TT - Đứng trên cầu Mỹ Thuận tráng lệ nhìn về bờ phải hạ lưu sông Tiền, thấy một xóm những căn nhà lụp xụp. Đó là nơi cư ngụ của những người thuộc diện di dân để giao đất cho Khu công nghiệp Bắc Mỹ Thuận. Khu công nghiệp đâu chưa thấy, còn họ vất vưởng mười năm nay...
Vợ chồng bà Bé Ba và ông Mão trong ngôi nhà trống hoác - Ảnh: D.T.H. |
“Lỗi cũng bởi chúng tôi - ông Dương Thái Dũng, một cư dân trong xóm, giải thích về câu chuyện cách đây mười năm - Lúc đó tụi tôi được xã kêu lên nhận tiền đền bù giải tỏa. Nếu nhận nền đất thì phải xây nhà. Còn không thì nhận tiền, 17 triệu đồng - xã ra điều kiện như vậy. Chín hộ dân chúng tôi nghèo túng quá, nhận nền thì lấy đâu ra tiền làm nhà. Nghĩ vậy nên đồng loạt nhận tiền, tính bám lại đây có cái nghề câu lưới làm ăn đắp đổi qua ngày”. Và đó cũng là khởi đầu của những ngày khổ ải triền miên.
Gió vô nhà trống
Số tiền đền bù ít ỏi chẳng những không mua được chỗ ở mới mà còn đội nón ra đi theo những tháng ngày thiếu ăn. Vậy là ước mơ mua đất tan như bọt nước sông Tiền. “Tụi tui không trách cứ gì Nhà nước hết, bởi vì về lý cũng đã tính phải quấy với người dân hết rồi. Tiền đã nhận, chỗ ở cũng đã bố trí, chẳng qua tại tụi tui dốt tính mà thôi” - ông Dũng tự trách mình như vậy.
Để có chỗ ở, họ dựng tạm mái nhà bằng những tấm lá cũ trên những cây cột gỗ tạp lỏng khỏng. Nhà nào cũng vá chằng vá đụp tôn xen lẫn lá, tấm nilông hoặc biển quảng cáo lượm được ở bãi rác. Có căn còn không có vách. Đó là nhà của ông Nguyễn Văn Mão và bà Nguyễn Thị Bé Ba. Mặt nhà hướng thẳng sông Tiền, ở ngay doi đất thoi loi trống lốc không có gì che chắn, đứng nói chuyện mà gió thổi hắt vô, người muốn ngả ra sau. “Nhưng nó không sập, gió vào cửa trước ra cửa sau. Chỉ sợ mưa thôi” - ông Mão nói. Nhà ông Dương Văn Thọ kế bên cũng không có vách. Mái lá trong buồng rách bươm thấy cả trời xanh lồng lộng.
Cả xóm có nguồn nước duy nhất sử dụng là... nước trời. Trời mưa thì hứng để dành xài, trời nắng thì múc dưới sông. Nhà nào cũng bắc một cây cầu thò ra mép rạch làm bến để tắm rửa, giặt giũ. Nguồn nước nấu ăn và thải ra cũng đều chung một chỗ. Nhà nào cũng có “cầu tõm” phía sau, nguồn nước cũng chung với con rạch nhỏ dẫn ra sông.
Đó là những ngày khô ráo, còn mùa mưa dông bão thì vất vả trăm bề. Bà Nguyễn Thị Hương, một người trong xóm, chỉ tôi coi vệt nước màu xám còn hằn trên bức vách trong nhà: “Tới mùa mưa lũ là nước lên cao tới lưng quần, chỉ có cách kê giường lên cao rồi ngồi đó chịu trận. Mười năm qua tụi tui chịu đủ mười lần nước ngập như vậy. Sống giữa TP Vĩnh Long mà y như trong vùng lũ Đồng Tháp Mười. Khổ nhất là những đêm mưa bấc, dông gió ầm ì. Có năm dông thổi sập hết bốn căn, năm căn còn lại đều xiêu vẹo. May mà không ai bị cây đè hoặc nước cuốn”.
Bà Hương kể mấy năm trước xóm này còn có cây xoài, bụi chuối che chở cản bớt dông gió. Bây giờ xoài, chuối bị đốn hết để giao đất sạch cho nhà đầu tư nên trống hoác.
Bươi quào mà sống
Ngồi trong căn nhà không vách của mình, ông Mão cứ nhìn mông lung ra ngoài sông Tiền. Ông tiếc những ngày còn sức giăng lưới thả câu, ngày nào cũng có vài ký cá lòng tong hoặc cá linh. Bữa trúng đậm thì dính con cá bông lau, cá ngác kiếm được vài chục tới cả trăm ngàn đồng. Nhưng giờ đây sức cùng lực kiệt, ông đã ngoài 60 lại thêm mắt bị cườm nên đành gác lưới.
Hiện giờ ông chỉ sống nhờ vào mấy đứa con lớn mỗi ngày cung cấp vài ba lon gạo. Nhưng con ông câu lưới bữa có bữa không. Có đứa chạy xe ôm kiếm thêm, ế khách là chuyện thường ngày. Vợ ông cũng tuổi cao sức yếu, ngày ngày làm nghề cắt (đầu) cá cơm cho cơ sở chế biến. Mà cá thì bữa trúng bữa thất nên không được bao nhiêu tiền. Thành ra vợ chồng bữa đói bữa no.
Ở nhà kế bên, hộ ông Dũng cũng không khá gì hơn. Nhà ông có bốn đứa con, tất cả đều theo nghề câu lưới. Ở đây xa cách trường, cả bốn con ông đều nghỉ học, đứa học cao nhất là lớp 4.
Ông Dũng kể mười năm trước còn cá nhiều, vợ chồng ông chỉ một chiếc ghe đủ nuôi cả bốn. Nay cá mắm hiếm hoi nên các con phải làm thêm nghề cắt cá, ủ mắm mà vẫn không đủ sống. Đã vậy, tháng trước đang giăng lưới thì bị sà lan chạy qua cuốn đứt giàn lưới chỉ còn cái viền. Ông phải vay bạc tám phân sắm giàn lưới khác. Bây giờ nợ lại chồng lãi, vừa chạy gạo vừa lo trả nợ. Tuần rồi không có tiền trả lãi, chủ nợ tới đòi chửi bới um sùm. Cũng như ông Mão, ông Dũng không còn chỗ nào để di dời. “Cha mẹ tui ở An Hiệp (Đồng Tháp) cũng nghèo rớt mồng tơi. Long đong xuống đây lây lất cả chục năm nay tính kiếm cục đất an cư. Mà có an cư được đâu” - ông Dũng thở dài nẫu ruột.
Trời đổ mưa nặng hạt. Cả ông Mão, ông Thọ đều đưa mắt nhìn xa xăm ra khu đất trống đã giải tỏa sạch. Ông Mão thì thầm: “Mười năm trước người ta hứa sẽ đào tạo nghề rồi bố trí việc làm cho dân di dời. Mấy ổng còn nói rồi đây nhà máy, xí nghiệp mọc lên, bà con tha hồ có công ăn việc làm. Đi làm công nhân thu nhập cao, cuộc sống ổn định. Chờ hoài tới nay đã mười năm trôi qua mà có thấy gì đâu. Nói như gió thổi vô nhà trống vậy”.
Những người dân ở đây không ta thán ai, chỉ tự trách mình và chờ ngày khu công nghiệp mọc lên như lời hứa để con em họ có công ăn việc làm. Nhưng cũng khó, những đứa nhỏ con nhà nghèo ở đây có đứa nào qua hết lớp 5 đâu...
DƯƠNG THẾ HÙNG
Khó mời gọi nhà đầu tư Vùng đất trống này đã giải tỏa sạch để giao cho các nhà đầu tư thuộc Khu công nghiệp Bắc Mỹ Thuận (xã Tân Ngãi, TP Vĩnh Long). Hàng trăm hộ dân được di dời. Nhưng mười năm nay, khu đất được chọn này vẫn chưa hiện hình là một khu công nghiệp, đang khó khăn gọi nhà đầu tư. |
No comments:
Post a Comment