Viện nghiên cứu phát triển (IDS), cơ quan nghiên cứu xây dựng theo mô hình think-tank đầu tiên ở Việt Nam, vừa quyết định tự giải thể để phản đối Quyết định 97 về phản biện của Chính phủ.
Thông cáo đăng trên trang mạng của IDS viết: " Ngày 14/09/2009, Hội đồng Viện IDS đã họp phiên toàn thể, quyết định tự giải thể để biểu thị thái độ dứt khoát của Viện đối với Quyết định 97".
Quyết định 97/2009/QĐ-TTg về việc ban hành Danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký hôm 24/07 và bắt đầu có hiệu lực ngày thứ Ba 15/09.
Văn bản này khi công bố đã gặp phản đối khá dữ dội của nhiều trí thức trong nước, cho dù ban soạn thảo quyết định giải thích đây chỉ là động thái minh bạch và cụ thể hóa hoạt động của các tổ chức KH&CN.
Điều 2, nói về ý kiến phản biện, quy định "không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ".
Điều 4 thì yêu cầu "rà soát lại các tổ chức KH&CN do cá nhân đã thành lập để hướng dẫn đăng ký lại hoạt động".
IDS cho rằng Quyết định 97 đã có "sai phạm nghiêm trọng" và đã gửi thư kiến nghị ngày 06/08/2009 lên Thủ tướng. Bản thân ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có hai cuộc gặp với lãnh đạo IDS về nội dung Quyết định.
Với một quyết định hạn chế đến mức vô lý quyền nghiên cứu của một tổ chức khoa học, Viện nghiên cứu phát triển IDS không thể tiếp tục hoạt động theo sứ mệnh đã xác định trong mục tiêu ghi vào Điều lệ của mình.
Thông cáo của IDS
Tuy nhiên thông cáo của Viện này cho hay " tất cả các kiến nghị của Viện IDS về Quyết định 97 đều không được chấp nhận".
Thông cáo viết: "Với một quyết định hạn chế đến mức vô lý quyền nghiên cứu của một tổ chức khoa học, Viện nghiên cứu phát triển IDS không thể tiếp tục hoạt động theo sứ mệnh đã xác định trong mục tiêu ghi vào Điều lệ của mình".
Sau khi giải thích rõ lý do giải thể, IDS cũng nói rõ: " Chúng tôi cũng giữ quyền sử dụng tiếp các công cụ pháp lý để bảo vệ sự trong sáng của luật pháp".
Đe dọa an ninh?
Viện nghiên cứu phát triển IDS được thành lập vào cuối năm 2007 tại Hà Nội. Đây là một Viện nghiên cứu 100% tư nhân và do các nhà khoa học, các thành viên sáng lập tư nhân, góp vốn xây dựng.
Nguyên tắc của Viện được nói là hoạt động trên cơ chế độc lập và mở. Độc lập cả về quan điểm nghiên cứu tới cơ chế tài chính, không chịu sự ảnh hưởng của kể các nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp, cá nhân và các nhà tài trợ.
Hội đồng IDS gồm 16 vị, bao gồm các tên tuổi trí thức lớn như Hoàng Tụy, Nguyễn Quang A, Phan Đình Diệu, Tương Lai, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Trung, Nguyên Ngọc...
Trong hai năm hoạt động, IDS đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm khoa học về chính sách, chiến lược trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế tới giáo dục, y tế, thể chế...
Các thành viên IDS đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến trong quá trình phản biện cho cải cách giáo dục Việt Nam và dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên.
Ban lãnh đạo Viện tự đánh giá là đã " làm được một số việc có ích cho đất nước, đóng góp ý kiến xây dựng đối với một số vấn đề hay chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, được dư luận xã hội, đặc biệt là giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm".
Tuy nhiên, thông cáo của IDS cho hay "trong thời gian qua, tồn tại dai dẳng một số nhận xét sai lệch của cơ quan an ninh về Viện IDS, thậm chí cho rằng Viện nhận tiền của nước ngoài và có hoạt động chống đối Nhà nước".
IDS nói ngày 16/01/2009 đã gửi thư lên lãnh đạo Đảng và Nhà nước phản đối "nhận định sai trái" này nhưng không được hồi âm.
Bấm Quý vị bấm vào đây để xem và chia sẻ ý kiến về việc IDS tự giải thể.
No comments:
Post a Comment