Việt Nam đang có kế hoạch mua lúa của nông dân với giá tối thiểu, để bảo đảm thu nhập của người trồng lúa.
Chính phủ muốn công ty lương thực tại các tỉnh giữ giá 3.800 đồng một ký lúa để bù đắp chi phí sản xuất cho nông dân.
Đề nghị này nhằm giúp giá lúa không bị suy giảm quá mức trong thời kỳ thu hoạch.
Kế hoạch này dự tính sẽ thực hiện trong tháng Tám, với 21 doanh nghiệp tham gia. Với giá thu mua khoảng 3.800 đồng một cân lúa, Hiệp hội cho rằng nông dân đã có lãi khoảng 30 phần trăm.
Tại tỉnh Sóc Trăng, dù công ty lương thực tỉnh đang lên kế hoạch mua tới 20.000 tấn lúa, giá thóc ở ngoài thị trường chỉ ở mức trung bình.
Tuy không rẻ rúng, nhưng người trồng lúa không lời được bao nhiêu. Nông dân Phùng Văn Châu từ huyện Tịnh Trị, Sóc Trăng, cho rằng đến lúc thu hoạch đại trà có thể giá lúa còn giảm xuống nữa.
Giá lúa năm nay khoảng 2.800 đồng một ký. Như hiện nay cũng có lời, nhưng lời ít lắm
Phùng Văn Châu - Nông dân
“Giá lúa năm nay khoảng 2.800 đồng một ký. Như hiện nay cũng có lời, nhưng lời ít lắm. Một hécta, nếu trúng vụ, thu lời khoảng 2.5 triệu đồng. Nếu mà thu hoạch rộ giá lúa sẽ bị giảm liền. Vô vụ là giá lúa bắt đầu sụt.”
Chưa đạt hiệu ứng
Một nông dân khác cho rằng chương trình can thiệp của chính phủ chỉ mang tính chất bình ổn giá lúa, chứ chưa kích giá lên.
Theo Hiệp hội Lương thực, chính sách mua lúa để bình ổn giá sẽ được thông báo rộng rãi, công khai tại các điểm mua và trên phương tiện truyền thông để các hộ nông dân sản xuất lúa biết, qua đó họ thể kiểm soát lại hoạt động thu mua của doanh nghiệp.
Tuy nhiên báo trong nước tỏ ra hoài nghi về cách thu mua này. Bản tin của đài truyền hình Việt Nam nói đến sự thiệt thòi của nông dân khi bán lúa, với giá thấp hơn nhiều so với cam kết 3.800 đồng một ký lô của chính phủ.
Phần lớn nông dân bán lúa cho thương lái, tin của VTV cho hay. Thương lái bán cho nhà máy xay xát. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo mua nguyên liệu từ các nhà máy này.
Các khâu trung gian này ăn hết lợi nhuận của nguời trồng lúa, và thực tế ít hộ đạt được giá bán như Hiệp hội Lương thực đề nghị.
Thời gian tới, sẽ có thêm thu hoạch vụ hè thu, và nhiều gia đình cần bán lúa. Chuyên gia dự đoán giá lúa sẽ còn giảm. Ứớc mơ đạt được 30 phần trăm lợi nhuận trên mỗi ký lúa của nhà nông rất khó thực hiện.
Đã vậy tiền đầu tư cho mỗi ha lúa không hề giảm. Vẫn các chi phí về giống, phân, thuốc, nông dân phải bỏ ra như mọi năm. Nông gia Châu Văn Tuấn muốn thấy nhà nước can thiệp mạnh hơn để đẩy giá lúa lên.
“Sử dụng nông nghiệp năm nay đầu tư vô nặng, phân thuốc lên cao mà cái giá này quá thấp thì nông dân không chắc ổn định cuộc sống. Thấy năm nay yêu cầu nhà nước tạo điều kiện làm sao cho giá lúa nó tăng bổng lên thì nông dân mới phấn khởi được.”
Có thể chính phủ tìm sẽ cách giúp nông dân, nhưng cuối cùng giá lúa của ông Châu Văn Tuấn lại phụ thuộc thị trường xuất khẩu.
Hiện nay giá gạo thế giới đang giảm, lượng gạo tồn kho nhiều, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo kinh doanh chậm lại. Họ chưa hào hứng mua thêm lúa dự trữ. Do vậy giá lúa chỉ ở mức vừa phải, hoặc ‘lời rất ít,’ như một nông dân thừa nhận.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam kêu gọi các công ty xuất khẩu gạo tìm thêm thị trường xuất khẩu, tạo đầu ra cho lúa gạo trong nước. Hiệp hội cũng cảnh báo tình trạng tranh mua, tranh bán làm giảm giá một cách không cần thiết.
No comments:
Post a Comment