TT - Hiện nay nhiều bệnh viện giao khoán cho các khoa phòng về số bệnh nhân khám, nhập viện điều trị, chi phí điều trị và cả phí mua thuốc... Việc làm này khiến người bệnh lãnh đủ.
>> Read this on Tuoitrenews.vn
Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) đã khoán lượng bệnh nhân vào viện, bệnh nhân khám, chỉ định xét nghiệm, chi phí điều trị, tiền thuốc... cho từng khoa phòng.
Một năm phải đạt...16.000 người siêu âm!
Trong "chỉ tiêu" ba tháng đầu năm nay, Bệnh viện Đa khoa khu vực thị xã Phú Thọ đã giao khoa nội 160-180 bệnh nhân điều trị nội trú/tháng, mỗi bệnh nhân điều trị bình quân 7 ngày, chi phí 1,2 triệu đồng/bệnh nhân. Khoa nhi, bệnh nhân điều trị nội trú từ 140-158 cháu/tháng, chi phí điều trị 1 triệu đồng/bệnh nhân, bình quân một đơn thuốc là 230.000 đồng. Khoa hồi sức cấp cứu từ 108-114 bệnh nhân/tháng, bình quân điều trị 5 ngày, chi phí điều trị bình quân 2,3 triệu đồng/bệnh nhân...
Không chỉ giao chỉ tiêu bệnh nhân từng tháng, bệnh viện này còn giao chỉ tiêu cả năm. Riêng chỉ tiêu xét nghiệm, bệnh viện yêu cầu năm nay phải đạt 3.700 người chụp CT scanner, 16.000 người siêu âm, 16.050 người điều trị nội trú và 80.000 lượt người khám bệnh. Nếu đạt chỉ tiêu này, cán bộ bệnh viện sẽ được "bổ sung thu nhập". Các cán bộ đảm nhiệm hai vị trí công tác trở lên cũng được hưởng phần "tăng thu nhập" theo từng vị trí đảm nhiệm.
"Có những trường hợp bệnh nhân vào viện với biểu hiện đau đốt sống lưng, nhưng các bác sĩ lại chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não (chi phí trên 2 triệu đồng/lượt), hoặc bệnh nhân đau họng lại cho xét nghiệm toàn bộ, trong đó có cả xét nghiệm... HIV. Chỉ tính riêng tiền xét nghiệm đã tốn từ 500.000-700.000 đồng, gây hao tốn quá đáng cho bệnh nhân" Ông Phạm Lương Sơn (trưởng ban thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN) |
Ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm xã hội VN, cho hay bệnh viện kể trên chỉ là một trong nhiều bệnh viện thực hiện cơ chế khoán, chỉ định lạm dụng nhằm tận thu của bệnh nhân và quỹ BHYT.
Theo ông Sơn, mặc dù năm 2010 phí BHYT tăng gấp rưỡi và đã loại bỏ toàn bộ các yếu tố rủi ro có thể dẫn đến thủng quỹ, nhưng vẫn còn chín địa phương bội chi quỹ BHYT.
Trong đó, Phú Thọ là một trong những điểm nóng, bội chi trên 24 tỉ đồng. Đây là tiền đóng góp của bệnh nhân BHYT. Như vậy bệnh nhân không có BHYT đã bị bệnh viện tận thu không ít.
Khoán thực chất là ép
Đầu năm 2011, Bảo hiểm xã hội VN đã thanh tra tại ba tỉnh bội chi quỹ BHYT năm 2010 là Kiên Giang, Đồng Tháp, Thái Bình. Qua thanh tra, phát hiện có những dịch vụ được các bác sĩ chỉ định bất hợp lý quá mức và BHYT đã thu hồi trên 20 tỉ đồng.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng cơ chế "khoán" bệnh nhân thực chất là ép bệnh nhân điều trị, trong khi bệnh nhân vào viện phải điều trị theo bệnh trạng. Bộ Y tế đang phấn đấu giảm số ngày người bệnh phải điều trị bình quân tại bệnh viện, việc "khoán" bệnh nhân phải điều trị 5 ngày, 7 ngày tại bệnh viện đã đi ngược lại chủ trương này. Việc "khoán" bệnh nhân cũng là cách hiểu lệch lạc nghị định 43 về tự chủ tài chính trong bệnh viện. Theo chuyên gia này, "tự chủ" không phải là "khoán thu" mà là tăng thu hợp pháp trên cơ sở tính chi phí hiệu quả. Bệnh viện không thể đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết như các cơ sở sản xuất kinh doanh thông thường.
Theo ông Phạm Lương Sơn, sắp tới Bảo hiểm xã hội VN sẽ tiếp tục thanh tra việc sử dụng quỹ BHYT tại Phú Thọ và Bến Tre. Từ trước đến nay thực tế kiểm tra cho thấy việc lạm dụng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, lạm dụng thuốc... hay xảy ra ở các bệnh viện có máy móc, thiết bị y tế do tư nhân đầu tư. Ông Sơn nói tăng phí BHYT để đáp ứng mức phí điều trị mới khi viện phí tăng, nhưng nay viện phí chưa tăng mà quỹ vẫn thủng, chứng tỏ tình trạng lạm dụng chỉ định gây lãng phí chi phí y tế rất lớn.
Theo ông Sơn, đang có cả những bệnh viện tuyến trung ương lớn thực hiện cơ chế "khoán" bệnh nhân tới tận khoa phòng như nói trên. Nếu ngành y tế không chấn chỉnh tình trạng này bệnh nhân sẽ tiếp tục bị tận thu. "Quỹ BHYT được coi là "cha chung không ai khóc", cứ cấu vào đó thì không ai chết, mà nhiều người được lợi. Nhưng còn tới 40% bệnh nhân chưa có thẻ BHYT phải chi trả từ tiền túi, mà hầu hết họ thuộc nhóm cận nghèo. Đau xót là ở chỗ đó" - ông Sơn nói.
LAN ANH
No comments:
Post a Comment