- Gần đây, người dân các xã Thụy An, Ba Trại, Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Nội) như ngồi trên đống lửa. Qua truyền hình và radio, người dân ở đây hiểu rằng, rất có khả năng họ sẽ mất đất cho dự án. Mặc dù dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên đã được trình từ cuối tháng 12/2007, nhưng đến nay người dân các xã này mới biết qua các phương tiện truyền thông.
Hoang mang…
Ông Đào Quốc Tiên, 52 tuổi, thôn Cẩm Phương, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì thở dài kể rằng mấy hôm trước thấy cán bộ địa chính về xã ông đo đất. “Nhà tôi có 4 khẩu mà chỉ có hơn 3 sào ruộng cả hoa màu lẫn lúa, thêm hai con bò là thu nhập chính. Không biết dự án có chạy đến tận đây không, chứ thấy cán bộ địa chính đến đo đo đếm đếm là chúng tôi sốt ruột lắm!”, ông Tiên nói.
Ông Tiên tiếp tục: “Chúng tôi già rồi bây giờ cho cả cục tiền chỉ biết cắn ra mà sống chứ cũng chẳng biết kinh doanh, buôn bán gì. Con cái thì thất học, trình độ chưa hết cấp 2 thì ai nhận”.
Giống như hoàn cảnh của ông Tiên, đến 80% người dân các xã Thụy An, Ba Trại, Tản Lĩnh sống nhờ vào những mảnh ruộng ít ỏi. Thế nên, khi câu chuyện về Dự án khu du lịch quốc tế Tản Viên rộng 1.204,8ha sẽ lấy toàn bộ hồ Suối Hai và những khu đất xung quanh loang ra thì người dân tối ngày bàn tán, lo lắng. Người dân trong vùng ngồi "buôn" chuyện về khu dự án sẽ mọc trên đất của họ.
Hầu hết dân trong vùng đều là những người ở các huyện vùng dưới của tỉnh Hà Tây (cũ) lên khai hoang như Phúc Thọ, Chương Mỹ, Hoài Đức, nên từng tấc đất họ thửa ra đối với họ là một kho báu.
Dự án này có hai giai đoạn: Giai đoạn 1: diện tích khoảng 158,3ha gồm hầu hết các đảo trong lòng hồ Suối Hai hiện do Công ty Khai thác thủy lợi Ba Vì quản lý, mục tiêu đầu tư một sân golf 18 lỗ và nhà nghỉ dưỡng, câu lạc bộ, biệt thự cao cấp; giai đoạn 2 khoảng 1.046ha gồm 291ha đất trại gà, 68ha đất Trại tinh bò giống Mondaca (tổng cộng 359ha đất trại gà, bò giống) và mặt nước hồ Suối Hai, cũng dự tính xây một sân golf 18 lỗ cùng khách sạn, biệt thự, khu vui chơi giải trí.
Vì địa hình của huyện Ba Vì và cụ thể là ba xã nói trên có diện tích đất đồi chiếm đa phần nên rất phù hợp cho bà con nông dân canh tác và trồng các loại cây lâu năm, đầu tư dài hạn. Nhiều người nghe thông tin trên lại phân vân không biết có nên tiếp tục đầu tư sản xuất hay không.
Bà Định Thị Lụa, xóm 6, thôn cầu Rồng, xã Ba Trại than thở: “Tôi có mấy sào đất với ít đất rừng đang muốn đầu tư cho cây nhưng không biết ông dự án đến lấy khi nào. Nhỡ mình đầu tư rồi họ mới lấy thì tiếc công sức lắm”.
Ông Nguyễn Duy Đức, xóm 6, thôn Cầu Rồng xã Ba Trại, chia sẻ: “Nhà tôi thì đất nhiều nhưng vì có hai vợ chồng già nên cho con cái làm hết. Cả nhà từ trước đến nay làm chè, và thu mua chè. Bây giờ mà chuyển đi cũng mệt. Làm sao mà vực lại được, nhất là những chỗ đất trồng cây lâu năm”.
Những người dân đang tập trung chăn bò ven lòng hồ Suối Hai cũng rối tung trước thông tin xã có ‘khu du lịch”. Ông Trần Văn Tạo than: “Đàn bò là nguồn thu nhập lớn của gia đình tôi và là tiền cho các cháu ăn học dưới Hà Nội. Mất chỗ chăn thả, chúng tôi biết lấy gì để các con ăn học đây?”. Nhà ông Tạo có hai người con đang theo học Đại học và đó là niềm tự hào, niềm hi vọng đổi đời duy nhất của vợ chồng ông.
Ông Tạo ứa nước mắt nói: “Bán 1 con bò thời điểm đắt cũng có 5- 7 triệu rồi. Như thế là đã có một khoản cho các cháu đến trường vì trông vào mấy sào ruộng không thể đủ được. Gạo thì đủ ăn thôi chứ đâu có bán”. Ông Tạo chỉ về phía bãi bồi của lòng hồ Suối Hai, nơi trồng hoa màu của gia đình ông
"Mất" hồ Suối Hai, Ba Vì còn gì?
Ông Nguyễn Công Đức, cán bộ Phòng TN-MT huyện Ba Vì đã trình bày khá tỉ mỉ với PV VietNamNet về nguồn lợi từ hồ Suối Hai mang lại cho toàn huyện Ba Vì.
Ông Đức tâm sự: “Tôi đã làm việc ở huyện Ba Vì hơn hai chục năm. Từ ngày chưa có đập nước sông Đà, nông nghiệp của huyện chỉ biết phụ thuộc nguồn nước từ lòng hồ Suối Hai. Đến năm 1990 thì hồ Suối Hai chỉ gánh 30% nguồn cung cấp nước, nhưng khi đập nước Sông Đà có sự cố thì người dân vẫn phải trông chờ vào chính lòng hồ này”.
Theo lời ông Đức, việc đầu tư sân golf 18 lỗ ở giai đoạn 1 như quyết định của UBND thành phố Hà Nội cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình môi sinh của hồ. Ông Đức nhận định: “Việc ô nhiễm môi trường từ sân golf là điều không thể tránh khỏi. Ô nhiễm nguồn nước sẽ làm cho sinh thái của cả vùng thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con”. Đánh cá trên lòng hồ Suối Hai
Trên thực tế, lâu nay, người dân ở những vùng ven hồ phải thường xuyên sống nhờ vào nguồn lợi từ hồ đem lại. Họ phải mua vé để vào đánh bắt thủy sản trong hồ. Mỗi người phải nộp vé 600 nghìn/ tháng.
Anh Trịnh Bá Cường, một người dân tại xã Ba Trại cho biết: “Cá ở đây vừa béo vừa ngon, lại nhiều. Mỗi ngày đi đánh cá, tôi thu được 200 nghìn đồng. Rất nhiều người ở xã tôi làm nghề này. Chắc sắp tới không còn nghề, anh em phải đi đội gạch, trộn hồ ngoài Hà Nội kiếm sống”.
Bên cạnh đó, khoảng từ tháng 6 đến tháng 3 hàng năm, khi nước hồ Suối Hai rút đi thì người dân ven hồ lại canh tác hoa màu ở lòng hồ. Với diện tích 950ha, người dân nơi đây xem lòng hồ là nguồn thu chính của gia đình mình ngoài việc trồng lúa và chăn nuôi.
“Ở đâu âu đấy”
“Ở đâu thì âu đấy”, ông Tập bồi hồi nhớ lại chuyện những ngày mới lên Tản Lĩnh khai hoang. Ông kể: “Ngày đó tôi còn ít tuổi, còn trai tráng nên phát cỏ phát hoang khỏe nhưng cũng mệt lắm. Vì vậy có được mảnh đất là mình yêu mình quý nó lắm. Công sức bao nhiêu năm của mình mà...”.
Ông Trần Văn Tạo giọng trầm buồn nói: “Quê tôi ở mãi Phúc Thọ. Nhà nghèo lại đông anh em nên tản mác mỗi người mỗi ngả kiếm ăn vì ở quê đất cũng ít. Rồi lên đến đây, mảnh đất nó giữ mình lại. Bây giờ mà chuyển đi thì...”. Nói đoạn, ông Tạo vơ cái roi thất thểu ra đuổi bò không vào ăn “vụng” cỏ của Trại giống tinh bò đực Moncada. Mất chỗ chăn thả bò là nỗi lo của nhiều hộ.
Ông Nguyễn Công Đức cũng xác nhận: “Người dân gắn bó lâu rồi bây giờ mà bảo dân chuyển đi thì e chưa hợp với lòng dân. Sao không làm trường Đại học, phát triển giáo dục cho con cái họ được nhờ mà lại làm du lịch. Làm du lịch cũng phải phù hợp với vùng với miền, dân ở đây còn nghèo, dân trí thấp làm du lịch rất khó”.
Đưa chúng tôi ra gần bờ Suối Hai chỉ bãi sông mà ông cùng vợ và các con ra trồng rau khi mùa nước cạn, ông Tạo thở dài đánh thượt: “Rồi nếu mà rời đi thì cũng nhớ cãi bãi này lắm. Hi vọng, nhà nước không cho làm sân golf”.
-
Thu Hà - Văn Chung
No comments:
Post a Comment