Tuổi Trẻ Cuối tuần
TTCT - Nhiều người rất thích ăn cua, nhưng lại rất bực bội khi thấy dây cột cua quá lớn. Dây cột cua thường sũng nước khiến trọng lượng thật của cua giảm đi đáng kể, làm người mua cua bị thiệt có khi đến 30-40%.
Dù người bán có biện minh cách gì thì vẫn có thể nói đây là sự gian dối trong kinh doanh, người tiêu dùng coi như bị móc túi trắng trợn giữa thanh thiên bạch nhật. Từ đó, nhiều người dù có thèm lắm cũng ít khi mua cua về ăn vì tức do phải bỏ tiền mua cả thứ không ăn được là... dây cột cua.
Nhưng xét cho cùng vẫn là người nuôi, người bán cua bị thiệt trước do đầu ra không bứt lên được, giá cả cũng lừng khừng, hiệu quả cho người nuôi không cao còn lợi nhuận của người bán cũng không nhiều. Đúng là lợi bất cập hại! (Vì cái lợi nhỏ do sự gian dối hại cái lợi lớn hơn của bao người).
Cua biển đang trở thành giải pháp của nhiều hộ dân ở bán đảo Cà Mau, khi mà tôm sú bị dịch bệnh liên miên, giá cả bấp bênh, người nuôi điêu đứng, giá cá chình, cá bống tượng liên tục bị tuột dốc khiến nhiều người phải “treo” ao. Không ít hộ trúng mùa cua, lại trúng cả giá, không chỉ giải quyết được nợ cũ nặng mang từ thời con tôm, mà còn sửa được nhà, mua sắm những vật dụng đắt tiền.
Cua là loài giáp xác dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, tương đối ít dịch bệnh, lại có giá cao, dễ bán, thị trường rất rộng, hiệu quả mang lại cho người nuôi có thể thấy rõ nên càng hấp dẫn. Nếu bà con nông dân tổ chức nuôi dưỡng hợp lý như tính chuyện rải vụ, thả thưa, cho ăn đúng kỹ thuật, chăm sóc bảo quản tốt, bắt tỉa hợp lý... thì lo gì không làm giàu bền vững. Và nếu người tiêu dùng không phải mua... dây cột cua thì chắc chắn khả năng sinh lợi của người nuôi, người bán sẽ tăng lên mà người mua cũng cảm thấy mát lòng.
KS NGUYỄN VĂN THƯỚC (Cà Mau)
No comments:
Post a Comment