Thưa các bạn, hôm nay, kỉ niệm 60 năm ngày quốc khánh nước CHND Trung Hoa. 60 năm qua, Trung Quốc đã có sự trỗi dậy mạnh mẽ và đạt những thành tựu được thế giới ghi nhận. Thành tựu ấy thể hiện phần nào trong cuộc diễu hành sáng nay tại Bắc Kinh. Vào giờ này, tại trường quay của VietNamNet, Đại sứ Tôn Quốc Tường, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam đã có mặt và sẵn sàng trực tuyến với bạn đọc VietNamNet.
"Được sang làm Đại sứ ở Việt Nam, quê hương Bác Hồ là vinh dự đối với tôi" - Đại sứ Tôn Quốc Tường nói. Ảnh: Phạm Tuấn |
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn:
Trước hết, xin cám ơn Đại sứ đã dành thời gian với độc giả VietNamNet.
Xin chúc mừng những thành tựu mà nước CHND Trung Hoa đã đạt được 60 năm qua. Xung quanh những thành tựu to lớn và vĩ đại của Trung Quốc trong 60 năm qua, báo chí Việt Nam và thế giới đã nói nhiều. Hôm nay, chúng tôi muốn đề cập những vấn đề cụ thể hơn.
Câu hỏi đầu tiên dành cho Đại sứ, thành tựu nào trong 60 năm qua của Trung Quốc là ấn tượng nhất với cá nhân ông?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Trước hết, tôi hết sức vui mừng có cơ hội làm khách của VietNamNet. Tôi cũng nhờ VietNamNet chuyển lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất tới bạn đọc Việt Nam.
Sáng nay, ở Bắc Kinh, chúng tôi đã tổ chức lễ diễu binh và mít tinh trọng thể. Tôi cũng hết sức cám ơn bạn đọc Việt Nam đã quan tâm, theo dõi lễ diễu binh, mít tinh sáng nay.
Có thể nói, 60 năm của Trung Quốc là chặng đường phát triển hết sức ấn tượng. Chúng tôi đã trải qua chặng đường từ nước nhỏ bé trở thành nước giàu mạnh, từ nước nghèo khổ sang nước phát triển tốt đẹp.
Nếu các ông muốn hỏi tôi, tại sao Trung Quốc có thể đạt được thành tựu như vậy? Câu trả lời là Trung Quốc phải luôn kiên trì con đường phát triển phù hợp tình hình của Trung Quốc.
Xã hội chủ nghĩa (XHCN) của Trung Quốc không phải XHCN của mô hình nào khác, mà là con đường nhân dân Trung Quốc đã tìm ra trên thực tế nhiều năm của mình, phù hợp với đặc sắc Trung Quốc. Có thể nói, cuộc cải cách mở cửa là động lực cho sự phát triển của Trung Quốc.
Có thể nói, trong 30 năm cải cách mở cửa, diện mạo Trung Quốc có nhiều thay đổi. Cho nên, kinh nghiệm quý báu nhất trong 60 năm, Trung Quốc luôn kiên trì con đường XHCN, hai là, kiên trì cải cách mở cửa, ba là, tiến cùng thời đại, phong phú và thực hiện con đường cải cách mở cửa mang đặc sắc Trung Quốc.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trong những thành tựu cải cách mở cửa, ông hạnh phúc nhất với thành tựu nào của nhân dân Trung Quốc?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Nói về thành tựu, có thể nêu ba thành tựu nổi bật nhất:
Một là, sự thành lập của nước CHND Trung Hoa, do Chủ tịch Mao Trạch Đông tuyên bố sự ra đời của nhà nước mới.
Hai là, thực hiện cải cách mở cửa do thế hệ thứ 2, đứng đầu là Đặng Tiểu Bình đặt ra, nhờ đó đạt thành tựu hiện nay.
Ba là, kết hợp CN Mác - Lênin và thực tế của Trung Quốc làm phong phú hơn Chủ nghĩa Mác – Lênin.
Đó là 3 thành tự cơ bản nhất. Tất nhiên, thế hệ lí luận Mác - Lênin là lí luận sống, nhưng làm sao thể hiện sức sống của nó, thì ta phải tiếp tục tìm tòi, phải kết hợp thực tế của Trung Quốc để khiến chân lí này thành hiện thực. Qua quá trình phát triển 60 năm, Trung Quốc đã tìm ra con đường cho mình, con đường XHCN không theo mô hình nào, mà phù hợp với thực tế Trung Quốc, mang đặc sắc Trung Quốc.
Tư duy căn bản của Đảng viên là phục vụ dân
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Như ông nói, con đường cải cách mở cửa của Trung Quốc mang đặc trưng riêng. Theo tôi được biết, Trung Quốc là quốc gia có đông người theo đạo Khổng và Phật giáo. Hai yếu tố này có tác động gì tới con đường phát triển mang màu sắc Trung Quốc hay không, bên cạnh tác động của chủ nghĩa Mác – Lênin?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Một trong những nội dung trong cơ chế chế độ XHCN Trung Quốc là chúng tôi luôn tôn trọng tín ngưỡng, tôn giáo của các thế hệ nhân dân Trung Quốc. Đông đảo nhân dân đều có nguyện vọng và được tự do theo tín ngưỡng, đạo của họ.
Bất kì tôn giáo nào có lịch sử tồn tại lâu dài như vậy đều có lí do.
Tôi cũng nhất trí rằng tại Trung Quốc, người dân theo đạo Phật đông, nhiều nhất thế giới.
Những tư tưởng trong đạo Phật như thân thiện, hướng thiện… đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội.
Hiện nay, Đảng, Chính phủ Trung Quốc đang đề ra sáng kiến xây dựng xã hội hài hòa, mà chữ hài hòa này cũng xuất phát từ chữ hài hòa của Phật giáo.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chủ tịch Hồ Cẩm Đào theo đạo Phật phải không?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Không phải.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Sở dĩ tôi hỏi như vậy, vì tôi có cảm tưởng những thông điệp Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nêu ra về hài hòa, hòa bình… có tư tưởng của đạo Phật.
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Không phải. Qua quá trình thực tiễn phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng đã quyết định xây dựng xã hội hài hòa dựa trên thực tiễn của mình, không phải từ đạo Phật.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bản thân Đại sứ có theo đạo Phật không?
"Toàn XH là một bộ máy, không thể thiếu một linh kiện, phụ kiện này. Tất cả có chạy tốt thì máy này mới hoạt động bình thường". |
Đổi mới chính trị phục vụ đổi mới kinh tế
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trung Quốc đã mở cửa và cải cách hơn 30 năm, kinh tế có nhiều thành tựu rực rỡ, còn về cải cách chính trị, cải cách thể chế thì sao? Sắp tới Trung Quốc có đột phá cải cách chính trị, cải cách thể chế gì không?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Có thể nói, cải cách mở cửa của Trung Quốc bắt đầu từ kinh tế, phát triển kinh tế. Nội dung cơ bản quan trọng của cải cách mở cửa là giải phóng khả năng sản xuất của Trung Quốc.
Về cơ bản, bước đầu trong cải cách mở cửa đã nhiều thành công. Những thay đổi, phát triển hết sức nổi bật.
Tất nhiên, sau khi kinh tế phát triển, nó sẽ có nhiều ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, từ đó, phải có thay đổi về thể chế chính trị, thực hiện đổi mới chính trị cho phù hợp với sự phát triển kinh tế.
Tôi khẳng định không phải là thay đổi chế độ, chỉ là thay đổi thể chế.
Chúng tôi phải đổi mới thể chế mới có thể theo kịp sự phát triển của kinh tế. Vì thế, trong quá trình phát triển, Đảng Cộng sản Trung Quốc luôn liên tục thay đổi thể chế để theo kịp sự phát triển của kinh tế Trung Quốc, phục vụ nhu cầu của sự phát triển. Chúng tôi đề ra phải tiến cùng thời đại, phải mở mang sáng tạo.
Với cơ sở đó, tương lai của Trung Quốc luôn đi theo con đường thế này: có những sáng tạo, mở mang để làm sao làm tốt hơn nữa, có thể chế phù hợp với nhu cầu phát triển.
Đoàn kết dân tộc, thiếu phần nào cũng không được
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi được biết, Trung Quốc tập hợp, sử dụng trí tuệ trí thức rất tốt. Ông có thể chia sẻ với bạn đọc về việc lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng trí thức như thế nào?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Tôi nghĩ sự phát triển của XHCN của Trung Quốc phải tập trung lực lượng toàn xã hội mới thực hiện được. Thiếu phần nào cũng không được.
Có thể nói, toàn XH là một bộ máy, không thể thiếu một linh kiện, phụ kiện này. Tất cả có chạy tốt thì máy này mới hoạt động bình thường.
Tôi hoàn toàn nhất trí rằng lực lượng trí thức là lực lượng rất quan trọng trong sự phát triển của kinh tế Trung Quốc.
Đảng và Chính phủ Trung Quốc hết sức coi trọng sự phát triển lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Chúng tôi cũng đã nêu ra chiến lược: lấy sự phát triển của giáo dục đào tạo để phát triển đất nước.
Đầu tư cho giáo dục ngày càng tăng. Mỗi năm, sinh viên vào ĐH, CĐ cũng ngày một tăng lên, khoảng 6 triệu người/ năm. Các bạn cũng thể hình dung với con số lớn thế này mỗi năm, đất nước phải chi bao nhiêu tiền cho giáo dục.
Sự phát triển của Trung Quốc đã vào giai đoạn rất cần người nắm được tri thức, khoa học công nghệ, vì thế, Trung Quốc rất cần đầu tư cho lĩnh vực này.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều người Trung Quốc đi học Mỹ, Tây Âu về đóng góp cho sự phát triển của Trung Quốc, từ kiến thức và kinh nghiệm của họ ở các nước này. Cá nhân ông cũng từng học ở ĐH John Hopskin, Mỹ. Ông đánh giá như thế nào về sự đóng góp của lực lượng này cho sự phát triển của Trung Quốc?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Ở Trung Quốc có sáng kiến, về lĩnh vực giáo dục, chúng tôi ra ngoài, mới nhân tài vào và về Trung Quốc.
Nếu tôi nhớ không lầm, năm 1978, chúng tôi lần đầu tiên cử lưu học sinh ra nước ngoài học, với số lượng rất ít. Cùng với quá trình cải cách mở cửa, con số này ngày một tăng lên. Tôi không nắm được con số cụ thể, nhưng vài trăm nghìn người đang học ở nước ngoài.
Chính phủ Trung Quốc cũng rất quan tâm đến việc học hành của những người này, hi vọng trong tương lai họ trở về nước và cống hiến cho sự phát triển của Trung Quốc.
Hi vọng sau khi học, nắm được tri thức, kinh nghiệm, họ có thể trở về đất nước, đóng góp cho quá trình phát triển của Trung Quốc.
Có thể nói, những lưu học sinh của Trung Quốc bây giờ đang có nhiều cống hiến ở tất cả các lĩnh vực.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thu hút nhân tài ở nước ngoài về Trung Quốc phục vụ sự phát triển, có hay không tình trạng đố kị giữa người trong nước và người được mời về. Trung Quốc đã xử lý như thế nào để tạo môi trường cho họ phát huy, sử dụng họ?
"Cải cách thể chế không phải là thay đổi chế độ" - Ảnh: Phạm Tuấn. |
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Khi mới mở cửa cơ, trong những năm 1980 – 1985, giai đoạn đó phải đấu tranh để khẳng định con đường cải cách mở cửa, lúc ấy nhân tài ở nước ngoài về có bị đố kỵ không?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Ban đầu, khi lưu học sinh trở về xây dựng đất nước, con số không lớn. Chính phủ Trung Quốc để khuyến khích họ trở về có những chính sách ưu đãi.
Sau khi cải cách mở cửa chín muồi hơn, kinh tế Trung Quốc cũng phát triển hơn, bây giờ chúng tôi đang ở giai đoạn, ai giỏi, có khả năng phát triển cho đất nước, thì có ưu thế hơn, chứ không phải tạo ưu đãi để người Trung Quốc ở nước ngoài trở về.
Những nhân tài mà chúng tôi mong muốn, đón chờ, có nhu cầu là những người tài giỏi nhất.
Không lãng quên lợi ích đất nước
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nguồn lực người Hoa ở nước ngoài đóng góp như thế nào cho sự phát triển của Trung Quốc những năm qua?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Đóng góp của người Hoa ở nước ngoài rất lớn. Có người đi ra nước ngoài học tập, sau khi thành đạt, không lãng quên lợi ích của đất nước. Họ bỏ môi trường làm việc tốt hơn, trở về nước, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Không phải đa số trở về làm việc ở Trung Quốc nhưng ngay cả khi ở lại, họ không quên đất nước, quê hương của mình. Nếu đất nước có yêu cầu, lúc nào họ cũng sẵn sàng. Ví dụ, năm ngoái, Trung Quốc tổ chức rước đuốc, người Hoa ở nước ngoài rất ủng hộ…
Quan trọng hơn cả là họ sinh sống và làm việc ở nước ngoài, thì họ cũng là sứ giả của Trung Quốc ở nước ngoài, giúp tăng cường hiểu biết và tình hữu nghị của nhân dân các nước với nhân dân Trung Quốc.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Như bất kì quốc gia nào trong quá trình phát triển, Trung Quốc cũng đối mặt với thách thức mới để lên một tầm cao hơn. Trong đó, có vấn đề giải quyết các nhóm lợi ích không lành mạnh, chi phối sự phát triển của Trung Quốc. Theo tôi được biết, ông Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng Khánh đang quyết liệt chống các nhóm lợi ích lũng đoạn sự phát triển kinh tế , xã hội lành mạnh. Ông có thể giới thiệu thêm về chiến lược này của Trung Quốc?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Cũng như quốc gia khác, trong quá trình phát triển, Trung Quốc cũng gặp những vướng mắc, khó khăn như vậy.
Việc Trung Quốc có vấn đề tham nhũng, xã hội đen cũng không có gì lạ. Quan trọng nhất là Đảng, Chính phủ Trung Quốc đưa ra chính sách, giải pháp nào trong quá trình phát triển.
Vừa rồi, như ông đã nói, Bí thư Trùng Khánh đang làm quyết liệt để chống các thế lực. Đó cũng là cách thể hiện chính sách, thái độ của Chính phủ Trung Quốc đang giải quyết như thế nào trong quá trình phát triển.
Chính sách của Đảng, Chính phủ Trung Quốc trong vấn đề này rất rõ ràng. Quyết sách, biện pháp xử lý hết sức quyết liệt.
Chúng tôi hoàn toàn dựa vào sức mình để xử lý vấn đề, thể hiện một XH có ưu thế, có thế mạnh.
"Được làm việc ở quê Bác là vinh dự"
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Được biết, ông là người Triết Giang, quê hương của rất nhiều nhân tài Trung Quốc. Đến nay, ông đã tới Việt Nam gần 1 năm. Cảm nhận của ông sau gần 1 năm ở Việt Nam?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Cảm ơn anh đã nắm được tình hình của tôi tốt như vậy. Quê tôi ở Triết Giang, nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải.
Khi nhận chức vụ Đại sứ ở Việt Nam, tôi ngạc nhiên, vì tôi nhận nhiệm vụ đại sứ ở Thổ Nhĩ Kỳ chưa đầy 2 năm. Mặt khác, tôi cũng hạnh phúc và vui vẻ. Tôi nghĩ được nhận chức vụ Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam là vinh dự của tôi.
Trước khi làm Đại sứ ở Việt Nam, năm 2001, tôi có sang Việt Nam công tác. Lần này tôi sang, tôi thấy sự thay đổi, phát triển mọi mặt của đất nước các bạn rất lớn. Đây cũng là nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện sự nỗ lực của nhân dân Việt Nam.
Tôi có tình cảm sâu sắc với nhân dân và đất nước Việt Nam. Khi còn bé, tôi đã từng ra đường đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Trung Quốc. Ấn tượng nhất với tôi là Hồ Chí Minh có bộ râu hết sức đặc biệt. Sau khi tôi đi đón, hình ảnh Bác Hồ luôn trong lòng tôi.
Có thể nói, Bác Hồ đã cống hiến suốt đời cho cách mạng Việt Nam. Những cống hiến, việc làm của Bác Hồ lúc sinh thời luôn trong lòng tôi. Có thể nói, có cơ hội sang công tác, làm việc ở quê của Bác là vinh dự lớn nhất trong đời tôi.
Hôm nay là 1/10, tôi đã sang Việt Nam hơn 10 tháng. Vừa rồi, anh hỏi tôi: sang Việt Nam, tôi có cảm nhận thế nào? Tôi sang đây không có cảm giác đến một nước lạ, mà như sang nhà của bạn bè, của họ hàng.
Tôi đến các tỉnh của Việt Nam chưa nhiều, nhưng mỗi lần đi các nơi, tôi đều cảm thấy như trong nhà, thấy tình cảm hữu nghị nhân dân dành cho tôi, là tình cảm đồng chí, anh em.
Trong môi trường tốt đẹp như thế, câu trả lời của tôi là hết sức rõ ràng: tôi rất vui vẻ khi ở Việt Nam.
Không để những vấn đề tồn tại ảnh hưởng đến hữu nghị Việt - Trung
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Trong gần 60 năm qua, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã đạt được thành tựu gì và còn những vướng mắc gì cần giải quyết?
"Sang Việt Nam, tôi không có cảm giác đến một nước lạ, mà như qua nhà một người bạn bè, người thân" - Ảnh: Phạm Tuấn. |
Ngoài ra, sự giao lưu và đi lại của các tầng lớp, các bộ ngành, địa phương cũng rất thường xuyên. Từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, đã có 136 cuộc trao đổi của các tầng lớp, bộ ngành hai nước. Đây là hiện tượng hiếm có trong quan hệ song phương giữa Trung Quốc và các nước.
Về kinh tế - thương mại, sự hợp tác giữa hai bên đang trên đà phát triển tốt đẹp. Năm 2005, lãnh đạo cấp cao 2 nước đã đề ra mục tiêu đến 2010, kim ngạch thương mại hai nước đạt 20 tỷ USD, nhưng đến năm 2008 chúng ta đã đạt được.
Tất nhiên, khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế - thương mại song phương. Nhưng, với sự cố gắng của hai nước, từ quý II/2009, hợp tác thương mại hai nước có khởi sắc. Đến tháng 8/2009, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 12,1 tỷ USD. Cuối năm, với sự cố gắng của hai bên, để đạt kỷ lục năm ngoái hoặc gần mức đó không phải là mục tiêu khó khăn.
Qua kết quả đó, chúng ta thấy rõ, kinh tế thương mại của hai bên có tính bổ sung cho nhau.
Sự hợp tác về kinh tế - thương mại của hai bên cũng thể hiện ý chí hai bên cùng có lợi.
Ngoài ra, trong thể thao, văn hóa, quân sự… đều phát triển tốt đẹp. Tôi hết sức hài lòng với sự phát triển của quan hệ song phương, có lòng tin rằng quan hệ hai nước trong tương lai sẽ ngày càng phát triển hơn.
Tất nhiên, trong quan hệ song phương, như bất kì quốc gia nào, ngay cả trong một gia đình cũng có mâu thuẫn, vấn đề. Bây giờ vấn đề đang tồn tại trong quan hệ hai nước là do lịch sử để lại: vấn đề trên biển.
Tôi vui mừng là lãnh đạo cấp cao hai nước đạt nhận thức chung quan trọng: không để vấn đề trong quan hệ hai nước ảnh hưởng tới sự phát triển của tình hữu nghị Việt -Trung.
Tồn tại vấn đề này là khách quan. Chúng ta không nên để vấn đề ảnh hưởng lợi ích của hai bên và sự phát triển của quan hệ hai nước. Nếu trong thời gian ngắn, chúng ta không giải quyết được, thì nên để sang một bên, làm những vấn đề mà hai nước có thể cùng làm được để phát triển.
Không hữu nghị với Việt Nam không phải quan điểm của Chính phủ Trung Quốc
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhân dân Việt Nam tôn trọng tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam hết sức gìn giữ quan hệ với Trung Quốc. Có thể nói, phía Việt Nam đã làm hết sức mình. Tuy nhiên, phía Trung Quốc có những chuyện mà nếu không khắc phục, sẽ làm vẩn đục, gây tổn hại quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Ví dụ, trên một số website của Trung Quốc có viết những bài làm xấu đi quan hệ hai nước, như việc mạng Sina.com đăng tải kế hoạch tấn công Việt Nam trong 31 ngày, Thời báo Hoàn cầu có bài nói xấu Việt Nam… Người Việt Nam đọc và thấy buồn khi Việt Nam cố gắng nỗ lực để gìn giữ trong khi một số website của Trung Quốc lại không hữu nghị. Điều này khiến cho quan hệ mà lãnh đạo hai Đảng, Nhà nước muốn xây dựng gặp trục trặc nhất định.
Lãnh đạo Trung Quốc có giải pháp gì để chấm dứt tình trạng đó hay không?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Bây giờ đang ở thời đại Internet, mọi cánh cổng thông tin trên mạng đều để ngỏ. Bất cứ ai đều có quyền phát biểu, thể hiện quan điểm trên Internet. Cả hai nước đều có những người như thế này, đưa những thông tin không phù hợp, không có trách nhiệm về quan hệ hai nước trên web.
Về phía Đảng và Chính phủ Trung Quốc, để xử lý vấn đề này và phát triển quan hệ với Việt Nam, lập trường hết sức rõ ràng. Chúng tôi đã, đang làm những công việc để hướng dẫn cho báo chí đưa những tin phù hợp với định vị quan hệ hai nước, phát huy và thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.
Tôi nghĩ chắc ông cũng hiểu và nhất trí với tôi, những gì trên mạng, chúng tôi dù muốn điều khiển, hạn chế cũng rất khó.
Những ngôn luận như vậy không thay mặt cho Chính phủ Trung Quốc. Chúng ta cũng phải xem xét để có nhận xét đúng đắn hơn trước những ngôn luận xuất hiện trên các trang web.
Rất may mắn là Chính phủ hai bên đang làm hết sức mình để xử lý vấn đề này.
Trung Quốc kiểm soát, điều hành đất nước 1,3 tỷ dân tốt như vậy, nhưng tiếc rằng vẫn để lọt những bài viết nói xấu Việt Nam trên những trang web lớn như Sina.com |
Chúng tôi cũng thán phục sự kiểm soát, điều hành đất nước của lãnh đạo Trung Quốc. Một nước lớn, 1,3 tỷ dân, Trung Quốc kiểm soát tình hình rất tốt. Tiếc rằng lại để tình trạng có mạng lớn như Sina.com thi thoảng vẫn xuất hiện một bài như vậy. Tình trạng như vậy nếu giải quyết sớm thì lòng tin của nhân dân Việt Nam vào Trung Quốc và quan hệ song phương sẽ tốt hơn.
Chúng tôi mong việc này sẽ được xử lý, không để tình trạng như vậy ảnh hưởng tới quan hệ song phương.
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Tôi phải nói rằng những bài anh nói đều là những bài trên blog, không phải là bài đăng trên trang web của Chính phủ hoặc trang web chính thống của Trung Quốc. Đó những trang web cá nhân, mà số lượng các trang dạng này rất nhiều.
Thường thường nhiều bloggers vào trang web đó, không phải chủ trương, lập trường của trang web thuộc Chính phủ Trung Quốc.
Chủ trương của chúng tôi là Chính phủ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – Việt Nam.
Hai là, chúng tôi sẵn sàng làm công việc hướng dẫn cho báo chí đưa tìn phù hợp với quan hệ hai nước.
Ba là, chúng tôi sẽ tăng cường quản lý.
Đây là những gì Chính phủ Trung Quốc đang làm.
Cũng phải khẳng định lần nữa, đây là ngôn luận cá nhân, không phải là lập trường của Chính phủ. Việt Nam cũng có những blog đăng những bài không phù hợp với quan hệ hai nước. May mắn là, lập trường của hai Đảng, Chính phủ là làm thế nào thúc đẩy hơn nữa quan hệ hai bên.
Cơ chế trao đổi giữa các website Việt - Trung
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Nhân đây, tôi đề nghị VietNamNet, một báo điện tử nổi tiếng của Việt Nam xây dựng cơ chế hợp tác, giao lưu với các trang web lớn của Trung Quốc để trao đổi những vấn đề cùng quan tâm.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn gợi ý của Đại sứ. VietNamNet cũng có ý tưởng tạo diễn đàn trên VietNamNet để trí thức hai nước cùng thảo luận, tìm giải pháp giải quyết các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước như vấn đề Biển Đông, hoặc dư luận giữa hai nước. Giữa trí thức hai nước cùng ngồi và trao đổi trên mạng. Đây là ý tưởng của VietNamNet. Nếu Đại sứ ủng hộ thì chúng ta cùng bắt tay làm?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Thật ra, bây giờ cũng đang làm công việc đó đấy. Học giả, trí thức hai nước có cơ chế, kênh trao đổi thông tin, ý tưởng của họ. Nhưng các trang web hai nước chưa có cơ chế đó. Tôi hi vọng các trang web có thể trao đổi về vấn đề này, để cùng hợp tác, sẽ tốt cho quan hệ hai nước.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi rất sẵn sàng. Nếu được, Đại sứ có thể giới thiệu một số báo điện tử, trang web của Trung Quốc để chúng tôi cùng thảo luận?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Tôi muốn hỏi cơ quan chủ quản của báo VietNamNet là Bộ nào?
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bộ Thông tin – Truyền thông.
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Tôi nghĩ, VietNamNet có thể thông qua Bộ Thông tin – Truyền thông viết thư cho tôi, tôi sẵn sàng thúc đẩy.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Về cơ chế làm việc, là một cơ quan báo chí, chúng tôi có thể viết thư trực tiếp tới ngài Đại sứ và báo cáo lên Bộ chủ quản.
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Cách làm của anh cũng rất tốt. Vấn đề cụ thể chúng ta có thể bàn sau. Hai bên dần dần xây dựng cơ chế đó và cùng thực hiện.
Trung Quốc ủng hộ ASEAN tăng tiếng nói
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa ông, quan hệ Việt – Trung như vậy, còn quan hệ Trung Quốc – ASEAN như thế nào? Về triển vọng, cơ hội cũng như khó khăn trong mối quan hệ 10 + 1 này?
Thời cơ lớn nhất mà ASEAN và Trung Quốc phải nắm bắt là làm sao đối phó với khủng hoảng toàn cầu hiện nay. |
Trước đây, quan hệ mới dừng ở dạng song phương với từng nước ASEAN, bây giờ đã phát triển với toàn khối, với cộng đồng ASEAN. Quy mô và cấp độ hợp tác đều đã tăng lên.
Bản thân ASEAN trong mấy năm nay cũng có nhiều cải cách, thay đổi. Cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN cũng phát triển nhiều mặt: kinh tế, chính trị, nhân văn.
Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ với cộng đồng ASEAN. Về lâu dài, Trung Quốc hết sức ủng hộ phát triển của ASEAN, góp phần phát triển tiếng nói của tổ chức khu vực này.
Tôi nghĩ, thời cơ quan trọng nhất mà chúng ta phải nắm bắt là làm sao cùng nhau đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, hợp tác song phương và đa phương, để nắm bắt thời cơ sau khủng hoảng. Đây là nội dung chính trong hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN.
Chúng ta bây giờ đang gặp phải vấn đề bảo hộ thương mại. Sau khủng hoảng, một số nước trỗi dậy xu hướng bảo hộ thương mại. Hai bên cần thúc đẩy hợp tác để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất hiện nay.
Có thể nói quan hệ Trung Quốc - ASEAN là phù hợp với nguyện vọng chung và lợi ích cơ bản của nhân dân ASEAN, có lợi cho ổn định, phồn vinh khu vực và thế giới.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Với ASEAN, theo ngài, còn trở ngại, bất đồng nào không trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc cần giải quyết?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Vấn đề trở ngại lớn nhất trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc là xây dựng mạng lưới giữa các nước. Nói cách khác, là phải phát triển hệ thống giao thông.
Phát triển kinh tế - thương mại và lĩnh vực khác đều cần có kênh để thúc đẩy hợp tác. Bây giờ chỉ mạng lưới trên biển chưa đủ, cần phát triển hệ thống giao thông trên bộ.
Hai bên chúng ta đang bàn bạc để xây dựng con đường lớn phát triển quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam – ASEAN.
Phản đối nước lớn bắt nạt nước nhỏ
Bạn đọc Phụng Việt: Sau 60 năm xây dựng và 30 năm cải cách, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu hết sức lớn lao. Cùng với những thành tựu đó thì trên thế giới và trong khu vực, luận thuyết về "mối đe doạ Trung Quốc" đã được khơi dậy trở lại gây ra sự lo ngại của nhiều nước. Trung Quốc làm gì để xoá tan mối lo ngại này?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Người ta nói về mối đe dọa Trung Quốc không phải bây giờ mới có. Ngay cả khi Trung Quốc còn nghèo nàn, thì có người đã đưa ra cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc
Nếu Trung Quốc vẫn đi theo con đường XHCN để phát triển đất nước, những người không thích chế độ XHCN sẽ không thích, đưa ra cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc.
Về logic, nếu Trung Quốc phát triển, tất nhiên có sự đe dọa mọi mặt cho sự phát triển của thế giới là không đúng. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc là như thế nào? Trong 60 năm nay, Trung Quốc luôn đi theo con đường độc lập tự chủ và phát triển hòa bình. Chúng tôi luôn lấy quan điểm các nước cùng phát triển để phát triển con đường của mình.
Câu trả lời cho cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc chính là chính sách đối ngoại của Trung Quốc. |
Chủ tịch nước Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào trên các diễn đàn quốc tế đã nêu muốn xây dựng thế giới hài hòa. Từ hài hòa có nghĩa là Trung Quốc luôn kiên trì quan điểm “cầu đồng, tồn dị”. Chúng tôi luôn tôn trọng sự phát triển đa nguyên của các nước trên thế giới, không yêu cầu các nước trên thế giới phải phát triển giống Trung Quốc, tôn trọng văn minh, lịch sử của các nước, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, có hiểu biết lẫn nhau.
Trong 60 năm nay, chúng tôi luôn thực hiện chính sách, con đường phát triển hài hòa của mình. Tuy rằng Trung Quốc bắt đẩu thay đổi, lớn mạnh, nhưng chúng tôi luôn tôn trọng, ủng hộ các nước nghèo. Trong khả năng của mình, chúng tôi sẽ ủng hộ và giúp đỡ các nước này.
Tôi nghĩ rằng tôi không yêu cầu các thế lực thù địch không phản đối Trung Quốc, nói về mối đe dọa Trung Quốc nhưng tôi có lòng tin có thể xóa bỏ những tác động tiêu cực của nó.
Câu trả lời tốt nhất của Trung Quốc với cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc chính là đường lối, chính sách ngoại giao của Trung Quốc.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Ý tưởng của ông rất hay. Hi vọng Trung Quốc sẽ bằng hành động, giải pháp cụ thể, đặc biệt với các nước xung quanh, như Việt Nam, ASEAN, trên tinh thần hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng thắng để người ta nhìn nhận sự hữu nghị, thân thiện của Trung Quốc. Trong đó, những bất đồng còn tồn tại trong quan hệ Việt Nam, ASEAN và Trung Quốc, như vấn đề Biển Đông… trong tương lai sẽ được giải quyết bằng con đường hòa bình, hữu nghị, cùng có lợi.
Qua thương lượng hòa bình, không có gì không xử lý được
Điều này lí giải câu hỏi của bạn Nguyễn Thanh Tùng: Việc tranh chấp về biên giới, lãnh thổ giữa các nước láng giềng là điều thường diễn ra trong quan hệ quốc tế. Thực tiễn quan hệ quốc tế cho thấy để giải quyết được các tranh chấp này đòi hỏi hai bên phải có niềm tin, xây dựng được lòng tin. Và điều này lại đòi hỏi nỗ lực cả hai phía. Tuy nhiên, các nước nhỏ hơn thường có xu hướng nghi ngại nhiều hơn các hành vi của các nước lớn trong các tranh chấp và đòi hỏi các nước lớn phải có những bước đi cụ thể rõ ràng để họ có thể tin. Trong quan hệ với các nước ĐNÁ nói chung và Việt Nam nói riêng, Trung Quốc đã làm gì và sẽ làm gì để tạo dựng lòng tin này?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Tôi nghĩ Trung Quốc là nước có nhiều biên giới với các nước láng giềng. Cuối năm ngoái, với sự cố gắng của cả hai bên, Việt Nam và Trung Quốc đã giải quyết vấn đề biên giới trên bộ. Trung Quốc cũng cùng các nước đa số các nước láng giềng giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ.
Cũng phải nói thêm, giải quyết vấn đề này hết sức phức tạp. Tinh thần, nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ cũng được nhiều nước ủng hộ, chia sẻ hiểu biết chung.
Các nước có những nhận thức chung: phải thông qua đàm phàn hòa bình giải quyết tranh chấp, phải thông cảm cho nhau. Với chính sách như thế mới có thể cùng giải quyết bất đồng. Đó cũng là nguyên tắc cơ bản phù hợp với thực tiễn quốc tế.
Năm ngoái, sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc của hai nước, một số báo Việt Nam phỏng vấn, tôi đã nói, hai nước qua thương lượng, hữu nghị, hòa bình đã đưa ra tuyên bố về đường biên giới trên bộ Việt Nam - Trung Quốc, từ đó gửi thông điệp cho các nước trên thế giới rằng hai nước Việt Nam – Trung Quốc láng giềng XHCN anh em, qua thương lượng, hòa bình, không có vấn đề nào hai nước không giải quyết được.
Để giải quyết vấn đề không thể chỉ dựa vào suy nghĩ mà được, mà phải có điều kiện khách quan phù hợp để giải quyết.
Để trả lời câu hỏi của anh Tùng, tôi nghĩ rằng, những vấn đề do lịch sử để lại, sau này, qua bàn bạc, hữu nghị, hòa bình, chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề.
Vấn đề còn tồn tại do lịch sử để lại như biển Đông sẽ cùng giải quyết bằng bàn bạc, hữu nghị, hòa bình - Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường. |
Phát triển quan hệ, hai nước dần đần hiểu biết, thông cảm, chia sẻ lẫn nhau và cùng giải quyết. Tôi nghĩ, hai bên có lòng tin và trí tuệ để giải quyết vấn đề.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Tôi tin và hi vọng như vậy. Trong phát triển quan hệ, nếu không để xảy ra những chuyện đáng tiếc như việc Trung quốc cấm đánh cá, bắt giữ các tàu cá và ngư dân trên biển Việt Nam, sẽ giúp giữ niềm tin tốt hơn. Và tôi hi vọng quan hệ hai nước thời gian tới sẽ không có những sự việc tương tự làm vẩn đục …
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Tất nhiên chúng tôi luôn theo nguyên tắc đó để xử lý vấn đề cụ thể.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian trao đổi đã dài. Cảm ơn các bạn đọc đã gửi rất nhiều câu hỏi tới ngài Đại sứ. Do hạn chế thời gian, Đại sứ không thể trả lời hết được.
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Tôi cảm ơn bạn đọc VietNamNet quan tâm tới buổi trực tuyến hôm nay. Vì vấn đề thời gian có hạn, tôi không thể trả lời hết các vấn đề bạn đọc nêu ra. Hi vọng sau này có nhiều cơ hội hơn nữa để tiếp tục trao đổi.
Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Một lần nữa thay mặt bạn đọc và những người làm báo VietNamNet chúc mừng những thành tựu Trung Quốc đạt được 60 năm qua. Chúc cho Đại sứ Tôn Quốc Tường dồi dào sức khỏe, đóng góp cho sự phát triển của quan hệ hai nước. Mong rằng Đại sứ sẽ trở thành người bạn tốt của nhân dân Việt Nam.
- Tuần Việt Nam
No comments:
Post a Comment