Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu trả lời chất vấn Quốc hội
SGTT
- Căng thẳng từ thị trường ngoại tệ và tín dụng tăng nhanh hiện rõ qua
hàng loạt câu hỏi của đại biểu Quốc hội khiến thời gian trả lời của
người đứng đầu ngân hàng Nhà nước phải kéo dài sang phiên buổi chiều.
Khó có thể làm đại biểu thoả mãn bởi điểm gút, như nhận xét của đại
biểu Trần Du Lịch, với mục tiêu năm tới đẩy mạnh tăng trưởng cao, cần
phải có lựa chọn về ổn định vĩ mô, bởi không thể tăng trưởng mà không
tăng tín dụng.
Đang có bài toán khó giải quyết là vừa duy trì tăng trưởng vừa bảo vệ giá trị đồng tiền. Ảnh: Lê Quang Nhật
|
Điều này như phân tích của ông Trần Du Lịch, tín dụng và tỷ giá sẽ phải tăng và khó tránh khỏi nguy cơ bất ổn cho nền kinh tế.
Thống
đốc Giàu thừa nhận, chỉ riêng việc nhập siêu 8,9 tỉ USD trong mười
tháng, và dự báo hai tháng còn lại ít nhất là 3 – 3,5 tỉ USD, đã là sức
ép lớn trên thị trường ngoại hối khi bốn nguồn cung chính là đầu tư
trực tiếp và gián tiếp, kiều hối, xuất khẩu và du lịch đều giảm.
Sức ép lên chính sách tỷ giá
Năm
2007 riêng nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) và kiều hối đã
tăng gần 9 tỉ USD. Nhưng đến năm 2008 vốn FII đảo chiều, chảy ngược ra
nước ngoài, và trạng thái ngoại hối từ dương 6,3 tỉ USD bây giờ âm 578
triệu USD. Mười tháng đầu năm, dòng tiền FII tiếp tục ra khoảng 500
triệu USD. Ông Giàu cho rằng, có nhiều yếu tố, đặc biệt là chính sách
tài khoá và chính sách tiền tệ đã tác động mạnh đến thị trường ngoại
hối.
NHNN đã
thực hiện nhiều giải pháp chưa bao giờ thực hiện. Thí dụ nâng biên độ
tỷ giá liên ngân hàng từ 3% cuối tháng 12.2008 lên 5%. Đồng tiền Việt
Nam đã mất giá 5,18%, lớn hơn so với chỉ số lạm phát mười tháng chỉ có
4,49%.
NHNN
phải đảm bảo nhập khẩu một số mặt hàng thiết yếu, phải hỗ trợ, can
thiệp trên thị trường ngoại hối để giải quyết những vấn đề cấp bách.
Thí dụ, năm nay ít nhất đến cuối năm cũng nhập 6 – 7 tỉ USD xăng dầu,
tiêu tốn một lượng ngoại hối rất lớn.
Được cái này sẽ mất cái kia
Ông
Giàu nói: “Ngân hàng Nhà nước kiên trì theo đuổi mục tiêu ổn định chính
sách tiền tệ là để ổn định giá trị đồng tiền. Nhưng muốn đạt được mục
tiêu này đòi hỏi thêm các yếu tố khác, đặc biệt là cơ cấu và hiệu quả
của nền kinh tế”.
Ông Trần Du Lịch:
Hiện
nay dư nợ tín dụng chúng ta lên tới trên 59% tính theo từng đồng. Và
như vậy tôi tính thế này: với tăng trưởng kinh tế một đồng thì nền kinh
tế nuốt nguồn tín dụng gần tám đồng. Tôi cho rằng với một mức tín dụng
như vậy thì dường như nền kinh tế nước ta nhu cầu vốn là không đáy,
không thể nào chịu nổi được cả.
Tôi
cho rằng tôi không tin ngân hàng Trung ương có khả năng giữ được ổn
định về giá và vấn đề năm 2010 sắp tới là vấn đề quan trọng nhất, là
vấn đề tỷ giá gây bất ổn định vĩ mô.
|
Để
giải quyết tình trạng căng thẳng ngoại tệ, ông Giàu cho hay, giải pháp
nhanh nhất là thắt chặt chính sách tiền tệ, kiềm chế nhập siêu nhưng
như vậy sẽ mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng. Ông Giàu nói: “Cách
nhanh nhất là thắt chặt các chính sách, thì lượng cung tiền tín dụng
không tăng, chính sách tài khoá không tăng, nhu cầu nhập khẩu không
tăng... Bài toán này mâu thuẫn với bài toán đạt 5% kinh tế tăng trưởng,
5,2% tăng trưởng hay 6,5% tăng trưởng..., đây là bài toán lớn”.
Ông
nói, có nhiều ý kiến cho rằng nên tiếp tục phá giá đồng tiền Việt Nam,
hay nói cách khác là vừa điều hành linh hoạt vừa phá giá, thì chúng ta
cũng có những nguy cơ khác, như nguy cơ đầu tiên là nợ quốc gia bằng
ngoại tệ hiện rất lớn. Riêng các khoản vay nợ ngoại tệ trong nước của
khối doanh nghiệp đã lên tới 17 tỉ USD.
Theo ông, Chính phủ đang cân nhắc để bổ sung nguồn ngoại tệ giải quyết căng thẳng trước mắt.
Nếu lạm phát thì thắt chặt tiền tệ
Đến
cuối tháng 10, tăng trưởng tín dụng đã lên mức 33,29% so với cuối năm
2008. Theo đại biểu Phạm Thị Loan, nếu cuối năm mức tăng trưởng này lên
tới 40%, liệu có cú sốc thắt chặt chính sách tiền tệ như cuối năm 2007?
Theo
ông Giàu, NHNN có chỉ đạo đối với ngân hàng thương mại nhà nước, còn
với các ngân hàng còn lại thì họ tự vận động. Nếu tháng 4, 5, 6 huy
động được bình quân khoảng 3%/tháng thì đến nay chỉ hơn 1%/tháng, khả
năng huy động vốn của xã hội thấp dần thì khả năng tăng trưởng tín dụng
chậm đi.
Theo
thống đốc, năm 2009, toàn bộ cân đối vốn cho nền kinh tế do các tổ chức
tín dụng huy động ở thị trường, nên ít có tác động vào lạm phát. “Trước
nhất, trong thời gian tới sẽ chưa thực hiện thắt chặt tiền tệ mà chỉ
nới lỏng một cách thận trọng”, ông khẳng định; “thứ hai, khi xuất hiện
lạm phát thì bao giờ cũng tăng lãi suất, đấy là một phương thức kinh
điển, không có cách làm nào khác”. Tuy nhiên, vị tư lệnh chính sách
tiền tệ cam kết: “Sẽ không dùng biện pháp hành chính”. Ông Giàu cũng
cho biết, tín hiệu về việc thắt chặt tiền tệ, có thể sẽ bắt đầu từ việc
nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc vốn rất thấp như hiện nay.
Hồng Sương
No comments:
Post a Comment