SGTT.VN - Bây giờ ai về Dung Quất cũng thấy hào nhoáng bởi sự có mặt của nhà máy lọc dầu bề thế và hàng loạt công trình vệ tinh đồ sộ xung quanh. Thế nhưng, khi đi vòng ra phía sau những công trình hừng hực ấy, tìm đến những người dân từng nhường đất tổ tiên cho đại công trình Dung Quất, tôi như lọt vào một khoảng lặng, rất buồn!
Một góc xóm Động, nơi người dân tự dựng lều để mưu sinh dọc theo sông Đầm, đằng sau đại công trình Dung Quất. Ảnh: Phạm Anh |
"Nhà tui hồi đó ở đằng kia, bây giờ còn thấy cây dừa lá rách xơ xác mướp đó!" Ông Bùi Hụi, 60 tuổi ở xóm Động, thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đưa cánh tay đen đủi chỉ về hướng có khu bể chứa sản phẩm lọc dầu.
Lặng thầm xóm Động
Giọng nói của ông Hụi có âm hưởng buồn. Mà làm sao vui cho được khi sinh ra, lớn lên trong ngôi nhà, mảnh vườn, rồi đùng một cái phải nhường lại cho "bêtông cốt thép". Hỏi vì sao không về đất tái định cư, ông Hụi bảo, về đó có nước... cạp đất.
Ông Hụi vốn sống bằng nghề biển, mà nơi đất tái định cư lại cách đây cả chục cây số. Khổ nỗi, từ nhỏ đến lớn ông Hụi chỉ quen ngồi trên thuyền leo trên đầu ngọn sóng để đi. "Giờ biểu ngồi trên xe đạp, xe máy chạy, có cho tiền tỉ tui cũng... bó tay". Và đó là lý do sau khi giao 400m2 đất cho công trình bể chứa sản phẩm dầu khí, ôm 80 triệu đồng trong tay, vợ chồng ông Hụi lên khu tái định cư hơn một năm rồi quay về làm cái chòi ở tạm ven sông Đầm, nương theo con nước thuỷ triều để kiếm sống tạm bợ qua ngày.
Ông bảo, bao giờ Nhà nước không cho ở thì thôi, còn cho thì ông sẽ ở nơi này đến khi nào hết lao động nổi mới về khu tái định cư. Hằng ngày ông Hụi leo lên chiếc thúng chai thả 30 tấm rập ven bờ sông để bắt cá, cua bán đổi lấy gạo. Hôm nào khoẻ, ông leo lên thuyền đi bạn, cứ 2 giờ sáng đi, gần trưa lại về.
Không chỉ gia đình ông Hụi, mà ở cái xóm Động này, mỗi chòi lá là một cảnh đời khó nhọc... Bởi từ khi họ nhường đất rồi, cuộc sống của họ không khá hơn ngày trước bao giờ. Theo chân ông Hụi, tôi lội dọc mé sông leo lên nơi ở của vợ chồng anh Trương Ngọc Kinh. Bước vào nhà, thấy anh Kinh khó nhọc tay chống gậy, chân lê từng bước, tôi mới nhớ lời ông Hụi: "Thằng Kinh mới tội, nó bị liệt hai chân". Hỏi chuyện, anh Kinh cho biết, trong một lần theo thuyền ngư dân đảo Lý Sơn đi lặn ở Trường Sa, anh gặp phải con "nước độc" nên liệt toàn thân. Sáu bảy năm chữa chạy khắp nơi, hết nhà hết cửa, hết luôn mấy chục triệu tiền đền bù hỗ trợ nhà và đất, đôi chân anh Kinh mới được như bây giờ.
Anh kể, hai vợ chồng sống dựa vào con thuyền nan nhỏ, hàng ngày đánh lưới ven sông. Chuyện lò cò xuống thuyền đi đánh cá, bị té ngã lăn cù là chuyện cơm bữa. "Phải chi được nhận mấy chục triệu của tập đoàn Dầu khí thì đỡ biết chừng nào. Họ biểu vợ chồng tui vi phạm, tui chấp nhận vì nhờ ở sát mép sông tui mới sống được, chứ nếu về khu tái định cư thì gia đình tui chết đói thôi...", anh nói.
Ông Phùng Mười, 60 tuổi, một chủ quán tạm ven đường cho biết sau một thời gian ở khu tái định cư không cách gì để mưu sinh, nên phải quay về. "Hồi đi tái định cư, một đứa con đậu vào đại học Y dược TP.HCM, một đứa thì đang học cấp 3. Nói thiệt, nếu không về đây buôn bán có lẽ con tui giờ đi làm công nhân chứ không thành bác sĩ, kỹ sư như bây giờ..."
Bên lý bên tình
Như chim vào lồng Lang thang ở các khu tái định cư ở Dung Quất, tôi gặp nhiều cảnh éo le. Như ông Phạm Ảnh ở khu tái định cư tây bắc Vạn Tường, xã Bình Trị. Quê ông Ảnh ở xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, vốn sống bằng nghề nông. Về nơi ở mới, gia đình ông chẳng có một miếng đất làm nông. Bí thế, ông Ảnh phải chạy vạy xin nước cơm, đồ ăn thừa ở các nhà, quán mang về nuôi heo. "Vợ chồng tui nuôi ba đứa con còn ở tuổi đi học, mà không có nghề ngỗng gì trong tay". Ông Ảnh tặc lưỡi rồi tự an ủi: "Kệ bà nó, cứ tới đâu hay tới đó, chứ biết làm sao!" Còn bà Nguyễn Thị Cảnh (50 tuổi) kể: "Ba tháng đầu về đây phải thắp đèn dầu. Còn giếng thì phải bỏ tiền ra đóng, mất khoảng 3,5 triệu đồng. Ở nhà quê, muốn chăn nuôi con bò, con heo nhưng đất quá chật. Mà nếu có nuôi cũng chẳng biết lấy gì cho chúng ăn". |
Có bận trao đổi với tôi, ông Lê Quang Sơn, chủ tịch UBND xã Bình Thuận nói buồn: "Nói thiệt với chú em, nếu hỗ trợ tiền của tập đoàn Dầu khí quốc gia cho xóm Động ngay bây giờ thì có hàng chục người khác đã ổn định cuộc sống quay về dựng nhà, dựng cửa... làm rối thêm tình hình. Còn cảnh khó của bà con, ai cũng thấy rồi. Họ đi về tái định cư thì... đói, vì không có nghề gì để làm ăn sinh sống, mà quay về quê dựng lều, dựng nhà ở tạm thì vi phạm chính sách chung. Đằng nào cũng khó, chính quyền cơ sở càng khó hơn, bởi bên lý, bên tình...!"
Được biết, tập đoàn Dầu khí quốc gia hỗ trợ cho 1.776 hộ nhường đất để xây dựng đại công trình Dung Quất tổng cộng 200 tỉ đồng. Trong đó, 70 tỉ hỗ trợ an sinh xã hội trực tiếp cho hộ dân tái định cư; 130 tỉ còn lại đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh tại các khu tái định cư. Đến nay, các công trình đầu tư cơ sở hạ tầng này nhiều nơi chưa triển khai và hàng trăm hộ dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ an sinh xã hội.
Theo ông Đoàn Dụng, bí thư huyện uỷ Bình Sơn, những người chưa nhận được tiền là do họ từ nơi tái định cư về quê cũ làm nhà trên đất Nhà nước đã đền bù, giải toả; một số khác thì các thành viên trong gia đình lấn chiếm đất, dựng nhà trên đất công trình.
Điều ấy cũng có nghĩa là, những ai vi phạm, giờ muốn nhận tiền hỗ trợ an sinh xã hội thì phải... dỡ nhà ngay tức khắc. Nhưng dỡ nhà đi thì họ làm sao để tiếp tục sống? Sông Đầm bây giờ thuỷ triều đang xuống. Rừng cây mắm trước mặt trơ ra chùm rễ vàng hoe khiến tôi liên tưởng đến đầu tóc trơ khô lâu ngày chưa cắt của anh Kinh...
bài và ảnh: Phạm Anh
No comments:
Post a Comment