TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Tuesday, November 17, 2009

Quốc hội nên đồng hành cùng ai?

Tác giả: Đoan Trang

Trong khi có ý kiến chỉ trích một số đại biểu Quốc hội vẫn chưa thoát khỏi tên gọi "nghị gật", thì lại cũng có quan điểm cho rằng chân lý là Quốc hội luôn đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội và Chính phủ có đồng thuận thì mới hoạt động hiệu quả được. Câu trả lời có lẽ nằm ở cách hiểu thế nào là "bất đồng" và "đồng hành".

Khi dân chúng thích xem cãi nhau

Sáng nay (17/11) phiên chất vấn của Quốc hội (QH) với Chính phủ (CP) trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6 QH khóa 12 sẽ diễn ra và kéo dài trong 2 ngày rưỡi.

Từ mấy năm nay, mọi phiên chất vấn đều thu hút sự chú ý của công luận, bởi đó là dịp người dân được xem truyền hình trực tiếp cảnh tranh luận mặt đối mặt giữa đại biểu QH với thành viên nội các. Có những người xem chẳng hiểu gì lắm nhưng vẫn thích, vì mấy khi được chứng kiến quan chức "đôi co", "đốp chát" với nhau như thế.

Ai đã chứng kiến, chắc sẽ không quên vụ "căng thẳng" cách đây 6 năm giữa ĐBQH Nguyễn Đức Dũng (nguyên GĐ Sở Tư pháp Kon Tum) với Bộ trưởng Giáo dục lúc đó là ông Nguyễn Minh Hiển. Ông Hiển gay gắt: "Nếu được, tôi đã khước từ trả lời đồng chí Nguyễn Đức Dũng". Còn ông Dũng tỏ ra bực bội không kém: "Tôi thật sự cảm thấy thất vọng".

Và cả phiên chất vấn nóng bỏng giữa các ĐBQH và đại diện "nhánh" tư pháp - Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Hiện - tại kỳ họp thứ 10 QH khóa 11 (năm 2006):

-         ĐB Nguyễn Thị Hồng Xinh: Các giải pháp khắc phục tình hình mà Chánh án đưa ra đều cũ lắm rồi, thời gian qua đều đã làm nhưng án oan sai vẫn nhiều?

-         Chánh án Tòa tối cao Nguyễn Văn Hiện (hỏi vặn): Về các biện pháp thì chúng tôi cũng nghĩ chán rồi. Đại biểu Sinh có biện pháp nào khác tốt hơn?

-         ĐB Nguyễn Hồng Sinh (bực bội): Đồng chí hỏi lại tôi về giải pháp thì rất khó. Tôi có phải Chánh án TAND Tối cao đâu.

Phải thừa nhận rằng, từ rất lâu ở Việt Nam, dân chúng đã quen với suy nghĩ "chính quyền luôn đúng, đương nhiên đúng, bao giờ cũng đúng", thay vì có tư tưởng "chính quyền cũng chỉ là một thể chế do nhân dân tạo ra, gồm những cá nhân chọn từ dân mà ra, nên hoàn toàn có thể mắc sai lầm".

Chính bởi nếp nghĩ đã thành quen thuộc ấy, mà quan hệ giữa quan chức và thường dân luôn là thứ quan hệ giữa "trên" và "dưới", trong đó "trên" có việc của "trên", có cách làm của "trên", và luôn đúng; "dưới" dù thắc mắc cũng phải chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đúng quy trình.

Do đó, việc các thành viên chính phủ phải trả lời chất vấn của đại biểu QH - những người trên danh nghĩa là đại diện cho ý nguyện nhân dân - công khai tại Hội trường, trước ống kính truyền hình, rất dễ được dân chúng thích thú, hoan nghênh (nếu có cãi vã thì càng hay). Nó tạo cho người dân cảm giác họ được quan tâm, được có tiếng nói, được tôn trọng, thậm chí được thấy những lỗi, sai lầm của "trên" bị vạch ra không thương tiếc.

Đó là dấu hiệu của một xã hội có những sinh hoạt dân chủ.

Và như vậy, đứng từ góc độ của một thường dân mà xét, thì chuyện đại biểu QH "cãi nhau tay đôi" với Bộ trưởng, hay nói rộng ra, việc QH và CP không nhất trí với nhau về một vấn đề nào đó, có khi cũng thú vị đấy chứ!

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là bất đồng đến mức nào thì vừa? Có cần giải quyết bất đồng không - nếu có thì như thế nào, nếu không thì sẽ ra sao?

Mặt trái của sự bất đồng

Nhìn chung, dân chúng, nhất là ở những nước như Việt Nam, có thể thích việc đại biểu QH và quan chức CP bất đồng và tranh luận kịch liệt với nhau. Nhưng bất đồng chỉ nên dừng lại ở tranh luận một cách hòa bình, có văn hóa. Nếu bất đồng đến mức các chính trị gia "choảng" nhau ngay tại hội trường như ở một vài nước (điều chắc chẳng bao giờ xảy ra ở Việt Nam) thì cũng hơi thái quá và có phần thiếu văn minh.

Ngoài ra, như ĐBQH Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) nhận xét, "QH các nước đó nhiều đảng, và có khi người ta đánh nhau là do họ đấu tranh vì đảng mình, chứ không chắc đã vì nhân dân".

Nói cách khác, mâu thuẫn, thậm chí xô xát, giữa các thành phần khác nhau trong chính thể có thể dẫn đến sự chia rẽ của hệ thống chính trị, mà lại không vì quyền lợi của nhân dân.

Xét từ góc độ quản lý vĩ mô, nếu QH và CP không sao đồng thuận được, thì điều đó không phải không có nhược điểm: tạo nên sự thiếu gắn kết giữa các cơ quan quyền lực nhà nước, cản trở CP hành động kịp thời trong việc ban hành và thực thi chính sách trên cơ sở những luật định do QH phê chuẩn.

Do đó, đã có ý kiến cho rằng CP và QH phải luôn đồng hành, phải "nhất trí cao" trong mọi việc; QH nhất định không được đứng ngoài để phán xét CP, đặc biệt là vào các thời điểm nhạy cảm - chẳng hạn, như vào thời buổi kinh tế khó khăn, quan hệ quốc tế phức tạp, v.v...

Và sự cần thiết phải có bất đồng

Nhưng nếu nói rằng CP và QH phải luôn đồng thuận, "nhất trí cao", thì khác nào triệt tiêu vai trò giám sát và phản biện của QH, tiếp tục nếp nghĩ muôn thuở "chính quyền luôn đúng, đương nhiên đúng, bao giờ cũng đúng". Mà nếu vậy thì... dẹp bỏ các phiên chất vấn cho rồi!

Về tác dụng của chất vấn, chắc không ai còn phải bàn cãi. ĐB Nguyễn Đình Xuân cho biết: "Ở nước mình, chưa từng có bộ trưởng nào bị bãi miễn trực tiếp vì nguyên nhân trả lời chất vấn không đạt. Tuy nhiên, cũng đã có những trường hợp bộ trưởng trả lời không thỏa đáng, bị ảnh hưởng rất lớn về uy tín, trước CP, trước QH, trước cử tri (nhân dân), và không được tái bổ nhiệm".

Chất vấn là một trong các cách để QH thực hiện quyền giám sát và phản biện của mình, buộc CP phải hoạt động hiệu quả hơn. Mà đã chất vấn thì sẽ phải có tranh luận, bất đồng, chứ không thể "đồng hành" được. Do đó, về nguyên tắc, CP và QH không thể "đồng hành" theo kiểu "dĩ hòa vi quý", mà phải thường xuyên gặp bất đồng để cùng có phương hưóng giải quyết.

Hơn ai hết, ĐBQH phải là người chấp nhận bất đồng, để dám chất vấn. Điều quan trọng chỉ là làm sao hạn chế mặt xấu của sự bất đồng, nghĩa là phải tìm cách giải quyết bất đồng cho hợp lý, vì lợi ích của nhân dân.

Giải quyết bất đồng ra sao?

Việc đầu tiên cần làm để giải quyết bất đồng, là nó phải được nói ra thay vì "bảo lưu" trong bụng. Hiện tượng nhiều ĐB giữ im lặng, không chất vấn vẫn khá phổ biến ở QH bấy lâu nay.

Thực trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, ĐB không đủ trình độ, không nắm vững vấn đề, hoặc sợ phát biểu động chạm.

Ông Nguyễn Đình Xuân - một ĐB có tiếng là thẳng thắn - cho biết: "Phát biểu gì cũng có thể đúng với người này mà sai với người khác, đúng vào lúc này mà sai vào lúc khác. ĐBQH chất vấn mà chẳng may để một số vị lãnh đạo không vừa lòng thì sẽ gặp rắc rối, cho dù được lòng cử tri".

(Chưa nói tới một khả năng khác cũng rất cao là ĐB đã có tư duy cảm thông, đồng thuận với CP ngay từ đầu, bởi ĐB cũng kiêm nhiệm cán bộ, quan chức trong chính quyền hành pháp. Mà như vậy thì không thể có bất đồng để giải quyết).

Việc cần làm thứ hai là chấm dứt tình trạng ĐB chất vấn không được thỏa mãn nhưng cũng đành im lặng, "nuôi" sự bất đồng. Điều này thường xuyên xảy ra, bởi lẽ, tuy trên nguyên tắc QH có thể truy vấn CP đến cùng, nhưng thời gian có hạn, mỗi ĐBQH hỏi ba lần đã là nhiều lắm, không thể "đôi co" được mãi.

Một ĐBQH, nếu thấy vấn đề nào đó được giải đáp chưa thỏa đáng, muốn đưa ra QH để có nghị quyết riêng hoặc đề nghị QH bỏ phiếu miễn nhiệm bộ trưởng, cũng gặp khó khăn vì chưa có cơ chế cho việc vận động hành lang để các ĐB khác cùng lên tiếng ủng hộ. ĐB đó chỉ có thể tận dụng vài phút ngắn ngủi phát biểu công khai trên Hội trường để thuyết phục QH cũng như CP quan tâm đến vấn đề mình muốn đưa ra.

Để các ĐBQH có thể mạnh dạn phát biểu ý kiến, tranh luận đến cùng, chất vấn có hiệu quả (nghĩa là tác động được tới CP), chẳng còn cách nào khác là phải tăng cường tính độc lập giữa QH và CP, sửa đổi và cụ thể hóa cơ chế để chúng ta có nhiều ĐBQH chuyên nghiệp, có trình độ, có thực quyền, để không sợ động chạm, không né tránh bất đồng.

Mọi sự bất đồng đều không đáng ngại nếu QH giữ vững sự độc lập của mình để thực hiện đúng chức năng giám sát, phản biện CP. Thậm chí, càng vào thời kỳ khó khăn về kinh tế, phức tạp về chính trị, QH càng cần chuyên nghiệp hơn, nghĩa là độc lập hơn với CP và có phản biện xác đáng, kịp thời hơn cho CP trong mọi vấn đề lớn của đất nước.

Điều đó, với một quốc gia như Việt Nam hiện nay, sẽ chỉ giúp người dân thêm phần tin tưởng vào QH - cơ quan đại diện cho họ - và hệ thống chính trị.

Tóm lại, QH lý tưởng là một QH luôn đồng hành cùng nhân dân và dân tộc.

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty