SGTT.VN - Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - một hoạt động nằm trong khuôn khổ hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) giữa kỳ sáng 27.5 tại Hà Nội, ông Dominic Scriven, trưởng nhóm Công tác thị trường vốn cho biết, VN-Index gần như là chỉ số chứng khoán suy giảm mạnh nhất trong số các thị trường mới nổi.
VN-Index gần như là chỉ số chứng khoán suy giảm mạnh nhất trong số các thị trường mới nổi. Ảnh minh hoạ: L.Q.N |
Theo ông, VN-Index đã suy giảm trong năm ngoái và tiếp tục giảm mạnh trong những tháng đầu năm nay.
Trong 6 tháng đầu năm 2011, kinh tế Việt Nam đã trải qua một giai đoạn đầy thách thức với nhiều bất ổn vĩ mô như lạm phát tăng cao (hiện là 20%), biến động trên thị trường vàng và ngoại hối, lãi suất kinh doanh quá cao và thanh khoản kém trong hệ thống ngân hàng.
"Mặc dù Chính phủ đã phát đi thông điệp rõ ràng về chính sách điều hành tài khóa và tiền tệ thắt chặt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô nhưng chúng ta cần phải thừa nhận thẳng thắn là việc điều hành của Chính phủ còn chậm và đôi khi bị động, đặc biệt là thiếu sự trao đổi một cách minh bạch, đầy đủ với cộng đồng kinh doanh, nên trong chừng mực nào đó đã gây ra cú sốc cho cộng đồng doanh nghiệp", ông Scriven nói.
Ông Scriven cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị định giá thấp hơn giá trị thực, hay đơn giản chỉ là đang phản ánh đúng những bất ổn vĩ mô và rủi ro của môi trường kinh doanh? Câu trả lời có lẽ sẽ phụ thuộc vào các điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong thời gian tới.
Đáng chú ý, ông Scriven nhận định, chính sự trì trệ của thị trường chứng khoán gần đây đã khiến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm lại. Trong khi đó, thị trường chứng khoán rất cần những hàng hóa có chất lượng để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì thế, Chính phủ cần tăng tốc chương trình cổ phần hóa thông qua một lộ trình mới với các tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu cụ thể. Đặc biệt, Việt Nam phải chú ý đến cơ cấu lại khu vực quốc doanh, nhất là sau sự đổ vỡ của Vinashin.
Một điểm nhấn khác của Diễn đàn doanh nghiệp lần này là huy động sự tham gia của tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, thông qua hình thức hợp tác công – tư (PPP). Theo ông Tony Foster, trưởng nhóm Công tác cơ sở hạ tầng, từ nay đến 2010, Việt Nam sẽ cần khoảng 160 tỉ USD cho đầu tư xây dựng đường bộ, đường sắt, cảng, cầu cống, điện, viễn thông… Trong đó, Chính phủ có thể tự huy động 100 tỉ USD (tính cả ODA), còn lại sẽ thiếu khoảng 8 tỉ USD mỗi năm. Vì vậy, ông Foster cho rằng Chính phủ cần cân nhắc và bàn thảo với khu vực tư nhân để thu hút sự quan tâm của khu vực này.
Việt Anh (ghi)
No comments:
Post a Comment