Thiện Giao, thông tín viên RFA
2009-08-19
Giữa năm ngoái, phóng viên của hai tờ báo lớn nhất Việt Nam là Thanh Niên và Tuổi Trẻ, bị cơ quan an ninh bắt vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.”
Hai phóng viên này vốn được xem như đi đầu trong quá trình đưa tin phanh phui vụ tham nhũng tại PMU 18.
Mới đây, hai phóng viên khác, cũng của Tuổi Trẻ, lại bị rút thẻ nhà báo sau một thời gian đưa tin về vụ một nhân vật dùng “700 ngàn Mỹ kim bôi trơn,” liên quan đến một số cán bộ của tỉnh Khánh Hòa và Trung Ương.
Trong cả hai sự kiện vừa đề cập, phía “bị nạn” đều là nhà báo, và vụ việc đều trực tiếp liên quan đến các quan chức chính quyền.
“Treo thẻ”…
Liên hệ “nhân quả” khá rõ nét ấy khiến dư luận đặt câu hỏi: phải chăng, phanh phui tham nhũng đang là một trong những lãnh vực rủi ro nhất cho giới phóng viên Việt Nam?
Trong bài viết “Treo Thẻ,” đăng trên blog Osin, nhà báo Huy Ðức mở đầu:
“Ngày 15-8, báo Khánh Hòa Chủ Nhật giật tít to trên trang nhất “Thu Hồi Thẻ Nhà Báo Trưởng Văn Phòng Ðại Diện Báo Tuổi Trẻ Tại Nha Trang.” Có thể nghe được âm thanh phía sau những dòng chữ ấy. Trong vụ án Nguyễn Ðức Chi, Phan Sông Ngân, là “cái gai” cuối cùng ở Khánh Hòa.”
Sở dĩ nhà báo này bị “rút thẻ” là do Tỉnh “đề nghị Bộ” vì Ban Thường vụ Tỉnh ủy “không đồng ý” với mức kỷ luật mà báo Tuổi Trẻ áp dụng với Phan Sông Ngân và Võ Hồng Quỳnh: cách chức; treo bút 6 tháng.
blog Osin
Và đoạn tiếp theo:
“Sở dĩ nhà báo này bị “rút thẻ,” theo tin của Khánh Hòa Chủ Nhật, là do Tỉnh “đề nghị Bộ” vì Ban Thường vụ Tỉnh ủy “không đồng ý” với mức kỷ luật mà báo Tuổi Trẻ áp dụng với Phan Sông Ngân và Võ Hồng Quỳnh: cách chức; treo bút 6 tháng và điều Phan Sông Ngân về tòa soạn Sài Gòn.”
Cả hai vụ, PMU 18 và Nguyễn Ðức Chi, đều đặt ra rất nhiều câu hỏi, liên quan đến rất nhiều khía cạnh: Các phóng viên đã tác nghiệp ra sao? Hệ thống tư pháp độc lập như thế nào? Và, mức độ “miễn nhiễm” của giới cán bộ đối với luật pháp cao đến đâu?
Lúc vụ án PMU 18 lên đến cao điểm, một Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao đã từng phát biểu về hoàn cảnh và quyết định bắt tạm giam, điều tra thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, rằng “...Vì sao lại chọn ông Tiến, ngoài vấn đề có tính chất rất vô tư khách quan, còn chuyện đằng sau nữa không thì tôi không rõ.”
Nay, đến vụ Nguyễn Ðức Chi, thì theo lời blogger Osin, trích dẫn một Phó Văn Phòng Tỉnh Ủy Khánh Hòa viết trong một bài báo, là “...vụ án xảy ra trong thời điểm chuẩn bị Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 15, nên đã tạo dư luận xấu, gây sự hoang mang, hoài nghi…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh chính trị của không ít cán bộ, trong đó có cán bộ chủ chốt của tỉnh.”
Bài học từ ‘lề phải’
Cả hai vụ, ở hai thời điểm và địa phương khác nhau, có một điểm tương đồng: Nhà báo phanh phui tham nhũng mắc nạn vì những chuyện đằng sau “không rõ” và làm ảnh hưởng đến “sinh mệnh chính trị” của cán bộ.
Phải chăng, những chuyện “không rõ” cùng “sinh mệnh chính trị” của cán bộ đã và đang chi phối hệ thống tư pháp Việt Nam?
Nhớ lại, hồi giữa năm ngoái, một nhà báo tại Việt Nam, là ông Bùi Chí Vinh, đã tỏ ra hờ hững, như một phần dư luận lúc ấy, trước những gì đang xảy ra cho giới phóng viên viết về tham nhũng tại Việt Nam. Khi nói về vụ bắt tạm giam hai phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến, ông Vinh nhận định, rằng “nhân dân không tham gia,” vì đó là “chuyện xử lý nội bộ của nhà nước.”
“Báo Tuổi Trẻ, từ lãnh đạo đến phóng viên đều là công chức nhà nước. Ðây là chuyện của nhà nước. Do đó đến việc xử án cũng là chuyện riêng của nhà nước. Nhân dân không tham gia vụ xử vụ án đó.”
Họ là công chức nhà nước, nên đây là chuyện xử lý nội bộ của nhà nước. Những phóng viên đó đều là đảng viên. Về mặt Ðảng, họ làm gì sai thì Ðảng biết và Ðảng xử lý.
Ô. Bùi Chí Vinh
“Họ là công chức nhà nước, nên đây là chuyện xử lý nội bộ của nhà nước. Những phóng viên đó đều là đảng viên. Về mặt Ðảng, họ làm gì sai thì Ðảng biết và Ðảng xử lý.”
Một vấn đề khác, thường xảy ra trong các vụ án tham nhũng tại Việt Nam, là việc báo chí “định tội” các nghi phạm ngay cả trước khi tòa án ra phán quyết.
Một thời gian dài, trước cả khi thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến bị bắt, nhiều tờ báo đã khai thác đời tư của ông, mô tả ông như một tội phạm. Sau hai năm điều tra, nguyên thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến được tuyên bố gần như trắng án. Và chỉ hai tháng sau, ông được khôi phục Ðảng tịch, một dấu hiệu cho thấy nhân vật này có đủ tư cách trở lại với tất cả quyền lực đã có trước khi bị bắt.
Vụ Nguyễn Ðức Chi thì sao? Theo tác giả Osin, báo chí Việt Nam đã không may mắn có được những nguồn tin muốn phanh phui sự thật. Tác giả viết:
“...Trước thời điểm Ðại hội, “sinh mệnh chính trị của một số cán bộ chủ chốt” có lẽ đã được nhắm tới, nên có những thông tin có thể đã được “dựng lên,” có thể đã bị “thổi phồng.” Còn báo chí thì, không cần có những điều tra riêng, nhiều tờ báo đã nhanh chóng gọi Nguyễn Ðức Chi là “Siêu Lừa” ngay sau khi ông vừa bị công an bắt.
Trong vụ án Nguyễn Ðức Chi ít ai chú ý tới một sự kiện quan trọng được công bố trên báo chí: Ngày 22-4-2005, Phó thủ tướng Vũ Khoan, Bí thư TW Ðảng, sau khi nghe báo cáo về “những hành vi phạm tội của Nguyễn Ðức Chi,” đã kết luận, “Nguyễn Ðức Chi lừa đảo chiếm tài sản là đã rõ. Tôi đồng ý với đề xuất của Bộ Công an…””
Tác giả Huy Ðức kết luận:
“Cũng như báo chí, ông Phó Thủ tướng đã phạm sai lầm chết người khi chỉ mới nghe “báo cáo của công an” đã gọi Nguyễn Ðức Chi là “lừa đảo.””
Vai trò của báo chí?
Từ một cách tiếp cận khác, các vụ án liên quan đến tham nhũng, như PMU 18 và Nguyễn Ðức Chi, cần được nhìn từ khía cạnh “báo chí đóng vai trò công cụ.”
Công việc chuẩn bị Ðại hội lại đang được bắt đầu. “Thẻ nhà báo” của Võ Hồng Quỳnh và Phan Sông Ngân bị “treo” bởi một sự kiện xảy ra cách đây 4 năm, nghĩ, thật đáng buồn. Nhưng, các nhà báo cũng từ đấy mà nên nhận ra một bài học mới vừa được treo lên ở bên lề phải.
blog Osin
Một nhà báo tại Việt Nam từng nhận định với Đài chúng tôi, rằng nguồn tin tại Việt Nam, trong nhiều trường hợp, sử dụng báo chí như một công cụ. Nhà báo này nói, rằng “Vụ bắt 2 phóng viên Hải và Chiến cho thấy, thông tin do cơ quan điều tra, có thể ở vị trí rất cao, rất chuyên nghiệp là Cục Cảnh Sát Ðiều Tra, tung ra, vẫn có thể là tin giả. Tin giả là để tạo dư luận áp lực lên các bộ phận khác của nhà nước.”
Vấn đề đặt ra cho tất cả các vụ án tham nhũng tại Việt Nam là: liệu Việt Nam có được một hệ thống tư pháp đủ độc lập để bảo đảm không ai, dù ở bất kỳ vị trí chính trị nào, đứng trên luật pháp hay không?
Tác giả Huy Ðức nói rất rõ điều này trong các đoạn sau cùng của bài viết:
“...Ngay cả ở những thể chế chính trị như Việt Nam thì về danh nghĩa các cơ quan tố tụng cũng được xác định là “độc lập, chỉ tuân theo pháp luật”. Nếu quyết tâm chống tham nhũng thì hãy để cho một điều tra viên có thể khởi tố, ngay cả một ủy viên Bộ Chính trị, nếu điều tra viên này có trong tay bằng chứng.
Viện kiểm sát sẽ đóng vai trò giám sát để quyết định có phê chuẩn các bước tố tụng của điều tra viên hay không. Và tòa án sẽ là nơi cuối cùng phán quyết một người có tội hay không có tội.”
Xin nhắc lại một chi tiết đã được đề cập, trong vụ PMU 18, một Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao từng phát biểu về quyết định bắt tạm giam, điều tra thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, rằng “... Vì sao lại chọn ông Tiến, ngoài vấn đề có tính chất rất vô tư khách quan, còn chuyện đằng sau nữa không thì tôi không rõ.”
Ðâu là tính độc lập của hệ thống tư pháp Việt Nam; Ai là người có thể đứng trên luật pháp tại Việt Nam? Ðó là những câu hỏi đang được đặt ra.
Ðoạn kết trong bài viết của mình, tác giả Osin trình bày tư thế và tình trạng của báo chí Việt Nam hiện nay, đáng cho chúng ta suy gẫm. Xin trích nguyên văn để kết thúc bài viết này:
“Công việc chuẩn bị Ðại hội lại đang được bắt đầu. “Thẻ nhà báo” của Võ Hồng Quỳnh và Phan Sông Ngân bị “treo” bởi một sự kiện xảy ra cách đây 4 năm, nghĩ, thật đáng buồn. Nhưng, các nhà báo cũng từ đấy mà nên nhận ra một bài học mới vừa được treo lên ở bên lề phải.”
No comments:
Post a Comment