Nếu người dân chấp thuận số tiền (120 tỉ đồng) mà Vedan bồi thường thì tỉnh Đồng Nai cũng chưa biết phải chia như thế nào
Dự kiến hôm nay (23-8), Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai và chính quyền các huyện Long Thành, Nhơn Trạch sẽ bàn phương án vận động dân chấp nhận 120 tỉ đồng bồi thường của Vedan và rút đơn khởi kiện
Thế nhưng, nếu người dân chấp thuận số tiền trên thì tỉnh Đồng Nai cũng chưa biết phải chia như thế nào.
Các địa phương bị thiệt hại ở tỉnh Đồng Nai cho rằng cách tính bình quân của
Sở Tài nguyên-Môi trường là muốn né tránh việc đi xác minh thiệt hại thực tế
Cào bằng là không ổn
Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường (TN - MT) tỉnh Đồng Nai, cho rằng căn cứ trên số liệu của Viện Môi trường và Tài nguyên (MT - TN) thì xã Long Phước, huyện Long Thành được bồi thường thiệt hại hơn 17 tỉ đồng, chia cho hơn 300 ha nuôi trồng thủy sản, bình quân 1 ha sẽ được bồi thường 40 triệu đồng.
Trong khi đó, tại huyện Nhơn Trạch, xã Phước An được bồi thường 78 triệu đồng/ha và xã Phước Thái là hơn 50 triệu đồng/ha...
Sở dĩ có sự chênh lệch giữa các xã, huyện là vì căn cứ trên tính toán của Viện MT-TN theo từng vùng phân bố ô nhiễm.
Đối với các hộ dân bị thiệt hại do đánh bắt thủy sản, ông Hưng đề nghị tính toán thiệt hại bình quân theo năm. Theo đó, mỗi hộ dân sẽ được nhận khoảng 600.000 đồng nhân cho số năm đánh bắt tương ứng.
Do cách tính của Sở TN-MT mang tính cào bằng nên đại diện các xã đã bác bỏ. UBND xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch cho rằng cách tính bình quân của Sở TN - MT là muốn né tránh việc đi xác minh thiệt hại thực tế.
Người dân khó mà rút đơn
Đại diện các địa phương cho rằng cách tính thiệt hại thực tế theo số liệu của Viện MT - TN cũng không ổn và chắc chắn sẽ bị dân phản ứng.
Ông Lương Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Phước Thái, dẫn chứng: "Cách tính của Viện MT - TN không công bằng vì dân xã này nằm ngay cống xả của Vedan nhưng lại có mức bồi thường quá thấp. Bên cạnh đó, các hộ cách nhau chỉ vài mét nhưng tỉ lệ thiệt hại lại quá khác nhau. Tính chung, toàn bộ thiệt hại của các hộ đánh bắt chỉ hơn 15 tỉ đồng, nếu tính trung bình thì mỗi năm một hộ đánh bắt của xã Phước Thái chỉ được 609.000 đồng".
Ông Nguyễn Văn Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thọ, bày tỏ: "Mức bồi thường chỉ hơn 600.000 đồng/năm là quá thấp làm sao dân chấp nhận được".
Theo ông Điền, nếu tính bình quân theo cách của Viện MT-TN thì một hộ dân đánh bắt của xã này chỉ được bồi thường 150.000 đồng/năm. "Người dân khó mà rút đơn kiện" – ông Điền nhận định.
Khó vận động dân rút đơn kiện Các luật sư tham gia tư vấn giúp dân khởi kiện tại huyện Long Thành cho rằng tỉnh Đồng Nai sẽ thất bại khi lấy ý kiến dân vì mức thiệt hại của họ quá cao so với 120 tỉ đồng mà tỉnh đòi Vedan bồi thường. Mặt khác, UBND tỉnh Đồng Nai đã "cầm đèn chạy trước ô tô" khi chưa hỏi ý kiến dân, chưa được dân ký đơn ủy quyền đã vội đòi Vedan bồi thường 120 tỉ đồng. Theo một luật sư, tỉnh Đồng Nai lấy ý kiến dân là cần thiết nhưng nếu không được bồi thường thỏa đáng thì việc vận động dân rút 4.000 đơn kiện là không dễ dàng. Do chưa có phương án khả thi nào nên Sở TN - MT tỉnh Đồng Nai vẫn đề nghị Hội Nông dân tỉnh và các địa phương tiếp tục lấy ý kiến rồi... tính sau. |
No comments:
Post a Comment