Tuổi Trẻ Cuối tuần
Malalai Joya lên tiếng trong Raising my voice - Ảnh: panmacmillan.com |
Tại diễn đàn của Hội đồng Loya Je’rga (quốc hội lâm thời của Afghanistan) năm 2003, trước hơn 500 đại biểu đang thảo luận thông qua hiến pháp mới thời hậu Taliban, Joya lúc đó chưa tròn 24 tuổi đã lớn tiếng buộc tội một số ông nghị là “những kẻ giết người”, “bọn tội phạm”.
Cô đã phải thuyết phục chủ tọa cho mình được nói và phải kiễng chân vì micro cao quá vóc người nhỏ bé của mình. Đối diện với những khuôn mặt bặm trợn, râu quai nón phủ kín mặt với những ánh mắt hằn thù, Joya vẫn lớn tiếng đòi “đưa bọn tội phạm ra tòa án quốc tế, không cho phép chúng quyết định vận mệnh của đất nước”!
Gửi lời chia buồn đến nhân dân ngay tại quốc hội
Cả hội trường lay động, nhiều người vỗ tay tán thưởng. Nhưng từ phía những người râu dài - các vị lãnh chúa cát cứ - thì dội lên những tiếng quát tháo đòi đuổi “con bé hỗn láo” ra khỏi hội trường. Một số người hùng hổ xông lên diễn đàn, nơi Joya đang diễn thuyết, với những nắm đấm giơ cao. Những người khác hộ tống cô nghị sĩ cương nghị thoát ra ngoài, nhưng họ cũng sợ những gì cô đã dám nói.
Bắt đầu từ đó Joya phải sống cuộc đời không thật là chính mình. Cô phải chấp nhận 12 nhân viên an ninh bảo vệ thường trực và hộ tống mỗi khi di chuyển trong nước. Rồi lực lượng Liên Hiệp Quốc cắt cử người bảo vệ riêng cho Joya. Khi đến họp quốc hội, cô đi xe của Liên Hiệp Quốc và những người lạ mặt trang bị tận răng luôn bảo vệ cô. Năm 2005, Joya ứng cử lần nữa vào quốc hội và trúng cử đại diện cho khu vực Farah. Trên diễn đàn phiên họp đầu tiên của quốc hội mới, trong khi ai cũng chúc tụng và tán thưởng thì Joya lại gửi “lời chia buồn tới nhân dân Afghanistan”, vì có “những kẻ tội phạm” đang khoác áo nghị sĩ. Thế là chỉ sau vài phút cô bị tước micro.
Suốt hai năm sau này cũng vậy, Joya rất khó khăn mỗi khi muốn phát biểu tại quốc hội. Cô luôn nỗ lực trong đơn độc và chịu nhiều lời dè bỉu, giễu cợt. Không ai muốn thảo luận những vấn đề thực chất của đất nước mà cô nêu ra. Trong quyển sách nhan đề Raising my voice (tạm dịch Tôi lên tiếng) vừa xuất bản, Joya viết: “Tôi cảm thấy chịu áp lực ghê gớm mỗi khi muốn nói thay cho nhân dân. Tôi còn bị chính những nghị sĩ trong quốc hội xúc phạm và dọa giết”.
Sau chưa đầy hai năm hoạt động tại quốc hội, Joya được mời sang Mỹ và xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Arina của Afghanistan. Khi ấy cô phát biểu rằng nếu quốc hội (Afghanistan) cứ hoạt động theo kiểu này sẽ khiến mọi người coi đó như “một vườn thú”. Thế là khi về nước, cô bị bỏ phiếu loại khỏi quốc hội, không cho hoàn tất nhiệm kỳ năm năm. Cô không hề được tự biện hộ, không được phát biểu gì trước khi bị truất quyền nghị sĩ.
Tội ác nhân danh nền dân chủ
Từ khi công khai lớn tiếng phản kháng tại quốc hội, Joya đã bị ám sát ít nhất năm lần. Theo lời cô, một ông nghị đã nói: “Chúng tôi đã đuổi cô ta ra khỏi quốc hội nhưng như thế chưa đủ. Chúng tôi vẫn dõi theo cô ta bằng súng Kalashnikov”. Joya vẫn sống ở Afghanistan và thường xuyên ra nước ngoài. Cô phải chấp nhận cuộc sống thoắt ẩn thoắt hiện để được an toàn. |
Nhưng tình hình sau đó khiến ai nấy đều vô cùng thất vọng. Các lãnh chúa bạo tàn xuất hiện khắp nơi. Cường quyền Taliban được thay bằng bạo quyền và hỗn loạn. Joya cho rằng tình hình Afghanistan đang ngày càng xấu đi. Sách của Joya viết: “Khi Taliban cầm quyền, họ phạm tội với nhân dân. Nhưng ít nhất chúng tôi cũng biết rằng những kẻ tội phạm ấy là những bộ óc lạc hậu, những cái đầu ngu muội thời trung cổ. Còn ngày nay, tội ác lại đang nhân danh nền dân chủ”.
Trong bảy năm qua, chính quyền Hamid Karzai nhận được 10 tỉ USD viện trợ, nhưng phần lớn số tiền ấy đã chui vào túi các lãnh chúa. Joya cho rằng dân thường là nạn nhân chủ yếu của cuộc chiến tranh do Mỹ phát động chống Taliban. Cô dẫn số liệu của các tổ chức nhân quyền nói chỉ có 2.000 quân Taliban bị tiêu diệt, trong khi có đến 8.000 dân thường chết oan.
Cô công nhận phụ nữ có dễ thở hơn so với thời Taliban. Ở thủ đô Kabul và một số thành phố lớn, phụ nữ đã được học hành và làm việc. “Nhưng họ vẫn buộc phải choàng barqaa vì sợ bị trả thù. Vẫn có những phụ nữ phải tự thiêu vì bị nhục nhã oan uổng”. Có những luật lệ mới chẳng khác gì thời Taliban, như luật buộc nữ tín đồ dòng Shi’a phải được phép của chồng trước khi ra khỏi nhà. Joya nói tới luật mà quốc hội đã phê chuẩn và Tổng thống Karzai mới ký ban hành, trong đó có điều khoản buộc người vợ phải chấp nhận đòi hỏi tình dục của chồng bất kể hoàn cảnh nào.
Đòi “quân chiếm đóng” rút đi
Tại một câu lạc bộ báo chí ở London, Joya phát biểu: “Mọi người đều nói Afghanistan sẽ bị nhấn chìm trong nội chiến nếu NATO rút đi. Không ai nói tới một cuộc nội chiến thật sự đang diễn ra tại nước này. Chúng tôi đang phải cùng lúc chống lại hai kẻ thù: thù bên trong và thù đến từ bên ngoài”. Không chỉ công kích các lãnh chúa bạo tàn và hầu hết giới chính khách đương thời trong nước, Joya còn lên án lực lượng mà cô gọi là “quân chiếm đóng” của NATO. Joya phê phán chính quyền Mỹ đã nâng đỡ “các chính khách bù nhìn, những kẻ tham nhũng và tội phạm” trong chính quyền Afghanistan hiện nay mà không trợ giúp cho dân chủ và tự do.
Joya cho rằng Afghanistan sẽ có lợi hơn nếu NATO rút đi. Cô khẳng định nước này cần được “sự giúp đỡ vô tư của cộng đồng quốc tế chứ không phải là sự chiếm đóng”. Theo Joya, cách tốt nhất là NATO nên rút quân, “trợ giúp những người dân chủ và tự do ở đất nước chúng tôi thay vì đổ tiền cho các lãnh chúa”, đồng thời hỗ trợ giáo dục cho nhân dân Afghanistan để họ có thể tự đảm trách công việc của đất nước mình.
Joya cũng không phải là tên thật, bởi cô không muốn gia đình phải liên lụy vì các hoạt động của mình. Chồng của Joya kết hôn với cô năm 2005, sau khi cô trở thành nghị sĩ. Ông vẫn biết hoạt động chính trị của cô là nguy hiểm và có thể bị ám sát bất cứ lúc nào, nhưng ông chấp nhận. Khi được hỏi liệu có sợ chết, Joya trả lời: “Tôi không sợ chết mà chỉ sợ sự im lặng chính trị chống lại bất công. Tôi thực hiện nghĩa vụ của mình là nói lên sự thật. Tôi cố hết sức để tồn tại an toàn vì tôi vẫn còn trẻ và đầy sức sống”.
NGUYỄN NGỌC HÙNG (Theo aawsat.com)
No comments:
Post a Comment