đưa cuộc thi Hoa hậu thế giới 2010 về Việt nam. Cũng từ đó, ông Kiều gắn liền với "sứ mệnh" đưa chân dài vào xứ sở lúa nước này.
Chuyện tổ chức hoa hậu hay người đẹp gì gì đó đối với Việt Nam, một trong những nước còn nghèo, có cũng vậy mà không có cũng vậy. Nói tóm lại nó chẳng quan trọng gì. Nhiều người rùm beng trên báo chí là việc tổ chức các cuộc thi chân dài ở Việt Nam là cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam cho thế giới.
Nghe thật hài hước và đau lòng. Bởi trong khi đó có biết bao việc nên làm và phải làm để giới thiệu hình ảnh đất nước ra thế giới thì không làm hoặc làm cẩu thả. Mà những người đứng ra làm việc đó như cái ông Kiều kia nhiều lần "vênh vênh váo váo" như thể mình là người có công lớn trong việc truyền bá hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới.
Nhưng thưa ông Kiều, việc đó không gì khác là việc kinh doanh kiếm lời của ông mà thôi. Vì thế khi ông không đạt được mục đích "tiền" thì sứ mệnh truyền bá hình ảnh đất nước của ông cũng biến mất luôn.
Doanh nhân như ông Kiều ở cái xứ An Nam này không ít. Họ đâu vì sự nghiệp xây dựng hình ảnh đất nước và đâu vì văn hoá đất nước. Họ chỉ lợi dụng những khẩu hiệu đại ngôn để quảng cáo mình mà thôi.
Tôi có một người bạn tổ chức một sự kiện văn hoá nhiều ý nghĩa. Anh đi xin tiền tài trợ. Anh đến những doanh nhân hay những tập đoàn mà anh đã tin là vì văn hoá đất nước qua những lời phát biểu trên truyền hình hay báo chí của họ. Nhưng khi đặt vấn đề tài trợ thì nhà tài trợ không cần nghe anh nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của sự kiện đó mà chỉ cần biết một điều: " Cấp nào đến dự lễ khai mạc sự kiện đó ?". Nếu anh không đưa ra được một cấp nào đó thật TO thì anh bị chối từ tài trợ. Người ta tài trợ không phải là cho lợi ích của xã hội hay đất nước mà để PR thương hiệu của họ để kiếm được nhiều hơn nữa những món lợi nhuận kếch sù mà thôi. Từ lúc đó, anh mới bàng hoàng nhận ra những giá trị giả tràn ngập trong đời sống.
Và cũng xin thưa với các đồng chí ở một số tỉnh rằng, các đồng chí nên tập trung vào việc giáo dục trẻ em, tạo công ăn việc làm cho thanh niên, xây dựng hệ thống y tế cơ sở, giữ gìn trật tự an toàn, an ninh xã hội cho thành phố mình, tỉnh mình trước đã chứ đừng lấy cái việc "thi chân dài" làm sự nghiệp của thành phố mình, của tỉnh mình.
Ngày xưa thực dân Pháp lấy các trò tiêu khiển, vui chơi để cho người dân quên đi nỗi nhục làm nô lệ mà nhà thơ Tú Xương viết "Cậy sức cây đu nhiều chị nhún/ Tham tiền cột mỡ lắm anh leo...". Vậy thì ngày nay, xin các đồng chí đừng lấy mấy cuộc "thi chân dài" hay gì gì đó làm quên đi xã hội đang có nhiều người nghèo khổ, nhiều trẻ em thất học, nhiều sự xuống cấp đạo đức...
Cho nên, cuộc "thi chân dài" quốc tế hay vũ trụ nếu không tổ chức ở Việt Nam thì xin các đồng chí đừng có quá sầu muộn mà sinh bệnh. Đất nước có quá nhiều việc cần các đồng chí dấn thân. Chúc các đồng chí khoẻ.
Biến nhà trường thành đấu trường
Một cuộc chiến ngoạn mục giống như Cuộc chiến thành Troy khi thầy giáo Nét đuổi đánh thầy giáo Ký từ sân trường đến nhà trưởng thôn. Thầy giáo Nét đóng vai Asin và thầy giáo Ký đóng vai Hector. Thế là thầy giáo Asin cứ vừa đấm, vừa đá, vừa chửi thầy giáo Hector trước hàng trăm cổ động viên là học sinh của hai thầy này.
Nền giáo dục Việt Nam lại ghi thêm một kỷ lục nữa sau những kỷ lục trò đánh cô, thầy nện trò túi bụi... Nghe cứ loạn hết cả lên. Người dân dụi đến rách mắt nhìn toàn xã hội mà không biết nhà trường ở đâu và đấu trường ở đâu.
Có một cái gì đó đang truyền vào não trạng của xã hội chúng ta. Mọi người có tỉnh ngủ để nhận ra điều đó không? Tôi có xem một bộ phim nước ngoài nói về sự nhiễm độc ngấm vào gió. Thế là, gió thổi đến đâu là con người hoá điên đến đấy. Vậy ngọn gió gì đang thổi vào chúng ta?
Đến lúc này, Trực Ngôn cảm thấy mệt mỏi vô cùng khi cứ phải viết mãi, viết mãi... về những chuyện như thế này. Mới đây ba thanh niên được giải oan sau gần 10 năm tù giam. Họ bị kết án cướp của hiếp dâm cho dù họ chẳng cướp của ai và chẳng hiếp dâm ai. Mới đây một cậu bé bị đánh đập hơn cả một con chó trong suốt nửa năm mà chính quyền địa phương "làm lơ" chẳng nói gì. Mới đây một đứa bé 5 tuổi đang ở nhà mình đột nhiên gục xuống bởi đạn lạc. Toàn những chuyện nghe xong thấy mình cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
"Ôi sân trường đã nhuốm màu chinh chiến". Đó là câu hát tôi nghe được từ một đứa cháu học lớp 9. Thầy Xương mua dâm học sinh, thầy Nét đuổi đánh thầy Ký... Những chuyện kinh khủng cứ thế xảy ra mà ngành giáo dục vẫn "im hơi lặng tiếng". Và hình như những nhà quản lý giáo dục hiện nay đã không còn đủ tài năng và ý chí để cứu vớt tình hình được nữa. Không ít phong trào trong ngành giáo dục được đẩy lên rầm rộ giờ đã... ngủ yên.
Có ai còn thức không?
No comments:
Post a Comment