Trong buổi triển lãm của cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc tại Seoul, các công ty tham dự phàn nàn rằng rất khó nhận biết sự khác biệt giữa 320 sản phẩm của Hàn Quốc với 320 sản phẩm nhái có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Lon bia bên trái là hàng gốc của hãng bia Cass, Hàn Quốc, trong khi lon bên phải là hàng Trung Quốc có tên Cafs, sản phẩm được cho là hàng nhái của Cass được trưng bày trong triển lãm tại Seoul từ 11-15.9. Ảnh Yonhap
Các sản phẩm được đưa ra trưng bày từ ngày 11-15.9 có nhiều loại từ máy nghe nhạc MP3, điện thoại, máy điều hoà không khí, thiết bị điện gia dụng, hàng nhựa, quần áo cho đến thực phẩm, nước uống, nhân sâm. Hàng nhái của Trung Quốc theo mẫu hàng Hàn Quốc lâu nay gây lo lắng cho các công ty Hàn Quốc vì những sản phẩm này không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu các công ty lớn nhỏ của Hàn Quốc mà còn cạnh tranh không công bằng trên thị trường.
Tháng 5.2009, Văn phòng bản quyền trí tuệ của Hàn Quốc đã thực hiện một khảo sát đối với 300 người sống tại Thượng Hải, Trung Quốc và phát hiện 43% nói rằng họ đã mua những sản phẩm nhái vì giá rẻ hơn. Trong một khảo sát khác của hiệp hội thương mại Hàn Quốc (KOTRA) cho biết 90% khách hàng Trung Quốc khi mua hàng nhái đều nghĩ đó là hàng thật
Ông Chung Deok-bae, phụ trách Văn phòng bản quyền trí tuệ của Hàn Quốc cho biết ngày nay sản phẩm làm giả tinh vi hơn, nên việc khởi kiện vi phạm bản quyền rất khó. Những người làm hàng giả dùng nhiều mẫu thiết kế của hàng loạt sản phẩm, vì thế những công ty sở hữu bản quyền rất khó kiện. Thêm vào đó, những công ty làm hàng nhái của Trung Quốc còn mang mẫu của mình đi đăng ký bản quyền tại Trung Quốc, coi như đó là công nghệ riêng của họ. Nhưng trên thực tế, những người bắt chước mẫu mã hoàn toàn phải phụ thuộc vào mẫu gốc để sao chép.
Tại Trung Quốc, ngành công nghiệp nhái “shanzhai” nổi tiếng lâu nay và được tiêu thụ rộng rãi ở những nước đang phát triển khu vực châu Á. Những sản phẩm được làm giống hệt những sản phẩm có thương hiệu nhưng với giá chỉ bằng từ 10%-30% so với hàng thật, tất nhiên chất lượng kém hơn và có tên gọi hơi khác. Thí dụ điện thoại Samsing thay vì Samsung, hay điện thoại Nckia, thay vì Nokia. Những lon bia có tên Hike, Life, Helt và Hero ăn theo mẫu thực là Hite. Các nhà sản xuất và ủng hộ xu hướng này tại Trung Quốc biện hộ rằng những mặt hàng này tạo cơ hội cho khách hàng thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận sản phẩm mới, công nghệ cao, vốn thường thuộc về những người giàu có!
K.D (Korea Times, Joongangdaily)
No comments:
Post a Comment