Kinh tế, tài chính Việt Nam bước sang quý hai của năm 2011 vẫn hàm chứa nhiều yếu tố bất ổn về điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là khả năng vận dụng các chính sách điều tiết lớn về giá cả, thị trường, tiền tệ và mậu dịch, theo bài viết ra ngày 20/05 của cây bút chuyên về Việt Nam của Financial Time, Ben Bland mà BBC giới thiệu sau đây.
Đối mặt với lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá và lo ngại về vấn đề tài chính tại các doanh nghiệp, công ty nhà nước nặng gánh nợ nần, Việt Nam vào tháng Hai đã công bố một gói thắt chặt tài chính, tiền tệ đối phó với khủng hoảng.
Các nhà đầu tư hoan nghênh sự thay đổi trong chính sách - vốn được biết đến là Nghị quyết 11 (về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội)
Tuy nhiên sau ba tháng với ít tác động theo dự kiến, một số trong các nhà đầu họ đã nghi ngờ và coi đây là một "cuộc chiến giả tạo".
Kể từ tháng 11, ngân hàng trung ương tăng gấp đôi lãi suất cho vay liên ngân hàng lên 15% nhằm ngăn chặn dòng tín dụng tăng gấp đôi từ mức 60% lên đến 120% của GDP trong năm năm qua.
Cho đến khi họ thấy bằng chứng vững chắc hơn về việc Nghị quyết 11 được thực thi thành công, thì giới đầu tư vẫn sẽ còn lo lắng.
Ben Bland, Financial Time
Thế nhưng bất chấp các động thái về thắt chặt chính sách tiền tệ, cắt giảm chi tiêu và các hạn chế đối với buôn bán vàng và đồng đôla trên thị trường tự do trong tháng Hai, các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, trung tâm tài chính chủ chốt của Việt Nam, nói rằng họ vẫn chưa nhận thấy một sự suy giảm đáng kể nào.
Santitarn Sathirathai, một nhà phân tích tại Credit Suisse, tin rằng lãi suất sẽ phải tăng cao hơn nữa nếu Việt Nam muốn chế ngự lạm phát, vốn ở mức 17,5 % so với cùng kỳ năm trước vào tháng Tư, một trong những mức lạm phát cao nhất ở châu Á.
"Mặc dù các dấu hiệu cho thấy khách hàng đi vay đang chịu chi phí lãi suất cao hơn, chúng ta chưa thấy có một sự suy giảm đáng kể nào về nhu cầu, như được thể hiện qua các số liệu về doanh số bán lẻ và thương mại của tháng Tư," ông Sathirathai cho hay trong một thông báo gần đây tới khách hàng.
Mặc dù có những tin đồn rằng một số nhà phát triển bất động sản đang tranh đấu để có được tín dụng và cố gắng để trả tiền nhà thầu bằng các căn hộ thay vì bằng tiền mặt, báo chí trong nước bị chính phủ kiểm soát đăng tải rất ít về nguy cơ suy kiệt tài chính, dù đó là các dự án bị hủy bỏ hoặc tình trạng mất việc làm.
Chưa phá sản ngay
Có một số lý giải về việc chưa hiển thị một cuộc khủng hoảng rõ ràng, theo các nhà quan sát thị trường.
Thứ nhất, người ta có thể đơn giản là phải mất nhiều thời gian hơn cho các biện pháp thắt chặt có kết quả, đặc biệt là trong trường hợp của tín dụng, với lãi suất cho vay ngân hàng thường được tái lập trên cơ sở sáu tháng một lần.
"Đến cuối quý III, chúng ta sẽ biết điều gì thực sự xảy ra", một chủ ngân hàng tại TP Hồ Chí Minh dự đoán.
Thứ hai, có một mối quan ngại rằng các công ty nhà nước, vốn từ lâu được thụ hưởng sự hào phóng của nhà nước dưới các hình thức tiếp cận đất đai, giấy phép và tín dụng giá rẻ, hiện đang tiếp tục được vay vốn từ các ngân hàng nhà nước với những mức triết khấu đáng kể so với mức lãi suất 25% mà một số công ty ở khu vực tư nhân buộc phải chi trả ngay bây giờ.
Cuối cùng, với một luật phá sản mà phần lớn là chưa được thử nghiệm trên thực tế và tình trạng nhiều công ty lớn của Việt Nam đa dạng hóa nhiều lĩnh vực kinh doanh, gồm cả ngân hàng, các phân tích gia nói rằng hoàn toàn có khả năng các công ty này có thể kéo dài tình trạng mà thông thường được coi là phá sản ở các nước có nền kinh tế phát triển hơn.
Giới đầu tư nói chính phủ Cộng sản Việt Nam có thành tích đáng kể về việc ban hành các nghị định mà hiệu quả thực hiện các nghị định là kém cỏi.
Cho đến khi họ thấy bằng chứng rõ ràng hơn về việc Nghị quyết 11 được thực thi thành công thì giới đầu tư vẫn sẽ còn lo lắng.
Thua lỗ
Chậm tăng trưởng và lãi suất cao hơn có thể gây áp lực lên cán cân thanh toán ngân hàng, vốn được cho là đamg có nhiều khoản vay lớn thiếu hiệu quả và suy giảm đáng kể sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng nhanh chóng
Matt Hildebrandt, JP Morgan
Hôm thứ Sáu 20/05, thị trường chứng khoán chính yếu của Việt Nam, vốn chỉ giao dịch vào buổi sáng, phải chịu đựng ngày thứ bảy liên tiếp bị thua lỗ, với chỉ số VN-Index đóng cửa giảm 2,7%, ở mức 432,87 điểm, tức là mất 10.4 % kể từ mức từ thứ Tư tuần trước.
Matt Hildebrandt, nhà kinh tế của JP Morgan tại Singapore, viết trong một thông báo cho các khách hàng hồi tuần này rằng nền kinh tế Việt Nam có khả năng tăng trưởng dưới tiềm năng của nó trong năm này, ở mức 5,2%, nhằm giúp cho Việt Nam "đạt được sự ổn định mà không làm sụp đổ nền kinh tế."
Nhưng ông cảnh báo rằng chậm tăng trưởng và lãi suất cao hơn có thể gây áp lực lên cán cân thanh toán ngân hàng, vốn được cho là đang có nhiều khoản vay lớn thiếu hiệu quả và suy giảm đáng kể sau nhiều năm tăng trưởng tín dụng nhanh chóng.
Một số chiều hướng như củng cố công nghiệp và/hoặc tái cấp vốn của ngân hàng có thể là cần thiết trong những năm tới, nhưng tính thiếu minh bạch có thể gây khó khăn cho việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Chính phủ Việt Nam đang ở trong một vị trí khá khó xử, theo giải thích của kinh tế gia. Nếu chính phủ kháng lại áp lực từ các công ty, từ cả khu vực nhà nước và tư nhân, để giảm lãi suất cho vay vào cuối năm nay, sự gia tăng rủi ro với các công ty sẽ bị kéo theo và một số ngân hàng nhỏ ít vốn có thể sẽ phá sản.
Nhưng nếu chính phủ theo hướng gia tăng lãi suất cho vay quá sớm, thì áp lực lên giá cả và đồng thời là việc giảm áp lực về tiền tệ của nội tệ VN Đồng có khả năng giáng đòn trở lại.
Và trong khi đây có thể vẫn là một cuộc chiến giả tạo, các nhà đầu tư thận trọng sẽ giữ chặt túi tiền của họ.
No comments:
Post a Comment