"Có đợt bữa cơm nhà tôi chỉ toàn rau với đậu đến nỗi bác sỹ phải yêu cầu đổi thực đơn bởi lượng phốt pho trong máu chồng tôi tăng đột biến", chị Xoan kể về quãng đời 6 năm đưa chồng lên đây ở trọ để chạy thận, không có tiền, và tương lai thì vô vọng.
Gia đình chị Xoan chỉ là một trong số hơn 100 gia đình có người bị suy thận mãn, đang phải chạy thận nhân tạo ở cái xóm xập xệ này.
Đối diện Bệnh viện Bạch Mai, nằm sâu trong ngõ 121 Lê Thanh Nghị, phường Đồng Tâm, Hà Nội, chẳng biết từ bao giờ khu nhà trọ tồi tàn này đã được gọi là xóm chạy thận. Có lẽ từ mấy chục năm nay, người tứ xứ đổ về chạy chữa rồi định cư luôn. Năm này qua năm khác, người bệnh cứ ngày một nhiều lên và người ta cũng quên luôn cái tên thật của xóm. Hầu hết bệnh nhân đều có xuất xứ làm nông, người gần thì ở Chương Mỹ (Hà Nội) kẻ xa thì ở Yên Bái hay trong tận Thanh Hóa, Nghệ An.
Điểm chung của họ là hàng ngày, hàng giờ luôn phải giành giật giữa sự sống và cái chết, thứ nữa họ đều nghèo như nhau. Có bệnh mà vẫn phải bươn chải đủ nghề để có thêm tiền thuốc thang, thuê trọ. Người khỏe mạnh thì bán nước, đánh giầy, lượm vỏ chai, người yếu hơn thì nhận hàng về may...Vất vả là thế mà tiền kiếm được vẫn chẳng thấm vào đâu sau mỗi lần điều trị.
Dãy trọ của người chủ tên Hiền có 13 phòng cho thuê, chủ yếu là bệnh nhân chạy thận nhưng từ lâu nó cũng chẳng được sửa sang, nâng cấp. Bởi có sửa sang thì cũng chẳng ai có tiền mà chi trả thêm. Vì thế nhiều năm nay cứ ọp ẹp, ẩm thấp và tạm bợ đến thắt lòng.
Một dãy nhà trong xóm chạy thận, nơi những người nghèo đang cố mưu sinh để chạy đua với tử thần. Ảnh: Hà Trang. |
Trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2 mà có tới hai gia đình chạy thận chung sống. Chị Xoan đang cặm cụi đính từng hạt cườm lên những mảnh vải ngổn ngang trên sàn.
Không ngước mắt lên khỏi việc đang làm, chị kể: "Ở đây nhà nào cũng chật chội như thế cả. Có phòng còn có đến sáu bảy người ở chung. Vất vả, khổ sở một tý nhưng bớt được đồng nào hay đồng đấy".
Anh Hiển, chồng chị mắc bệnh đã được sáu năm. Nhớ lại quãng thời gian đầu tiên ấy nước mắt chị nghẹn ngào. Chưa được hưởng niềm hạnh phúc của cô dâu mới thì tai họa đã ập đến. Anh Hiển mắc bệnh suy thận mãn tính. Vậy là, bà bầu tám tháng phải theo chồng lên Hà Nội chạy chữa.
Đối với những gia đình quanh năm chỉ trông cậy vào cây lúa như gia đình chị thì cố gắng lắm cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc, nay tháng nào cũng phải bỏ thêm một số tiền không nhỏ vào thuốc thang thì đó quả là một việc quá sức. Mẹ chị đã ngoài 60 mà vẫn phải đi cấy thuê, chị lên đây chăm sóc chồng cũng ốm đau bệnh tật suốt nên chỉ biết nhận hàng về may vá kiếm thêm đồng ra đồng vào. Tháng được nhiều cũng chỉ đủ tiền nhà, tiền ăn, có tháng thì chẳng được đồng nào.
Được bảo hiểm y tế hỗ trợ, nhưng mỗi tháng gia đình cũng phải chi thêm ngót nghét triệu bạc tiền thuốc cho anh. Sắp tới theo quy định mới của Luật bảo hiểm y tế, người nghèo như gia đình chị chỉ còn được bảo hiểm 95% thay vì 100% như trước, tức là mỗi tháng chị phải cố "cày" thêm bốn năm trăm nghìn nữa.
"Với người khác số tiền ấy không thấm vào đâu nhưng đối với những gia đình như tôi thì đó số tiền không nhỏ. Năm nay con gái cũng đã đến tuổi đi học, ông bà cũng đã già yếu cả, tôi đang lo biết lấy tiền ở đâu để xoay xở!", chị nghẹn ngào.
Anh Cường quê ở Ứng Hòa (Hà Nội) có lẽ còn hoàn cảnh hơn nhiều. Anh mắc bệnh đã 12 năm. So với cái tuổi 34 của mình anh già hơn nhiều.
Chưa có gia đình lại bệnh tật như thế nên bằng ấy tuổi vẫn phải sống dựa vào gia đình, vào người mẹ già hàng ngày gánh hàng rong ruổi khắp các ngõ ngách Hà Nội. Trước, còn khỏe thỉnh thoảng anh còn chạy xe ôm hay đánh giày, giờ bệnh ngày một nặng, lúc nào mắt cũng mờ, chân tay yếu, từ nhà trọ sang viện chưa đến 500 mét cũng phải mẹ dẫn sang.
"Bà già rồi, đáng lẽ được an nhàn nghỉ ngơi thì lại phải bươn trải để có tiền thuốc thang cho con", giọng anh nghẹn ngào như sắp vỡ òa. Anh bảo mấy hôm nay, lúc biết thông báo mới của bệnh viện về quy định mới của bảo hiểm y tế, anh ám ảnh cả vào trong giấc mơ. Ngày mai, đôi quang gánh của mẹ anh lại thêm phần trĩu nặng, bữa cơm gia đình ở quê lại đạm bạc đi nhiều.
Một bệnh nhân chạy thận đang chuẩn bị đồ nghề để đi bán hàng, kiếm thêm tiền chữa bệnh. Ảnh: Hà Trang. |
Ngồi dựa vào chiếc cửa bạc màu của căn phòng trọ ọp ẹp, người phụ nữ đã đứng tuổi tên Mai đưa đôi mắt mệt mỏi như chất chứa bao nỗi niềm. Hơn chục năm chạy thận, ngần ấy thời gian cả gia đình phải hi sinh vì chị. Chồng chị chạy xem ôm kiếm sống, con trai lớn bỏ học giữa chừng bươn chải đủ nghề để có tiền chạy chữa thuốc thang cho mẹ. Chị tuy bệnh nhưng cứ lúc nào không mệt là lại đi bán nước phụ chồng con đồng ra đồng vào. Mơ ước của người phụ nữ ấy - mong có tiền để cho thằng út được học hành đến nơi đến chốn - tưởng như bình dị mà sao xa vời vợi, chị...
Cái khoảng sân chật chội của xóm trọ nghèo vốn yên tĩnh ấy hôm nay lại sôi nổi hẳn lên. Ai cũng muốn nói, muốn kể và phân trần thật nhiều...Tất cả đều quan tâm về quy định bảo hiểm y tế mới của Chính phủ vừa ban hành. Theo đó, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT sẽ được thực hiện theo ba mức: 100%, 95% và 80%. Mức hỗ trợ 100% chỉ được áp dụng đối với trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, lực lượng công an nhân dân. Còn những đối tượng thuộc diện người nghèo hay lao động mất sức chỉ còn 95%.
Tuy nhiên với những bệnh nhân phải gắn bó cả đời với bệnh như xóm chạy thận này thì mức phí 5% cũng là một con số quá lớn. Mỗi tuần các bệnh nhân này đều phải đến bệnh viện lọc máu ba lần, mỗi lần là 400 nghìn, chưa kể các loại thuốc hỗ trợ như: tăng hồng cầu, sắt, đạm... Dù có bảo hiểm y tế hỗ trợ thì người nặng một tháng cũng phải mất thêm đến triệu bạc tiền thuốc, kẻ nhẹ hơn thì vài trăm. Bây giờ nhân lên, hàng tháng cũng phải bỏ thêm bốn đến năm trăm nghìn, một năm ít cũng ngót nghét năm sáu triệu bạc. Đối với họ - những con người chỉ trông chờ vào cây lúa, vào gánh hàng rong - thì quả thực là quá sức. Nhiều người ngao ngán đã tính đến chuyện bỏ về quê chờ chết.
Anh Hoan vừa nhấp ngụm nước chè vừa khẽ thở dài: "Chỉ mong sao Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho những bệnh nhân như chúng tôi. Chứ nếu không rất nhiều gia đình kiệt sức đành phải bỏ cuộc giữa chừng. Người dân chúng tôi còn nghèo lắm. Chúng tôi biết lấy tiền ở đâu? Còn tương lai của các con chúng tôi nữa...".
Theo tiến sỹ, bác sỹ cao cấp Nguyễn Cao Luận, trưởng khoa thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, quy định mới của Chính phủ là đúng đắn và hợp lý. Như vậy sẽ vừa đảm bảo được công bằng cho tất cả mọi người lại tránh được việc lạm dụng thuốc một cách lãng phí.
"Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân phải chữa trị lâu dài, đặc biệt là những bệnh nhân chạy thận thì cần phải có một vài thay đổi cho phù hợp. Hiện tại cả bệnh viện Bạch Mai có khoảng gần 500 bệnh nhân chạy thận trong đó có tới 300 bệnh nhân thuộc diện nghèo. Hầu hết có hoàn cảnh rất khó khăn, nếu cứ áp dụng đúng như luật mới ban hành thì rất ít người có thể theo được", bác sĩ Luận nói.
Một cảnh quen thuộc tại khoa chạy thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai. Những người suy thận mãn không có điều kiện thay thận thì suốt đời còn lại sẽ phải ràng buộc với giường bệnh. Ảnh: Hà Trang. |
Trước hết, theo bác sỹ, Chính phủ cần phải triển khai chính sách bảo hiểm y tế toàn dân để nhiều người bệnh có cơ hội được chữa trị, nói cách khác đi là thực hiện "lá lành đùm lá rách". Thêm vào đó cần phát triển kỹ thuật cao ở tuyến dưới để giảm đáng kể chi phí cho người bệnh. Thứ hai, thay vì phải đóng 5% cho tổng chi phí điều trị thì nên chuyển chi phí đóng góp ấy sang tiền chi trả cho thuốc thang. Như vậy người bệnh dùng bao nhiêu sẽ đóng góp bấy nhiêu, hạn chế thấp nhất chi phí chi trả. Riêng tiền chạy thận thì Nhà nước nên bao cấp toàn bộ bởi lẽ việc chạy thận theo định kỳ, chỉ cần ngừng lại là người bệnh có thể nguy hiểm ngay đến tính mạng.
Ngoài hành lang của khoa thận nhân tạo - bệnh viện Bạch Mai, hàng chục bệnh nhân đang chờ đến lượt mình. Ánh mắt ai cũng có vẻ mệt mỏi, khắc khoải đến đáng thương. Rồi đây, không biết ước mơ của họ có được thực hiện?
No comments:
Post a Comment