Thanh Thủy
Bài đăng ngày 08/10/2009 Cập nhật lần cuối ngày 08/10/2009 16:31 TU
Với lệnh đình chiến năm 1953, các liên hệ cá nhân giữa hai miền Nam - Bắc Triều Tiên bị cấm đoán. Khoảng 600 000 người Hàn Quốc có thân nhân ở phía Bắc. Trong số này có 130 000 đã nộp đơn xin được gặp lại người thân. Nhưng các cuộc hội ngộ chỉ tạo thêm nỗi đau lòng.
Cuối tháng 9 sau hai năm bị đình hoãn, chương trình gặp gỡ giữa các gia đình Triều Tiên bị ly tán từ ngày đất nước bị chia đôi, đã được thực hiện trở lại. Nhưng các điều kiện để tham gia chương trình này rất khắt khe.
Trong bài báo mang tựa đề « Nỗi đắng cay đằng sau các cuộc hội ngộ » tờ La Croix kể câu chuyện của ông Shin, 83 tuổi, hiện dang sống tại Seoul.
Năm 25 tuổi, khi ông đang chiến đấu trong hàng ngũ quân đội nhân dân Bắc Triều Tiên, ông đã đào ngũ vào năm 1951, để lại ở miền Bắc vợ và một đứa con gái 2 tuổi. Sau đó ông đã lập lại gia đình ở phía Nam và có 6 con.
Với lệnh đình chiến năm 1953, các liên hệ cá nhân giữa hai miền Nam - Bắc bị cấm đoán. Và, trong hơn một nửa thế kỷ ông Shin không có một tin tức nào về gia đình của ông ở miền Bắc.
Mãi đến tháng 6 năm 2000, sau một cuộc họp thượng đỉnh lịch sử tại Bình Nhưỡng giữa hai lãnh đạo Triều Tiên, một hiệp định đầu tiên đã được ký kết, cho phép những cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các gia đình ly tán.
Ông Shin đã liên tới ghi tên tại hội Hồng Thập Tự Triều Tiên, cơ quan đặc trách các vụ đoàn tụ này. Nhưng ông đã phải đợi 10 năm mới thực hiện được điều mong muốn, khi thể thức rút thăm đã cho phép ông, cùng với khoảng một trăm gia đình khác, tham gia một trong những cuộc gặp gỡ.
Theo tờ La Croix, người ta ước tính là có 600 000 người Hàn Quốc có thân nhân ở phía Bắc. Trong số này có 130 000 đã nộp đơn chính thức từ năm 2000.
Nhưng đến đầu năm 2008, với việc tổng thống bảo thủ Lee Myung-Bak lên nắm quyền, Bình Nhưỡng đã đơn phương quyết định đình chỉ chương trình đoàn tụ gia đình. Thông tin này quả thật là một tai họa đối với các gia đình đang chờ được phép đi thăm thân nhân ở miền Bắc, vì ba phần tư số người đã nộp đơn tuổi đã ngoài 70 và một phần ba đã qua đời từ năm 2000.
Tháng 8 năm nay chương trình được mở lại sau chuyến đi Bình Nhưỡng của chủ tịch tập đoàn Hyundai của Hàn Quốc để thương lượng việc trả tự do cho một nhân viên bị Bắc Triều Tiên giam giữ tại khu công nghiệp Kaesong.
Nhờ vậy mà vài tuần lễ sau ông Shin được phép đến núi Kim Cương, nằm trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên và là nơi diễn ra các cuộc gặp gỡ giữa các gia đình Nam - Bắc Triều Tiền.
Nỗi đau lòng của một người cha khi gặp lại người con gái ở phương Bắc
Ông Shin muốn tìm lại quá khứ, muốn nhận được thông tin của những người thân sống cùng làng với ông, và lòng ông tràn ngập hy vọng là sẽ được gặp lại những người anh em họ có thể giúp ông nối lại quan hệ đã bị cẵt đứt từ hơn một thế kỷ qua.
Nhưng khi được gặp lại người con gái duy nhất ở miền Bắc, nay là một bà 60 tuổi, ông Shin cảm thấy một sự dửng dưng kỳ lạ.
Lý do là vì ông đã để lại một bé gái 2 tuổi và giờ đây ông khám phá một phụ nữ Bắc Triều Tiên không ngớt lời ca ngợi công lao của vị lãnh tụ tối cao Kim Jong-Il.
Ông đau lòng khi nghe người con gái tuyên bố rằng những bộ quần áo của bà, sự giáo dục mà bà đã được hấp thụ và cuộc đời mà bà có được là nhờ vào công ơn của lãnh dạo Bắc Triều Tiên.
Trên tờ Libération, ông Shin kể lại : « Tôi cảm thấy có lỗi nhiều, tôi đã không làm tròn bổn phận của một người cha, cho nên tôi không dám nói gì cả. Tự nhiên tôi không cảm nhận được một mối liên hệ nào giữa hai chúng tôi. Tôi đang ngồi nói chuyện với một người lạ. »
Ông Shin cũng không gặp được những người anh em họ đã trải qua tuổi thơ với ông ở quê làng. Thế nhưng giờ đây đứng trước mặt ông là một chàng thanh niên được giới thiệu là cháu ngoại của ông và ông cũng không tỏ ra vui mừng.
Cuộc hội ngộ diễn ra trong hai ngày với những buổi tiếp xúc hai tiếng đồng hồ luôn luôn dưới sự canh chừng của cán bộ Bắc Triều Tiên.
Đến lúc chia tay và tiễn đưa ông Shin lên xe ca, người con gái nói nhỏ với ông là bà muốn ông để lại chiếc đồng hồ và chiếc nhẫn cưới bằng vàng. Ông liền thực hiện ý muốn của con gái và ông biết đây là lần gặp gỡ cuối cùng.
Theo báo Libération, ông Shin hối tiếc là đã tham gia cuộc hội ngộ vừa qua vì nó chỉ để lại nơi ông một nỗi đau buồn.
No comments:
Post a Comment