Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2009-08-20
Hôm 18 tháng 8 vừa qua Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến Tây nguyên để thị sát các khu vực có công trình khai thác mỏ bauxite đang được sự quan tâm rộng lớn của dư luận.
Thủ Tướng Dũng cũng khẳng định rằng những dự án này sẽ được đưa vào hoạt động vào năm tới theo như kế hoạch. Ông Dũng cũng tuyên bố rằng nếu dự án ở Tân Rai Lâm Đồng triển khai tốt, hiệu quả, đảm bảo đúng các yêu cầu đã được phê duyệt về kinh tế, môi trường... thì Việt Nam sẽ mở rộng việc xây dựng những nhà máy alumin khác.
Mặc Lâm có bài viết về vấn đề này sau đây mời quý vị theo dõi.
Sau nhiều phiên hội thảo về vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên, chính phủ cho biết là sẽ theo dõi tiến độ thi công một cách chặt chẽ của nhà thầu Trung Quốc là Chalieco, nhằm tránh những tác động xấu có thể gây nguy hại cho môi trường. Động thái mới đây nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đích thân lên Tây Nguyên thị sát các công trình đang thi công và ông yêu cầu đưa các nhà máy khai thác vào hoạt động vào cuối tháng 10 năm tới.
Trấn an nhân dân
Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi một trong ba người đứng ra vận động chữ ký đã cho biết cảm tưởng của ông về việc này như sau:
“Lập trường của chúng tôi, cuả những người ký vào bản kiến nghị không thay đổi. Chúng tôi nghĩ đây là một cách ông thủ tướng muốn trấn an dân.”
Tôi nghĩ cách Trung Quốc chiếm Việt Nam không tốn một viên đạn là khống chế được Tây Nguyên.
Giáo sư TS Nguyễn Thế Hùng
Trước khi Thủ tướng Dũng có chuyến thị sát Tây Nguyên dư luận vẫn tiếp tục chống đối dự án này. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cho chính phủ bức thư thứ ba nhắc nhở rằng việc khai thác bauxite Tây nguyên sẽ gây tác hại về lĩnh vực quốc phòng. Giáo sư TS Nguyễn Thế Hùng, người cùng với GS Huệ Chi vận động chữ ký trong bản kiến nghị có ý kiến về vấn đề này như sau:
“Tây nguyên là cái vùng rất nhạy cảm. Trước đây đã thành lập cái nhà nước Degar rồi. Bây giờ họ vào đó họ dùng tiền để mua dân tộc thiểu số. Kết hợp với Campuchia là nước rất ghét Việt nam. Tôi nghĩ cách Trung Quốc chiếm Việt Nam không tốn một viên đạn là khống chế được Tây Nguyên.”
Tâm thư của các nhà cách mạng lão thành với cái tựa: “Vì sự nghiệp bảo vệ độc lập và quyền dân chủ của nhân dân, vì sự còn mất của Đảng và chế độ” đã tập trung nhiều chữ ký gửi lên cho các cấp lãnh đạo cao nhất. Bức tâm thư này cũng cùng nội dung chống lại việc khai thác Bauxite do những tướng lãnh, nhà cách mạng lão thành với hơn 60 tuổi đảng gửi đi. Chúng tôi hỏi ông Nguyễn Văn Bé, người ký tên trong bức tâm thư này về kết quả của bức thư được ông cho biết:
“Họ đã nhận được rồi nhưng không thấy trả lời.”
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, một nhà ngoại giao từng nhiều năm làm đại sứ tại Bắc Kinh cho chúng tôi biết ông cũng đã nhiều lần gửi thư cho Ban Bí thư trung ương đảng nhưng kết quả cũng không khác gì, ông nói:
“Tôi đã gửi cho bộ chính trị, cho quốc hội rồi...đến đại tướng Võ Nguyên Giáo cũng chả được hồi âm nữa là tôi...”
Tìm sự đồng thuận của Quốc Hội
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho rằng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố phải thực hiện nghiêm túc việc khai thác bauxite chỉ là một lý thuyết mà thôi:
Chúng tôi mong rằng trước khi thủ tướng đi thị sát thì ông phải nói với quốc dân rằng vấn đề này đã được quốc hội thông qua.
GS Nguyễn Huệ Chi
“Sự thực thì có giải quyết được như ông ấy nói không còn là một vấn đề khác. Hai công trình đường ngầm Kim Liên và Thủ Thiêm còn sờ sờ đấy.”
GS Huệ Chi cho rằng sự đồng thuận toàn dân mà chủ tịch Quốc Hội tuyên bố trước đây thật ra không có giá trị gì vì thiếu sự biểu quyết công khai của Quốc Hội và do đó Thủ tướng Dũng phải tìm sự đồng thuận của Quốc Hội trước khi ban hành quyết định cho khai thác bauxite tại Tây Nguyên:
“Cái lời của ông Nguyễn Phú Trọng nói là đồng thuận nhưng đâu có biểu quyết của hơn 400 đại biểu.”
Và cuối cùng thì GS Nguyễn Huệ Chi vẫn cương quyết cho rằng dự án này hoàn toàn sai lầm nếu chưa được sự đồng thuận của quốc hội:
“Chúng tôi mong rằng trước khi thủ tướng đi thị sát thì ông phải nói với quốc dân rằng vấn đề này đã được quốc hội thông qua.”
Trong những ngày tới chắc chắn sẽ còn nhiều kiến nghị chống đối từ các đoàn thể cách mạng mặc cho những kiến nghị đó có được trả lời hay không. Với người dân bình thường thì việc bauxite Tây Nguyên vượt quá lo toan của họ, nhưng với những người đã từng đổ máu cho đất nước thì họ sẽ không dễ dàng buông xuôi cho số phận của dân tộc vào tay một nhóm nhỏ đang tiếp tục hành xử theo quyền lợi mà dư luận vẫn cho là khuất tất.
No comments:
Post a Comment