Tháng 1.1908, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục bị thực dân Pháp dẹp bỏ, đàn áp, song tư tưởng Duy Tân đã kịp lan toả khắp Bắc, Trung, Nam. Liền sau đó tại Nam kỳ nổi lên cuộc vận động xã hội sôi nổi với tên gọi mới là Cuộc Minh Tân. Hoạt động công khai của Cuộc Minh Tân là khuyến khích sự tự cường kinh tế của người Việt với nhiều hoạt động sản xuất, kinh thương đến tài chính, dịch vụ… mà người chủ soái là ông Trần Chánh Chiếu. Bài 1: Chủ soái của Cuộc Minh Tân Muốn giành được độc lập, trước hết người Việt phải canh tân lại nền kinh tế, phải làm chủ những tập đoàn kinh tế lớn đủ sức cạnh tranh với sự độc quyền kinh doanh lúa gạo, nông thổ sản từ tay người Hoa; mở mang công kỹ nghệ để cạnh tranh với hàng hoá người Pháp, chiếm lấy khu vực kinh tế dịch vụ đang manh nha hình thành… Đó là những chủ trương đầy tham vọng của những người khởi xướng Cuộc Minh Tân.
| Nền thương nghiệp rất sơ khai của người Việt đầu thế kỷ 20. Trong ảnh: chợ gạo ở Lái Thiêu. Ảnh: TL | Nền kinh tế trong tay ngoại bang Đầu năm 1908, tờ Lục Tỉnh Tân Văn (LTTV) phát hành số 1 (15.1.1908), chủ bút là Trần Nhật Thăng, một bút danh của ông Trần Chánh Chiếu. Để khai sinh tờ LTTV, ông Chiếu phải thôi giữ chân chủ bút của tờ Nông Cổ Mín Đàm và dù có quốc tịch Pháp, ông vẫn phải nhờ ông Pierre Jeanfet cựu chủ tỉnh Chợ Lớn đứng giấy phép. Về sau cho thấy, LTTV là tiếng nói quảng bá đầy hiệu quả của Cuộc Minh Tân. Thời ấy toàn bộ nhà băng đều nằm trong tay người Pháp. Việc vay vốn ngân hàng là hết sức khó khăn, do thủ tục, lề luật phiền hà, nhiêu khê. Nhà băng tây chủ yếu cung cấp vốn cho những nhà tư bản công kỹ nghệ, các chủ đồn điền người Pháp chuyên trồng cây cao su và cây cà phê ở miền Đông Nam kỳ trên vùng đất đỏ. Cùng với việc nắm độc quyền thương nghiệp của người Hoa là sự đổ xô của người Ấn đến Nam kỳ để nắm lấy độc quyền về việc cho vay bạc. Một con số thống kê đáng lưu ý: Năm 1899 dân số Sài Gòn mới có 16.497 người Việt, thì Hoa kiều đã lên tới 13.113 người; Pháp kiều 2.500 người (không kể quân đội đồn trú) và Ấn kiều là 910 người. Thời bấy giờ, những ông tân điền chủ ở Nam kỳ đang cần vốn để khẩn hoang, mua thêm đất, cho tá điền vay vốn làm mùa. Người Ấn cho vay thủ tục đơn giản, họ mang bạc cho vay đến tận nơi, không phải ra chính quyền, khi khó khăn tranh chấp họ sẵn sàng thương lượng và nhân nhượng cốt thu hồi được vốn, không phải kiện thưa ra toà. Cho nên, dù lãi suất cao gấp mấy lần ngân hàng nhưng điền chủ vẫn thích vay của người Ấn vì sự thật số lãi nặng ấy, người lãnh cuối cùng là nông dân chứ không phải họ. “Bạc cho tá điền vay ba phân mỗi tháng. 100 đồng bạc vốn, năm đầu tiên té ra 136 đồng (vốn và lời); năm thứ nhì nếu tá điền không trả nổi thì đập lời vô vốn, ra 184 đồng 9 cắc 6; năm thứ ba té ra 251 đồng 54... Sau mười năm, số nợ đầu tiên là 100 đồng kia trở thành 2.164 đồng 9 cắc. Nếu thấy con nợ không đủ sức trả thì chủ điền bắt buộc giật nợ, cầm nhà, cầm đất (...). Ấy là tiền phóng trái, hậu đoạt điền” (Trần Quang Thuận, Phong Hoá tập giải, trang 210 – 211). Ông Trần Chánh Chiếu là người nhìn thấu rõ hiện tượng này. Tuy cũng xuất thân từ tầng lớp điền chủ, cái vòng kinh doanh tài chính lẩn quẩn nói trên tuy người điền chủ không hề bị thiệt mà còn tích luỹ ngày một nhiều đất hơn, song sẽ bần cùng hoá toàn bộ giai cấp nông dân. Trong khi đó, Cuộc Minh Tân muốn đạt được thành công phải có sự đồng lòng của toàn xã hội, mà nông dân là lực lượng đông đảo nhứt. Và, cũng không thể tiến hành cuộc Minh Tân mà không có nguồn vốn lớn. Ông Chiếu thường nói: “Phải có tàu lớn thì mới ra biển được”. Gom góp lòng yêu nước Để giải quyết điểm then chốt có tính quyết định cho việc thành bại các chủ trương Minh Tân này, ông Chiếu đã đưa ra sáng kiến chưa từng có trước đó, là huy động vốn. Ông thường xuyên nêu ý nghĩa của việc góp vốn này như một hành động yêu nước, một ý thức tự cường dân tộc. Ông đã bán hết toàn bộ điền sản của mình ở Rạch Giá và luôn là người có tên góp vốn đầu tiên để thành lập các cơ sở công kỹ nghệ và thương mại trong cuộc Minh Tân. Ngoài việc kêu gọi góp vốn thành lập các cơ sở kinh doanh của người Việt, ông G. Chiếu còn chủ trương thành lập ở Sài Gòn một tổ chức kinh doanh tài chính, dạng như một ngân hàng tín dụng, gọi là Hãng cho vay Sài Gòn – Chợ Lớn: “... lập một cái hãng cho vay, mỗi phần hùn 5 đồng, Hãng cho vay bạc rẻ hơn người Ấn (LTTV số 11). Vài việc cụ thể: Công ty nhà in: Kêu gọi góp vốn trên LTTV số 3, ra ngày 28.11.1907, dự kiến 1.500 cổ phần, mỗi cổ phần 24 đồng, góp mỗi tháng 2 đồng, trong 12 tháng thì có đủ số vốn là 36.000 đồng. “Hội này lập ra là có ý muốn mua một cái nhà in để mà in nhật trình, cùng là sách vở, (...) sách nói đủ việc cơ xảo, bán giá rẻ cho mọi người, lớn, nhỏ, già, trẻ, nghèo, giàu đều đọc được”. Mỹ Tho Minh Tân túc mễ tổng cuộc: Được hình dung như là một tổng công ty xuất khẩu lúa gạo. Bên dưới là “... mấy tiệm nhánh ở các hạt thì đặt tên là Minh Tân túc mễ phân cuộc. Tiệm cái phải đánh dây thép cho các phân cuộc hay biết giá cả lúc gạo lên xuống. (...) Trong xứ Nam kỳ ta, thì tôi tưởng chắc việc lúa gạo là phần lợi thứ nhứt, vì đã nhiều mà tàu các nước tới lui ăn hoài, không khi nào ngớt bến. Còn người Thanh thương (thương nhân Hoa kiều – NV) thời lập tiệm này hãng kia trong xứ ta có trên hai trăm cái mà mua lúa và trữ lúa” (LTTV số 12). Người khởi xướng cuộc vận động này là ông phó tổng Trần Văn Hài ở làng Lương Phú, tổng Thạnh Quới, hạt Mỹ Tho. Theo kế hoạch, sẽ tìm số vốn là một triệu đồng. Trong LTTV số 17, ngày 12.3.1908 cho biết đã có 25 vị ra vốn đầu tiên với số tiền là 16.980 đồng, trong đó ông G. Chiếu góp 1.000 đồng. Ước lập hoả thuyền: Với nhan đề này, ông tri phủ Nguyễn Bá Phước ở Bạc Liêu kêu gọi phần hùn mua hai chiếc tàu để chở hành khách Sài Gòn – Đại Ngãi – Bạc Liêu – Cà Mau theo đường biển. “Mỗi hiệu 3 đồng, mười hiệu vô một hùn là 30 đồng, ba ngàn hùn thì đủ sức khởi công” (LTTV số 25). Việc này về sau đã thành hiện thực. Nguyễn Trọng Tín soạn |
No comments:
Post a Comment