BÀI 2: “Tập đoàn” kinh tế đầu tiên của người Việt
SGTT - Trong những chủ trương phát triển công kỹ nghệ của ông Trần Chánh Chiếu thì việc thành lập công ty Nam Kỳ Minh Tân công nghệ có thể được xem là táo bạo nhứt.
Liên tục trên các số báo Lục Tỉnh Tân Văn (LTTV) từ số 21, ra ngày 9.4.1908 đến số 49, ra ngày 22.10.1908, luôn có những thông tin về kết quả vận động, tổ chức và bước đầu đi vào hoạt động của công ty này.
Kinh doanh đa ngành
Một khu phố buôn bán của Hoa kiều ở Chợ Lớn vào những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Ảnh: Tư liệu
Có thể hình dung đây là một tập đoàn kinh tế theo hình thức góp vốn cổ phần, có lĩnh vực hoạt động kinh doanh rộng lớn từ sản xuất, đào tạo nhân lực, đến thương mại, xuất nhập khẩu…
Trong điều lệ “rao theo luật buộc” (LTTV số 32) cho biết rõ mục đích của việc thành lập:
“Khoản thứ nhứt – Những người có mặt tại đây và chư vị hùn sau, cùng nhau lập một công ty đặng mà:1. Lập lò nghệ tại Nam kỳ: lò chỉ (kéo sợi từ bông vải, tơ tằm – NV), lò dệt, lò savon (xà phòng – NV), thuộc da và pha ly (thuỷ tinh – NV)…
2. Dạy con nít làm các nghề ấy.
Gilbert Chiếu làm tổng lý công ty.
Quán chánh công ty ở tại thành Mỹ Tho”.
LTTV số 39 lại thấy rao: “Tổng lý là G. Chiếu ra thông cáo cho biết ai có hùn vốn thì có quyền gởi con đến học nghề, thời hạn học là bảy năm, công ty nuôi cơm nước còn quần áo, mùng mền thì cha mẹ phải chịu. Công ty lo nhà ngủ, nhà ăn cho học trò, đứa nào học giỏi sẽ được hưởng lương tháng, sau đó, khi biết nghề rồi phải giúp việc cho công ty bảy năm”.
Trong thời gian biểu học tập thấy ghi rõ các phần học nghề, học chữ quốc ngữ, học chữ “Langsa” (tiếng Pháp – NV), thời gian luyện tập thể thao và dọn dẹp vệ sinh…, cả phần: “Ngày lễ theo đạo Thiên Chúa hoặc theo đạo Thích Ca, học trò được đi làm việc bổn phận”.
Việc khởi xướng cuộc vận động thành lập Nam Kỳ Minh Tân công nghệ bắt đầu từ ngày tháng nào, vẫn chưa tìm thấy được. Nhưng bắt đầu từ số 21 trên LTTV đã thấy rao:
“Hễ cuối tháng thì sẽ có rao số chư vị có đóng bạc, còn số rao mỗi khi đó thì nay không ghi nữa, vì đã khỉ (khởi – NV) sự thâu bạc. Phiến ngôn cửu đỉnh, nhứt nặc thiên kim. Cúi xin bạn đồng bang phải giữ lời hứa, chớ khá giêng (diên – NV) trì mà hư việc cả. Nay kính. Gilbert, Mỹ Tho”.
Lại thấy ghi thêm:
“Nếu có đóng bạc thì đóng tại Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho hoặc là Nam Trung khách sạn ở Sài Gòn”.LTTV số 29, vào tháng 6.1908:
“Minh Tân Công Nghệ đã nhóm đại hội hôm ngày 31 Mai (tháng Năm – NV) này. Nay đã nộp điều lệ cho Notaire cầu chứng, vài ngày nữa sẽ rao và in ra 3.000 cuốn phát cho chư vị có hùn, trong chừng một tháng nữa sẽ khởi công khai trương”.
Như thế, cho đến thời điểm này đã có ít nhứt là 3.000 cổ đông, tất nhiên một cổ đông có thể sở hữu nhiều cổ phần.
Người Việt dùng hàng Việt
Ga tàu lửa từ Chợ Lớn đi Sài Gòn ở những năm đầu thế kỷ 20. Ảnh: Tư liệu
Cũng trong LTTV số 29, trang 5 còn đăng lời rao, ký tên G. Chiếu:“DẦU SẢ: Bên phương Tây hay mua sả cây làm dầu, trộn với savon để làm savon thơm, còn xác còn lại lấy làm giấy. Trong Nam kỳ ai có đất hoang nên trồng sả cho nhiều, chừng nửa năm nữa tôi sẽ rao mua nhiều lắm”.
Ngày 3.9.1908 công ty rao mua 100.000 trái dừa khô để làm xà bông.
Ngày 17.9.1908 thấy thông báo chánh chủ hội là ông Nguyễn Viên Kiều mời các người dự hội tới xem việc làm nền và dựng cây cất lò, trước đó công ty đã mua đất của ông M. de Balman gần cầu sắt Mỹ Tho, ngang rạp hát Tư Lài. Trước khi những người dự hội ra về, ông Gilbert Chiếu tặng cho mỗi vị nghị sự bốn cục savon “đem về dùng thử, tốt xấu sẽ đem như lời luận của các ông vào LTTV”.
Số 43 LTTV ra ngày 10.9.1908 đăng quảng cáo hai trang lớn về xà bông Con Vịt “tốt hơn của Chệt làm”.
Số 49 LTTV ra ngày 22.10.1908 cho biết: “Từ ngày có savon Minh Tân ló ra bán rẻ, thì savon các Khách (Hoa kiều – NV) cũng hạ giá theo, nên nay công ty hạ giá bán cho các đại lý hơn, hoặc ai mua từ 100 ký lô cũng nhờ được”.
Trong Nam Kỳ Minh Tân công nghệ cuộc còn có cơ sở bào chế Đông Nam dược, làm ra các loại thuốc ta dạng tán, dạng nước, dạng viên, ngâm rượu… Trong lời rao có đoạn: “… song các món thuốc hay của người ngoại quốc thì cũng ít hạp cùng chứng bịnh nước ta đặng, là vì phong thổ bên phương Tây thì lạnh thiệt lạnh, mà nóng thiệt nóng, còn bên phương ta không nóng không lạnh, nên khác xa lắm. Kìa cũng có một ít người Langsa cũng hay dùng thuốc An Nam cho hợp phong thổ hơn, vậy thì tôi chắc người An Nam mình dùng thuốc mình thì hay lắm”. (LTTV số 17).
Nguyễn Trọng Tín soạn
Kỳ sau: Tranh thương
Nam kỳ những năm đầu thế kỷ 20, việc kinh doanh buôn bán phần lớn nằm trong tay người Hoa ở Chợ Lớn. Trong các chủ trương về cuộc Minh Tân của mình, Trần Chánh Chiếu đặc biệt khuyến khích người Việt tích cực tham gia vào công cuộc buôn bán. Ông G. Chiếu sẵn sàng quảng cáo miễn phí cho những tiệm buôn trên báo. Hai ngành kinh doanh được quan tâm hàng đầu đó là lúa gạo và bách hoá, cả xuất và nhập khẩu...
No comments:
Post a Comment