Bị mất việc vì có trình độ... đại học
TT - Đó là câu chuyện của cô Trần Thị Diệu Hương ở
Quảng Bình. Tòa sơ thẩm xử cho cô thắng, cả lý, cả tình đều đứng về
phía cô. Tuy nhiên, phiên tòa phúc thẩm mới đây lại tuyên hủy án.
Cô Trần Thị Diệu Hương (bìa trái) tại phiên tòa sơ
thẩm. Kế bên cô là hai đại diện của Sở Y tế Quảng Bình. Tiếp đó là hai
đại diện Sở Nội vụ - Ảnh: Lam Giang
|
Cô Hương - trú tại thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch,
huyện Bố Trạch - cho biết: “Tháng 10-2006, thấy mình là kỹ sư công nghệ
thực phẩm, học đại học chính quy có đủ tiêu chuẩn và phù hợp với các
chỉ tiêu tuyển chọn của ngành y tế nên tôi đã nộp hồ sơ dự tuyển. Tháng
1-2007 tôi được Sở Y tế cũng như Sở Nội vụ tuyển dụng”.
Làm việc được hơn ba tháng tại Trung tâm Y tế dự
phòng huyện Bố Trạch với nhiều lời nhận xét tốt từ lãnh đạo và đồng
nghiệp, nhưng tháng 4-2007 cô Hương đột ngột nhận quyết định của Sở Nội
vụ tỉnh Quảng Bình không công nhận kết quả trúng tuyển viên chức sự
nghiệp ngành y tế.
Lý do Sở Nội vụ đưa ra là cô không thuộc đối tượng quy
định trong đề án xét tuyển viên chức sự nghiệp của Sở Y tế Quảng Bình
năm 2006. Vì đề án tuyển dụng của Trung tâm Y tế dự phòng chỉ tuyển
chọn người có bằng “cử nhân cao đẳng công nghệ chế biến lương thực,
thực phẩm” chứ không phải là người có bằng đại học công nghệ thực phẩm
như cô Hương!
Quyết tâm tuyển người có trình độ... thấp
Luật
sư Lê Minh Tâm, văn phòng luật sư Hướng Dương (Đồng Hới, Quảng Bình):
Vụ việc của cô Hương sẽ không có gì to tát nếu như sau khi sự việc xảy
ra, các cơ quan nhà nước ở tỉnh có cách giải quyết thấu tình đạt lý
hơn, chẳng hạn hoàn toàn có thể bố trí cho cô Hương một việc làm, không
phải chỗ này thì chỗ khác. Bởi cô ấy trẻ, có trình độ, có năng lực cống
hiến cho quê hương.
|
Sau phiên tòa, cả hai bên đều kháng cáo. Sở Nội vụ
Quảng Bình đề nghị hủy bản án sơ thẩm vì cho rằng tòa án nhân dân tỉnh
xét xử vụ án trên là chưa đúng thẩm quyền; cô Hương kháng cáo, đề nghị
tòa buộc Sở Nội vụ bồi thường thiệt hại do quyết định trái pháp luật mà
sở này đã gây ra cho mình.
Ngày 8-9-2009, tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao
tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử. Tại đây, đại diện Sở Nội vụ là ông
Trương Văn Ngoan (phó chánh thanh tra) và ông Trần Đình Doan (trưởng
phòng công chức viên chức) thừa nhận việc Sở Nội vụ ra các quyết định
công nhận trúng tuyển viên chức trong đó có cô Hương, là theo đúng quy
định.
Tuy vậy phía sở vẫn cho rằng việc mấy tháng sau sở hủy
quyết định trúng tuyển của cô Hương là đúng, vì cô Hương không phải là
người có trình độ “cử nhân cao đẳng công nghệ chế biến lương thực, thực
phẩm” như đề án tuyển dụng đã duyệt.
Hội đồng xét xử đưa ra công văn của Bộ Giáo dục - đào
tạo cho biết cụm từ “cử nhân cao đẳng công nghệ chế biến lương thực,
thực phẩm” không hề có trong danh mục ngành đào tạo của nước CHXHCN VN,
nhưng đại diện Sở Nội vụ Quảng Bình vẫn nhất quyết nếu không có chức
danh thì không tuyển, nếu tuyển vẫn phải tuyển đúng người có văn bằng
với đầy đủ cụm từ trên!
Hội đồng xét xử tuyên bố hoãn phiên tòa để tìm hiểu thêm sự việc.
Người làm việc được lại không được làm việc
Bà
Nguyễn Thị Thanh Hương, giám đốc Sở Y tế Quảng Bình: “Việc nhận được
người có trình độ cao ở các ngành chuyên môn kỹ thuật là điều hết sức
quý và cần thiết. Đó là việc làm đúng vì sau này ngành đỡ tốn tiền bạc
và thời gian để đào tạo nâng cao cho họ”.
Tại
các phiên tòa, đại diện Sở Y tế Quảng Bình đều cho rằng việc tuyển dụng
cô Hương là phù hợp với công việc và chức danh cần tuyển.
|
Ngày 28-10-2009, tòa phúc thẩm mở lại phiên tòa, tuyên
hủy án sơ thẩm, giao cho tòa sơ thẩm xét xử lại. Lý do: đây là vụ kiện
liên quan đến thi tuyển công chức và chấm dứt hợp đồng lao động, việc
tòa án Quảng Bình giải quyết theo hướng hành chính là vi phạm thủ tục
tố tụng.
Vậy là sau gần ba năm theo đuổi khiếu kiện, cô Hương
trở về với con số không: không việc làm, không giải quyết được gì,
trong khi xét về lý và tình cô đều có đủ.
Về lý, cô đã thi tuyển, được công nhận trúng tuyển, bổ
nhiệm việc làm đúng trình tự thủ tục. Về tình, tại sao quyền mưu sinh
của một người trẻ đang hừng hực nhiệt tình cống hiến như cô lại bị dập
vùi oan uổng đến vậy trong một xã hội mà người tài, người học cao vốn
vẫn đang được (tỉnh Quảng Bình) “mời gọi” và “thu hút” cho công cuộc
xây dựng tỉnh nhà?
Không chấp nhận cử nhân đại học mà chỉ khăng khăng
muốn tuyển dụng người có trình độ cao đẳng (lại là loại văn bằng cao
đẳng không có thật), chẳng phải là việc làm quá ngược đời của Sở Nội vụ
Quảng Bình hay sao? Cứ vậy thì làm sao tỉnh Quảng Bình thực hiện được
chính sách thu hút nhân tài như chủ trương của tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Gần ba năm bị mất việc làm, cô Hương phải sống nhờ vào
trợ cấp thương binh của cha và mòn mỏi hi vọng lại được đi làm. Cô bộc
bạch: “Chẳng lẽ một việc đúng và đơn giản như vậy mà lại không có ai
đứng ra để giải quyết cho tôi?”.
L.GIANG - Đ.THÀNH
No comments:
Post a Comment