TUYÊN NGÔN LẠC HỒNG
Nam quốc Mộc Tinh chấn Lạc Hồng
Vận thiên khí hội kiến hòa nhân
Chấn đạo quốc hưng bình thiên hạ
Ngoại quốc lân bang kính phục giao.
Trần Đông Chấn

Hoàng Sa Việt Nam: Nỗi đau mất mát - La Meurtrissure

Search This Blog

Saturday, December 17, 2011

Bộ Chính trị ra Nghị quyết về doanh nhân Việt Nam


16/12/2011 19:45:42
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Bee.net.vn xin giới thiệu toàn văn Nghị quyết: 

I- Đánh giá tình hình

Các doanh nhân Việt Nam được tôn vinh trong ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Các doanh nhân Việt Nam được tôn vinh trong ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Ảnh: IE
Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhờ đó, nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân có chuyển biến tích cực, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, hướng hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đất nước. 

Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đội ngũ doanh nhân trong khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày một trưởng thành, chất lượng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đội ngũ doanh nhân trong khu vực ngoài nhà nước ngày càng đông đảo, thể hiện tính năng động, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân nước ta còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập. Một bộ phận doanh nhân còn thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi, móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, làm trầm trọng thêm các tiêu cực xã hội. 

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên trước hết là do những sơ hở, lỏng lẻo và yếu kém của hệ thống các quy định pháp luật và công tác quản lý nhà nước; do đội ngũ doanh nhân nước ta mới hình thành và phát triển, chưa có tích lũy nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh. 

Ở một số nơi, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đối với doanh nhân còn hạn chế, chưa có được sự thống nhất nhận thức về vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thể chế về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân còn thiếu đồng bộ; cải cách hành chính còn chậm. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống và đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân chưa được chú trọng. Công tác phát triển đảng trong đội ngũ doanh nhân và việc xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế ngoài nhà nước còn nhiều bất cập... 

II-Quan điểm chỉ đạo

1- Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế. 

2- Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

3- Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị và của bản thân mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân phải gắn liền với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền sở hữu và tự do kinh doanh của doanh nhân theo pháp luật, khuyến khích doanh nhân làm giàu cho mình và cho đất nước. Tăng cường mối liên kết, hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa doanh nhân với công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

III-Mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ

1- Mục tiêu 

Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông-Nam Á. 

2- Phương hướng, nhiệm vụ 

2.1- Nâng cao nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế 

Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức trong cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận xã hội về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phát huy tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, khuyến khích các hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra nhiều của cải cho xã hội; tôn vinh sự cống hiến và bảo hộ thu nhập hợp pháp của doanh nhân; nâng cao trách nhiệm của doanh nhân đối với cộng đồng xã hội. 

Tổ chức cho doanh nhân và doanh nghiệp thực hiện tốt việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh," cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các cuộc vận động khác do Đảng, Nhà nước phát động. 

2.2- Tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nhân 

Công khai, minh bạch các định hướng, quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các chính sách hỗ trợ để định hướng cho doanh nhân, doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch, kế hoạch phát triển và bảo đảm quyền lợi đầu tư, giảm rủi ro kinh doanh cho doanh nhân. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công-tư. Khuyến khích tư nhân góp vốn vào các doanh nghiệp nhà nước. Thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp lớn, có hiệu quả và sức cạnh tranh cao. 

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, về tài chính công, thuế, tài nguyên môi trường, bảo vệ người tiêu dùng; tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, xoá bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh, xã hội hoá đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Phát triển đồng bộ, vận hành thông suốt, lành mạnh các thị trường, nhất là thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học-công nghệ. Nâng cao hiệu lực xét xử của tòa án về các vụ việc tranh chấp thương mại, khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. 

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính đối với doanh nhân, doanh nghiệp, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích và có biện pháp bảo vệ các doanh nhân đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. 

Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế vùng và địa phương. 

Xây dựng các cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân, nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân trong quá trình kinh doanh. 

Xây dựng cơ chế giám sát và đánh giá tác động của chính sách phát triển doanh nghiệp của Quốc hội, hội đồng nhân dân và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. 

2.3- Hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nhân khu vực nông thôn 

Xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp gắn với quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu ngành, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước với trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và ngân hàng thương mại nhà nước. 

Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quan tâm hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể phát triển thành doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp. Khuyến khích liên kết, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp có quy mô vừa; thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp lớn, có khả năng dẫn dắt, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, khẳng định vị trí tại thị trường trong nước và thâm nhập có hiệu quả vào thị trường thế giới. 

Hỗ trợ doanh nhân xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài thông qua các chương trình xúc tiến thương mại cụ thể, thực chất. Chú trọng cung cấp kiến thức pháp luật, thông tin về thị trường, về khoa học công nghệ cho doanh nghiệp. Cơ quan đại diện thương mại, đại diện ngoại giao có trách nhiệm giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nhân khi hoạt động kinh doanh ở nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân Việt Nam tham gia tiến trình hội nhập quốc tế. 


Có chính sách và triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nhân đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nghiên cứu thiết kế, thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới. Chú trọng đầu tư phát triển doanh nghiệp trong các khu công nghệ cao. Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản. Tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp, doanh nhân với công nhân, nông dân và các nhà khoa học. 

Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển lực lượng doanh nhân khu vực nông nghiệp, nông thôn; cải thiện khả năng tiếp cận thông tin tài chính, công nghệ và thị trường của doanh nhân ở khu vực này; chú trọng gắn kết chặt chẽ, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa nhà kinh doanh và nhà nông. 

2.4- Quan tâm, tạo chuyển biến trong đào tạo và bồi dưỡng doanh nhân 

Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đào tạo doanh nhân, chương trình đào tạo về khởi sự doanh nghiệp; trang bị cho doanh nhân mới những kiến thức cần thiết về kinh doanh, về pháp luật và trách nhiệm xã hội; từng bước tiếp cận chuẩn mực pháp luật quốc tế trong đào tạo quản trị kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. 

Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp đào tạo về kinh tế, quản trị kinh doanh ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề theo hướng nâng cao tính thực tiễn của các chương trình đào tạo và khả năng thực hành của học viên. Tăng cường mối quan hệ, liên kết giữa nhà trường, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp; gắn đào tạo của nhà trường với yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội; khuyến khích doanh nhân tham gia đầu tư và giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm, sự trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức dân tộc, ý thức cộng đồng. Tạo điều kiện để doanh nhân Việt Nam giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với doanh nhân nước ngoài. 

2.5- Đề cao đạo đức, văn hoá kinh doanh, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, xây dựng quan hệ lao động hài hòa 

Xây dựng chuẩn mực của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có đạo đức, văn hoá kinh doanh, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. 

Xây dựng hình ảnh doanh nhân có bản sắc Việt Nam; khuyến khích doanh nhân không ngừng hoàn thiện mình để trở thành những người có trách nhiệm, có đóng góp cho xã hội và đất nước. Phát động các phong trào thi đua để nuôi dưỡng khát vọng vươn lên của doanh nhân Việt Nam. Đồng thời, quản lý hoạt động tôn vinh khen thưởng doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu theo đúng quy định của pháp luật, thực sự có tác dụng biểu dương, nêu gương. 

Hoàn thiện khung khổ pháp luật để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và tăng cường sự gắn bó giữa doanh nhân và người lao động trong doanh nghiệp. Doanh nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành, phát triển các tổ chức chính trị và chính trị-xã hội trong doanh nghiệp; tham gia xây dựng hệ thống pháp luật, nhất là những quy định liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân. 

2.6- Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân 

Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và người sử dụng lao động ở Việt Nam. 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các hiệp hội doanh nghiệp cần quan tâm đến công tác vận động chính trị trong đội ngũ doanh nhân bằng nhiều hình thức thích hợp; tập hợp, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của đội ngũ doanh nhân; tham mưu cho Đảng, Nhà nước về các chính sách kinh tế - xã hội; xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nhân; hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân hội nhập kinh tế quốc tế. 

Tăng cường hợp tác, tham vấn, đối thoại giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; tạo điều kiện cho các doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng, triển khai các quy hoạch phát triển ngành hàng, kinh tế vùng và địa phương. Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho các hiệp hội và hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp. 

2.7- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân

Các cấp ủy đảng thường xuyên quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân; chỉ đạo triển khai thực hiện chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân. Cụ thể hóa đường lối, chính sách của Đảng đối với đội ngũ doanh nhân bằng các chương trình hành động thiết thực. Thường xuyên lắng nghe và tham vấn ý kiến của doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương. Quan tâm lãnh đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm phiền hà, sách nhiễu trong việc thực hiện các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, doanh nhân. 

Chú trọng công tác phát triển đảng, xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Nâng cao giác ngộ chính trị cho người sử dụng lao động và người lao động, bảo đảm cho hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thí điểm việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Tạo điều kiện cho đội ngũ doanh nhân có đại diện trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. 

Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức, đoàn thể trong doanh nghiệp. Hướng dẫn để các tổ chức, đoàn thể hợp tác cùng doanh nhân góp phần xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, quan hệ lao động hài hoà, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, bảo đảm doanh nghiệp phát triển bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động không ngừng được nâng cao. 

IV- Tổ chức thực hiện

1- Cấp ủy, tổ chức đảng ở từng cấp có trách nhiệm tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết. 

2- Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân. 

3- Ban cán sự đảng Chính phủ xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết; chuẩn bị đề án đào tạo phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam đến năm 2020; lãnh đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân đến năm 2020. 

4- Đảng đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nhân nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập, khen thưởng, tôn vinh doanh nhân, phát triển các hiệp hội doanh nghiệp và làm tốt công tác đại diện người sử dụng lao động. 

5- Ban Dân vận Trung ương phối hợp với các ban của Đảng và Đảng đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết và định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư. 

Nghị quyết này được phổ biến đến chi bộ.
 
(Theo TTXVN)

No comments:

Post a Comment

Vìdeo trực tiếp từ Paltalk: Diễn Đàn Chính Trị Tranh Luận Dân Chủ

Video#2 : DienDan ChinhTri TranhLuan DanCHu - Live from PalTalk

Log In Paltalk: DienDan_ChinhTri_TranhLuan_DanChu

Liberty