>> Chuyện khó tin ở một vùng quê
>> Cưỡng ép làm từ thiện và án phạt “chuồng tiêu”
>> Không nộp đủ thì xã… “cấm cửa”
Dân vẫn… khổ đau
Theo sự chỉ đường của người dân, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Tân Lộc để nghe anh bày bỏ nỗi uất ức về việc không được chính quyền xã xác nhận, đóng dấu vào hồ sơ xin vay vốn để chăn nuôi lợn tại Ngân hàng NN&PTNT Hậu Lộc vì chưa nộp đủ các khoản đóng góp cho xã.
Trong căn nhà tuềnh toàng, chẳng có tài sản gì giá trị ngoài bộ bàn ghế cũ và chiếc tủ đơn sơ, anh Hùng bức xúc kể: “Ngày 10/7 vừa rồi, tôi mang hồ sơ vay vốn ngân hàng lên UBND xã để xin dấu, ông Hùng là Chánh văn phòng UBND xã đã khước từ xác nhận vào hồ sơ nếu gia đình tôi không đóng ngay số tiền 183.000 đồng cho các khoản gồm quỹ thôn, quỹ người nghèo…”
Tương tự gia đình anh Hùng, chị Nguyễn Thị Xù có chồng là Hoàng Văn Xoan ở thôn Lạch Trường than thở khi mất 15 ngàn đồng tiền phí đóng cho “quan giữ triện” để được xác nhận vào hồ sơ đi lao động nước ngoài cho người nhà. Trước đó, nhà chị Xù đã phải chạy đôn chạy đáo để lo đủ hơn 226 ngàn đồng nộp lệ phí mà xã lên danh mục 7 khoản thu gồm: 1 thuế đất ở, 5 loại quỹ và gần 20 ngàn đồng tiền nợ từ năm trước.
“Không chỉ mình gia đình tôi, mà những ai đi xin dấu xác nhận để đi lao động nước ngoài hay mục đích gì đều phải đóng đủ các khoản cho xã giao mới được giao dịch. Điều lạ là khi nộp hơn 200 ngàn tiền đóng góp các loại, tôi hỏi xin hóa đơn thì ông Bí thư thôn Lệch Trường nói rằng nộp đủ là được, không cần hóa đơn?!”
6 tuổi phải đóng quỹ
Tại thôn Thắng Hùng, chúng tôi gặp nhiều người lớn tuổi trong thôn than vãn về chuyện bắt trẻ con góp tiền vào quỹ phụng dưỡng để nuôi các cụ già. Nhiều cụ lớn tuổi phàn nàn về sự vô lý của quỹ này, đó là yêu cầu đóng theo khẩu để phụng dưỡng người già, hộ có con hay cháu nhỏ không làm ra tiền cũng tính khẩu, đổ đầu bắt phải đóng quỹ.
Đem những bức xúc của người dân về việc xã ép dân phải đóng đủ các khoản thu (gồm có 2 loại thuế nghĩa vụ và 5 loại quỹ vận động) mới được xác nhận và giao dịch hành chính với UBND xã. Bà Trịnh Thị Huyên - Chủ tịch UBND xã Hải Lộc phân bua rằng, chuyện đóng góp là do các thôn chịu trách nhiệm, trừ các khoản thu theo quy định nhà nước, các khoản còn lại là vận động và cho biết sẽ cho kiểm tra lại những trường hợp mà chúng tôi nêu.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Ấp - Chủ tịch huyện Hậu Lộc khẳng định: “Cán bộ xã không có quyền quyết định việc không cho dân giao dịch hành chính. Chúng tôi sẽ có kiểm tra để xử lý sự việc này… Hiện chúng tôi đang chuẩn bị hoàn tất kết quả xử lý những vi phạm của cán bộ xã Hải Lộc sau khi có kiểm điểm từ địa phương gửi lên”.
Liên quan đến những sai phạm của nhiều cán bộ xã Hải Lộc mà báo chí phản ánh, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Thanh Hóa làm rõ và báo cáo Thủ tướng. UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra và đã có kết luận. Theo đó, chính quyền xã Hải Lộc đã vi phạm khi đặt ra những khoản huy động đóng góp của nhân dân và đề ra một số khoản phạt không đúng quy định. Có cả chuyện thu giữ 10 triệu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng của bà Nguyễn Thị Sánh; chuyện vi phạm cưỡng chế thu giữ tài sản của nhiều hộ dân trong xã; chuyện vi phạm cắt điện sinh hoạt khi người dân không hoàn thành các khoản đóng góp… |
No comments:
Post a Comment